Cách học Tiếng Anh hiệu quả
Chuyên mục Cách học Tiếng Anh hiệu quả được eLib giới thiệu sau đây sẽ chia sẻ đến bạn các cách học từ vựng, ngữ pháp tiếng Anh, cách luyện nghe tiếng Anh hiệu quả,... giúp bạn nhớ lâu và nâng cao khả năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh trong học tập, thi cử và giao tiếp. Mời các bạn cùng tham khảo.Mục lục nội dung
1. Xác định mục đích học tiếng Anh
1.1 Cách luyện nghe tiếng Anh hiệu quả
1.2 Rèn luyện kỹ năng nói và phát âm
2. 10 bí quyết tự học tiếng Anh tại nhà
2.1 Biến tiếng Anh thành một phần cuộc sống
2.4 Sử dụng nguồn tiếng Anh thực tế
2.7 Nghe tiếng Anh ở tốc độ người bản xứ
2.8 Tìm cách học không nhàm chán
3. Cách học tiếng Anh giao tiếp hiệu quả
3.1 Lỗi giao tiếp tiếng Anh căn bản
1. Xác định mục đích học tiếng Anh
Khi học tiếng Anh, điều đầu tiên cần xác định là học để làm gì, và mức độ nào là đạt yêu cầu để làm mốc phấn đấu. Ví dụ học để giao tiếp lưu loát với người nước ngoài, mục đích là để làm việc trong các công ty nước ngoài nâng cao thu nhập, hoặc đơn giản là chỉ để giao lưu kết bạn cho vui, chém gió thoải mái mà không sợ hãi. Hoặc ở mức độ cao hơn, luyện tiếng Anh để thi lấy bằng Toeic, Toefl, Ielts, để đi du học, thì cũng phải xác định số điểm mà mình muốn đạt được để lấy đó làm mục tiêu. Nhưng để luyện thi điểm cao thì trước hết kiến thức nền của mình phải vững cái đã. Cho nên nền tảng là quan trọng.
Về phần nền tảng, thì học tiếng Anh cũng như bất kỳ ngôn ngữ nào khác đều bao gồm bốn phần: nghe, nói, đọc, viết. Quan sát một đứa trẻ khi học ngôn ngữ mẹ đẻ của nó, thì đầu tiên nó nghe người lớn nói trước, rồi nó mới lặp lại những từ ngữ nghe được. Những từ ngữ đó được sử dụng thường xuyên thì biến thành từ vựng của đứa trẻ đó. Nên một đứa trẻ nói năng lưu loát thông minh hay chửi tục nói bậy thì cũng từ môi trường của nó mà ra thôi. Sau đó đến tuổi tới trường, đứa trẻ bắt đầu học đọc, rồi sau đó mới học viết. Cho nên tụi trẻ con cũng học theo tiến trình nghe, nói, đọc viết mà thôi. Từ những quan sát trên, ta áp dụng cho việc học tiếng Anh của mình:
1.1 Cách luyện nghe tiếng Anh hiệu quả
Trước tiên là phải luyện nghe trước, phải nghe cho vững thì nói mới đúng được. Nhất là những bạn muốn phát triển kỹ năng giao tiếp tiếng Anh, nếu không nghe tốt làm sao nói được lưu loát. Nên, first and foremost, nghe nghe nghe. Vậy luyện nghe như thế nào?
- Bạn có thích xem phim không? Nếu có thì đó là lợi thế lớn trong việc học tiếng Anh. Bạn hãy xem phim thường xuyên, nhưng nhớ xem phụ đề tiếng Anh nhé. Nhưng học tiếng Anh lúc xem phim thì hơn mắc công chút. Cách triệt để nhất là vừa xem vừa để một tấm bìa nhỏ che phần phụ đề phía dưới, ta vừa xem vừa nghe diễn viên nói, từ nào nghe không ra thì pause lại, coi phần phụ đề xem nó là từ gì, rồi nhẩm lại cách phát âm như diễn viên trong phim. Cách khác đỡ cực hơn là cứ vừa xem vừa liếc phụ đề, chỉ dừng lại để dịch những từ không hiểu thôi. Nhưng từ nào mình nghe không ra thì đều phải phát âm lại theo cách nói trên phim.
