Giải bài tập SGK Sinh học 10 Nâng Cao Bài 28: Chu kì tế bào và các hình thức phân bào

Nôi dung hướng dẫn giải bài tập SGK Sinh học 10 Nâng Cao Bài 28: Chu kì tế bào và các hình thức phân bào. Giúp các em củng cố kiến thức, bám sát nội dung bài tập SGK, rèn luyện kĩ năng làm bài tập về quá trình chu kì tế bào và các hình thức phân bào. Mời các em theo dõi.

Giải bài tập SGK Sinh học 10 Nâng Cao Bài 28: Chu kì tế bào và các hình thức phân bào

1. Giải bài 1 trang 94 SGK Sinh 10 Nâng cao

- Nêu khái niệm về chu kì tế bào và những diễn biến cơ bản ở các pha của kì trung gian?

Phương pháp giải

- Chu kì tế bào là khoảng thời gian giữa 2 lần phân bào. Chu kì tế bào bao gồm kì trung gian và quá trình nguyên phân. Kì trung gian chiếm phần lớn chu kì tế bào. Ví dụ. tế bào người nuôi cấy trong ống nghiệm có chu kì tế bào kéo dài khoảng 24 giờ thì kì trung gian chiếm 23 giờ còn nguyên phân chiếm 1 giờ.

Hướng dẫn giải

- Chu kì tế bào là trình tự nhất định các sự kiện mà tế bào trải qua và lặp lại giữa các lần nguyên phân liên tiếp.

- Những diễn biến cơ bản ở các pha của kì trung gian

+ Kì trung gian là thời kì sinh trưởng của tế bào bao gồm ba pha: G1, S, G2.

+ Pha G1 diễn ra sự gia tăng của chất tế bào, sự hình thành thêm các bào quan khác nhau, sự phân hoá về cấu trúc và chức năng của tế bào (tổng hợp các prôtêin) và chuẩn bị các tiền chất, các điều kiện cho sự tổng hợp ADN. Vào cuối pha G1 có một thời điểm được gọi là điểm giới hạn (điểm R). Nếu tế bào vượt qua điểm R mới tiếp tục đi vào pha S và diễn ra nguyên phân. Nếu không vượt qua điểm R tế bào đi vào quá trình biệt hoá.

+ Pha S diễn ra sự sao chép ADN và nhân đôi nhiễm sắc thể. Khi kết thúc pha S, nhiễm sắc thể từ thể đơn chuyển sang thể kép gồm hai sợi crômatit hay nhiễm sắc tử chị em giống hệt nhau đính với nhau ở tâm động. Ở pha S còn diễn ra sự nhân đôi trung tử có vai trò đối với sự hình thành thoi phân bào sau này.

+ Pha G2 tiếp ngay sau pha S, tiếp tục tổng hợp prôtêin có vai trò đối với sự hình thành thoi phân bào. Nhiễm sắc thể ở pha này vẫn giữ nguyên trạng thái như ở cuối pha S.

2. Giải bài 2 trang 94 SGK Sinh 10 Nâng cao

- Trình bày diễn biến của sự phân bào ở tế bào nhân sơ. Nêu sự khác nhau cơ bản giữa phân bào ở sinh vật nhân sơ và nhân thực.

Phương pháp giải

- Phân bào ở tế bào nhân sơ diễn ra theo lối trực phân, trong phân bào không xuất hiện thoi phân bào.

- Hai hình thức phân bào ở tế bào nhân thực là nguyên phân và giảm phân.

Hướng dẫn giải

- Diễn biến của sự phân bào ở tế bào nhân sơ: Cách phân bào phổ biến nhất là phân đôi. Tế bào tạo vách ngăn ở giữa, chia tế bào mẹ thành hai tế bào con.

- Sự khác nhau cơ bản giữa sự phân bào ở tế bào nhân sơ với tế bào nhân thực:

  • Tế bào nhân sơ chủ yếu là phân đôi, có một lần phân bào và không hình thành thoi vô sắc.
  • Tế bào nhân thực phân bào theo 2 hình thức nguyên phân và giảm phân, có hình thành thoi vô sắc (các NST phân li về 2 cực tế bào nhờ thoi phân bào).

3. Giải bài 3 trang 94 SGK Sinh 10 Nâng cao

- Sự sinh trưởng của tế bào diễn ra chủ yếu ở pha hay kì nào?

a) Kì đầu

b) Pha S

c) Kì giữa

d) Pha G2

e) Pha G1

Phương pháp giải

- Sự sinh trưởng của tế bào diễn ra chủ yếu ở pha đầu tiên của kì trung gian.

Hướng dẫn giải

  • Sự sinh trưởng của tế bào diễn ra chủ yếu ở pha G1.
  • Đáp án e.

4. Giải bài 4 trang 94 SGK Sinh 10 Nâng cao

- Sự nhân đôi của ADN và nhiễm sắc thể diễn ra ở pha hay kì nào?

a) Pha G1

b) Kì đầu

c) Pha G2

d) Pha S

Phương pháp giải

- Sau khi tế bào sinh tổng hợp phần lớn các chất thì NST sẽ nhân đôi.

Hướng dẫn giải