Xem phim riết một thời gian thì bạn sẽ nhận ra là có rất nhiều từ đơn giản mà hồi giờ mình phát âm sai. Bởi vậy mình nói gì bọn nước ngoài nó đực mặt ra không hiểu gì cũng đúng. Cách học này cũng là một kiểu như trẻ em học nói vậy. Nhỏ Vy em mình nhờ xem phim Mỹ và luyện phát âm nhiều mà nó phát âm chuẩn hơn khối bạn học Ngoại Thương ra, thậm chí còn có mấy khách hàng người Mỹ khen nó nói giọng y chang giọng Texas, mặc dù em nó vừa tốt nghiệp đại học Hoa Sen thôi.
Lưu ý, xem phim quá nhiều sẽ phát sinh tác dụng phụ, đó là bị “lậm”, nói dễ hiểu hơn là xa rời thực tế, đang ở Việt Nam mà tưởng đang ở Mỹ.
- Level cao hơn coi phim một chút, là các bài trong Ted Talk. Trang này là tập hợp các bài thuyết trình của các chuyên gia trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, coi mấy clip ở đây vừa luyện kỹ năng tiếng Anh, vừa có thêm kiến thức và thông tin, lại được truyền cảm hứng nữa, thiệt là nhất cử tam tứ tiện. Cách nghe thì cũng như nghe khi xem phim. Trong phim từ vựng thường đơn giản, còn các bài nói trong Ted Talk ngôn ngữ thường formal hơn.
- Ngoài trang Ted Talk thì có thể xem các clip của Discovery Channel hoặc National Geographic trên Youtube. Cách luyện nghe và nói cũng y chang vậy. Mỗi trang này có một kiểu từ vựng khác nhau nên càng nghe nhiều kênh thì từ vựng của mình càng phong phú.
- Một cách luyện nghe khác mà mình cực thích, làm được tức là kỹ năng nghe cũng kha khá rồi. Đó là lên mạng download podcast của các chương trình khác nhau trong ba kênh tin tức nổi tiếng thế giới: BBC của Anh, CNN của Mỹ, và ABC News của Úc. Down xong bỏ tất cả trong điện thoại rồi nghe khi nào rảnh rỗi, hoặc tận dụng lúc lái xe đi làm. Sáng một podcast, chiều một podcast, cứ thế đều đều. Chẳng mấy chốc ta sẽ nhanh chóng làm quen với ngữ điệu tiếng Anh của ba quốc gia trên, và có thể luyện giọng của mình theo kiểu nào mình thích nhất.
Cách này cũng có tác dụng phụ: nhanh bị nặng tai. Có cách nào nghe tai phone hoài mà không bị suy giảm chức năng nghe thì thiệt là tốt.
1.2 Rèn luyện kỹ năng nói và phát âm tiếng Anh chuẩn
Nghe vững thì nói mới chuẩn, nhưng luyện từ thôi chưa đủ, để nói vừa nhanh vừa chuẩn và ngữ pháp chính xác thì phải luyện phản xạ khi nói. Cái này cũng không có cách nào khác để phát triển ngoài thực hành.
- Luyện phát âm từng từ thì có đề cập trong phần nghe rồi. Còn muốn chú trọng kỹ năng nói lưu loát thì bạn có thể dùng ba trang đã nêu là Ted Talk, Discovery Channel và National Geographic, vừa nghe vừa nói theo với ngữ điệu lên xuống y chang diễn giả hay người thuật chuyện, cố gắng bắt kịp tốc độ của họ. Dần dần giọng mình cũng sẽ lên xuống cũng du dương y chang. Nhưng mới bắt đầu thì bạn nhớ chọn mấy bài nói ngăn ngắn thôi, kẻo chọn mấy bài dài thì mau đuối nên dễ nản lắm.
- Tham gia mấy diễn đàn luyện nói tiếng Anh qua mạng, liên hệ với các thành viên rồi chat voice qua Skype với các bạn đó. Điển hình là có trang học tiếng Anh của BBC, trang http://www.speak-english-today.com/, hoặc trang http://www.todays-talking-topics.com/. Các trang mạng này thì hầu hết không có người bản xứ Anh, Mỹ, Úc nói giọng chuẩn đâu, tụi nó hơi đâu mà làm mấy cái này. Chủ yếu là sinh viên người đi làm ở các quốc gia đang phát triển, muốn nâng cao trình độ tiếng Anh để du học hoặc hội nhập quốc tế. Thông thường là dân các nước như Pakistan, Bangladesh, Trung Quốc, Jordan, Ai Cập, Angola…
Thực sự mà nói thì mình đâu phải lúc nào cũng nói chuyện với bọn Anh Mỹ Úc đâu, đa phần học hành làm ăn kinh doanh thì giao thiệp liên lạc với bọn châu Á quanh vùng hoặc có khi cả Trung Đông và châu Phi, Nên nói chuyện với các bạn này, cùng không phải là dân tiếng Anh chuẩn nên vừa nói vừa sửa cho nhau đỡ ngượng, với lại nhân tiện lại biết thêm về văn hóa các đất nước xa xôi mà mình ít có cơ hội tiếp xúc, hiểu thêm nhiều về các tôn giáo xa lạ như Hồi giáo, Ấn giáo,… mà những kiến thức đó thì mình lại không được học nhiều ở trường. Sau này mớ vốn kiến thức đó cũng có lợi cho mình trên đường hội nhập giao thương với bạn bè quốc tế, tiện cả đôi đường.
Thành viên các diễn đàn này thì hên xui, đa phần thấy trong BBC là tử tế đàng hoàng, còn các trang khác thì người muốn luyện tiếng Anh đơn thuần cũng nhiều mà mấy cha dê xồm muốn tán tỉnh chat sex hoặc đòi xem webcam bậy bạ cũng không phải là không có. Nói chung phải tỉnh táo và cảnh giác, chọn bạn mà chơi. Kể chuyện lại nhớ hồi trước mình hay nói chuyện với một anh người Ai Cập cực kỳ nhiệt tình và dễ thương, ảnh ngồi mấy tiếng liền giải thích cho mình hiểu cái hay của đạo Hồi và hướng dẫn cách cầu nguyện, rồi còn chỉ cho mình các thuật lãnh đạo và quản lý con người vì ảnh làm quản lý của một nhà máy. Tiếc là sau khi anh chàng cưới vợ xong thì bị mất liên lạc vì ảnh bảo vợ ảnh rất hay ghen, nên ảnh hạn chế tiếp xúc với tất cả các cô gái và đóng luôn tài khoản Facebook.
- Đăng ký host mấy bạn đi du lịch bụi ở các trang như Couchsurfing hay Hospitality Club cũng là một cách để tạo thêm cơ hội tiếp xúc và nói tiếng Anh, mặc dù không được thường xuyên.
- Kéo một đứa nào đó đang muốn luyện nói tiếng Anh giống mình, giao kèo là từ rày về sau gặp nhau sẽ chỉ nói chuyện bằng tiếng Anh thôi, ai cười mặc kệ. Cái này mới đầu thấy hơi “dị dị” mà sau thành quen, mấy bạn trong nhóm yoga với mình toàn nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh. Nếu có người quen nào mà tiếng Anh giỏi hơn mình nhiều mà lại chịu khó nghe mình nói và sửa cho mình thì càng tuyệt.
- Lựa chọn một chủ đề mình thích, phân tích và diễn giải nó bằng tiếng Anh. Có thể chọn chủ đề từ dễ đến khó theo khả năng và sở thích của mình, ví dụ như bạn thích quà gì cho ngày sinh nhật, cho đến ISIS là gì hay tàu du hành vũ trụ được vận hành như thế nào. Thu âm lại các bài nói, nghe lại xem có chỗ nào chưa hay và chú ý sửa lại sao cho thấy vừa ý nhất.
1.3 Rèn luyện kỹ năng đọc
- Đọc hầu hết mọi thứ bằng tiếng Anh, mọi lúc mọi nơi, báo tiếng Anh, tài liệu tiếng Anh, sách tiếng Anh. Nếu bạn thích đọc sách thì cố gắng tìm sách giấy hoặc ebook bằng tiếng Anh, kiên quyết không đọc tiếng Việt nếu có bản tiếng Anh. Dĩ nhiên mới đầu đọc thì sẽ chậm và nản, nhưng kiên trì đọc hằng ngày dần dần rồi cũng quen và tốc độ sẽ tăng dần. Ngày đầu tiên đọc nửa trang và tra từ điển miết là nản rồi, cố gắng ngày hôm sau đọc hết một trang, hôm sau nữa hai trang, dần dần một ngày đọc lên 10 trang hay 20 trang là coi như tạm được. Sau khi đọc một thời gian ta sẽ thấy cách dùng từ của mình linh hoạt hơn, văn phong thoải mái và trơn tru hơn, và dễ dàng phát hiện ra những lỗi dùng từ sai vì nhìn sẽ thấy trái trái.
- Từ vựng, từ vựng. Một điều quan trọng là khi luyện nghe và đọc, thấy những từ nào mới mà mình thấy thích và phổ biến thì lập tức ghi lại vào sổ tay hoặc note điện tử, nhớ ghi theo chủ đề, tra từ điển để biết ý nghĩa và cách dùng từ đó. Rồi mỗi ngày xem lại list và học thuộc từ mới, đặt câu với các từ đó. Một thời gian sau lại lật qua để ôn lại, nhằm mục đích biến từ mới thành từ của mình. Một ngày học mười từ, mười ngày có trăm từ. Nhờ đó mà từ vựng của mình sẽ tăng lên theo thời gian.
- Sách tiếng Anh: sách ngoại văn tại Việt Nam khá hiếm. Sau một thời gian tìm kiếm, mình tìm ra một vài nguồn cung cấp sách tiếng Anh khá ổn. Sách giấy thì có ở nhà sách Xuân Thu trên đường Trần Hưng Đạo, giá cũng mềm, nhưng ít sách mới xuất bản. Hoặc là rình mua sách cũ theo đợt của anh Cảo Thơm, nhiều sách hay mà giá lại rẻ nữa.
- Sách ebook: mình hay download từ trang http://ebook4expert.blogspot.com/ của em Phạm Minh Tuấn, nhiều sách tha hồ đọc thoải mái, chủ đề cơ bản là business và phát triển bản thân. Còn một trang khác mà mình cực thích là trang https://openlibrary.org/. Đăng ký mượn rồi vào đọc online, một số sách hiếm kiếm hoài ebook trên mạng không có nhưng tìm trong trang này là có hết.
1.4 Rèn luyện kỹ năng viết
- Cách đơn giản để bắt đầu viết và để luyện từ là tiếp tục dùng ba cái trang dùng để luyện nghe ở trên đầu bài và bật lên, vừa nghe vừa chép lại, hoặc tăng tốc hơn thì nghe liên tục và tóm tắt lại các ý chính (cách này rất tốt để luyện thi Toefl hay Ielts). Sau đó so sánh bản chép của mình với transcript xem mình bị thiếu ý hay viết sai từ nào không.
- Viết blog. Phương pháp luyện viết tiếng Anh khác của mình là lập ra một blog bằng tiếng Anh để viết bất kỳ cái gì mình thích, mà thường là review việc tự học và dặn dò rèn luyện bản thân. Mà viết blog dù tiếng Việt hay tiếng Anh cũng đều có những cái lợi riêng của nó. Nó giúp tăng cường khả năng diễn đạt và làm phong phú đời sống tinh thần. Mình đang ráng giữ phong độ 1 ngày viết 1000 từ, viết được thấy khỏe. Khi viết, cố gắng áp dụng những từ vựng mình đã học từ quá trình nghe và đọc.
2. 10 bí quyết tự học tiếng Anh tại nhà hiệu quả
Không cần sống ở một nước nói tiếng Anh, bạn vẫn có thể thành thạo ngôn ngữ này, tùy vào phương pháp học tập. Dưới đây là 10 phương pháp tự học tiếng Anh mà eLib đưa ra cho bạn, cùng tham khảo nhé!
2.1 Biến tiếng Anh thành một phần cuộc sống hàng ngày
Khi tự học tiếng Anh tại nhà, bạn nên tập thói quen đọc báo, nghe radio, viết nhật ký, liệt kê danh sách thứ cần thiết mua khi đi siêu thị bằng tiếng Anh, hoặc nghe tiếng Anh bằng điện thoại trên đường đi làm bằng xe buýt.
2.2 Kết bạn với người bản xứ
Cơ hội để bạn gặp gỡ những người bản xứ đang sống cùng khu vực với mình khá cao. Bạn có thể đến các quán bar hoặc nhà hàng dành cho người nước ngoài, tham gia câu lạc bộ xã hội hoặc hoạt động thể thao, tìm người muốn trao đổi ngôn ngữ. Thậm chí, bạn có thể tình nguyện làm hướng dẫn viên ở một điểm du lịch hấp dẫn gần nhà để gặp người nói tiếng Anh từ khắp nơi trên thế giới.
2.3 Tìm bạn học cùng
Tham gia câu lạc bộ tiếng Anh, kết bạn với một ai đó và thường xuyên gặp gỡ họ, bạn sẽ được truyền động lực học tập rất nhiều. Hai bạn nên sử dụng tiếng Anh khi trò chuyện và giúp nhau sửa lỗi.
2.4 Sử dụng nguồn tiếng Anh thực tế
Đọc sách giáo khoa tiếng Anh khiến bạn cảm thấy tẻ nhạt. Những cuốn sách viết cho người bản xứ thú vị hơn nhiều, dù ban đầu có thể là thử thách đối với bạn. Điều quan trọng nhất là sự kiên trì. Nếu bạn không thể tìm được sách hoặc tạp chí tiếng Anh, nguồn tin tức trên Internet sẽ rất hữu ích.
2.5 Lên mạng
Thông qua mạng xã hội, bạn kết nối được với cả thế giới. Chỉ với vài cú click chuột, bạn có thể tham gia diễn đàn online, đăng ký một khóa học trực tuyến hay tìm được người trò chuyện hàng ngày bằng tiếng Anh.
2.6 Lập mục tiêu thực tế
Lý do cụ thể khiến bạn muốn tự học tiếng Anh tại nhà là gì? Bạn muốn thăng tiến trong công việc, trò chuyện với đồng nghiệp người nước ngoài, đi du học hay dành kỳ nghỉ tiếp theo ở một đất nước nói tiếng Anh? Bạn hãy đặt mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, tự theo dõi tiến trình để đạt hiệu quả cao nhất.
2.7 Nghe tiếng Anh ở tốc độ bình thường của người bản xứ
Những bài nghe thiết kế cho người học tiếng Anh có thể không giống với thực tế mà bạn bắt gặp ở ngoài. Do đó, bạn nên luyện tai bằng tốc độ bình thường của người bản xứ, ngay cả khi bạn không thể hiểu hết mọi thứ. Bên cạnh đó, bạn hãy thử xem phim, nghe nhạc mà không có phụ đề. Đừng ngại nghe đi nghe lại vài lần trước khi "bắt" được thứ gì đó thú vị hoặc một từ vựng bạn ít sử dụng. Những podcast tiếng Anh miễn phí trên mạng là nguồn học vô tận.
2.8 Tìm cách học từ vựng không nhàm chán
Nếu thích hát, bạn hãy tìm từ vựng trong các bài hát tiếng Anh yêu thích, viết lên giấy nhớ và dán khắp nhà. Bạn có thể phát triển từ thành một câu hài hước hoặc vẽ hình ảnh bên cạnh từ đó để nhớ lâu hơn.
2.9 Học về văn hóa
Học một ngôn ngữ không chỉ dừng lại ở ngữ pháp và từ vựng. Bạn cần giao tiếp với những người có cách nghĩ, cách nói khác mình, do đó hiểu về văn hóa của đất nước họ cũng giúp bạn sử dụng ngôn ngữ hiệu quả hơn.
2.10 Tạo niềm vui khi học tập
Nhiều người từ bỏ việc học ngoại ngữ vì cảm thấy áp lực, nặng nề. Bạn hãy gắn nó với các trò chơi, giải câu đố, hát hò, đọc truyện tranh và không lo lắng quá nhiều về việc mắc lỗi. Mắc lỗi chính là cách tốt nhất để học tập hiệu quả.
3. Cách học tiếng Anh giao tiếp hiệu quả
Theo kết quả của PLI (The Power Language Index) – chỉ số giúp so sánh về mức độ hữu ích của ngôn ngữ năm 2016, tiếng Anh chính là ngôn ngữ quyền lực nhất, xếp sau đó là các thứ tiếng khác như tiếng Pháp, tiếng Trung,… Chính vì vậy, việc trang bị cho mình kỹ năng nói tiếng Anh đúng “chuẩn” là vô cùng cần thiết, nhất là trong thời buổi kinh tế hội nhập – phát triển của nước ta.
Hiện nay có rất nhiều bạn sinh viên, người đi làm muốn tìm kiếm cho mình cơ hội việc làm, thăng tiến trong công việc nhưng thường gặp trở ngại khi giao tiếp bằng tiếng Anh, chính điều đó làm chúng ta luôn bị dậm chân tại chỗ và không thể phát triển. Theo lời khuyên từ chuyên gia Hội đồng Anh, không có một độ tuổi nhất định để bạn cần phải học tiếng Anh, nhưng càng tiếp xúc với ngôn ngữ này sớm và nghiêm túc, bạn càng có nhiều cơ hội để thành công. Tuy nhiên, trước khi tìm hiểu về cách học tiếng Anh giao tiếp hiệu quả, chúng ta hãy cùng nhau phân tích những lỗi giao tiếp thường xuyên mắc phải nhất để từ đó tìm ra phương pháp học phù hợp nhất.
3.1 Những lỗi giao tiếp tiếng Anh căn bản
Final Sound
Lỗi giao tiếp đầu tiên dễ nhận thấy nhất của người Việt nói riêng và người học ngoại ngữ nói chung chính là cách phát âm thiếu âm cuối – final sound. Một số lỗi phát âm mà chúng ta thường mắc phải là bỏ qua các âm /t/,/d/,/s/,/z/...do cấu trúc khác biệt trong ngôn ngữ tiếng Việt. Một điều chắc chắn rằng mọi người không thể hiểu từ bạn nói là gì vì bạn đã “Việt hoá” từ đó. Chính điều này dễ làm người nước ngoài rơi vào tình trạng bối rối vì không hiểu điều chúng ta đang muốn nói đến hoặc thậm chí là hiểu nhầm.
Sentence Stress
Đa số người Việt chúng ta khi học tiếng Anh giao tiếp cũng thường không chú trọng vào cách nhấn giọng trong một câu nói – sentence stress. Nếu bạn nói một đoạn thật dài, chứa nhiều thông tin nhưng âm phát ra lại đều đều, không có trọng âm cho các từ, điều đó sẽ làm người nghe không thể nhận biết đâu là ý chính của bạn. Cách nói “ru ngủ” như vậy sẽ làm đối phương cảm thấy nhàm chán, dễ lơ là và thiếu tập trung vào lời bạn nói, đặc biệt là những trường hợp thuyết trình trên lớp, tại phòng họp hay thương thuyết với khách hàng…
3.2 Làm sao để học tiếng Anh giao tiếp hiệu quả nhất
Tìm phương pháp học phù hợp
Bước đầu để học Anh văn giao tiếp tốt đó là người học cần phải tìm được phương pháp học phù hợp với bản thân. Bạn có thể lên mạng và tìm hiểu về những bí quyết học tiếng Anh giao tiếp hiệu quả vì có rất nhiều cách học khoa học mà bạn có thể áp dụng như học nhóm cùng bạn bè, đến trung tâm Anh ngữ, tham gia các câu lạc bộ hoặc thậm chí tự nghiên cứu tại nhà,… Việc tìm được cho mình một phương pháp học phù hợp sẽ giúp bạn cảm thấy có động lực để học cũng như sẽ đem lại hiệu quả học tập cao hơn rất nhiều.
Dành thời gian luyện nghe tiếng Anh
Một điều vô cùng quan trọng khi học Anh văn giao tiếp chính là bạn phải dành thời gian để luyện nghe tiếng Anh giao tiếp thường xuyên hơn vì luyện nghe sẽ giúp tăng khả năng phản xạ tiếng Anh và từ đó cải thiện được cách phát âm của mình. Bạn nên bắt đầu tập nghe từ các mẫu truyện ngắn với các chủ đề đơn giản rồi sau đó sẽ luyện nghe từ các bản tin trên tivi, podcast,… Một cách luyện kỹ năng giao tiếp hữu dụng khác là bạn có thể luyện tập trước gương khi nói để điều chỉnh khuôn miệng, cử chỉ khi giao tiếp.
Có người hướng dẫn
Để quá trình học tiếng Anh giao tiếp đạt hiệu quả tốt nhất thì bạn nên có một giáo viên hướng dẫn. Giáo viên sẽ là người hỗ trợ bạn rất nhiều do họ đã được đào tạo bài bản từ các trường đại học, biết cách nhấn âm trong câu khi giao tiếp tiếng Anh và chỉnh sửa khi bạn phát âm sai cách.
3.3 Rèn luyện thói quen học để cải thiện tiếng Anh giao tiếp
Học giao tiếp không khó, đó chỉ là sự lặp đi lặp lại hàng ngày và lâu dần sẽ hình thành phản xạ tự nhiên khi bạn nói chuyện. Chính vì vậy, hãy tạo một thời gian biểu cụ thể bắt bản thân mình phải tự học giao tiếp tiếng Anh mỗi ngày và biến nó thành một thói quen. Duy trì những thói quen tốt sẽ giúp bạn có cái nhìn tích cực hơn trong cuộc sống – Good habits are the key to all success.
Với các chỉ dẫn học tiếng Anh trên và cộng thêm tinh thần kiên trì, bền bỉ, eLib tin rằng bạn sẽ nhanh chóng chinh phục được môn ngoại ngữ này! Ngoài ra, eLib còn chia sẻ đến bạn các bộ từ vựng tiếng Anh theo chủ đề để bạn ôn tập và nâng cao vốn từ vựng của mình thêm phong phú. Mời các bạn cùng tham khảo.
Các em hãy luyện tập bài trắc nghiệm từ vựng tiếng Anh theo chủ đề sau để củng cố vốn từ vựng cho mình.
Tham khảo thêm
- Cách học từ vựng không bao giờ quên
- Làm chủ cách học từ vựng của bạn
- Bí kíp học nhanh nhớ lâu từ vựng tiếng Anh
- Luyện nghe tiếng Anh: Sai lầm và cách sửa
- 6 tuyệt chiêu luyện nghe tiếng Anh
- Công thức luyện nghe tiếng Anh
- Cẩm nang luyện nghe tiếng Anh
- Cách học nhanh, ngấm lâu ngữ pháp
- 10 cách học ngữ pháp tiếng Anh
- Cách học ngữ pháp tiếng Anh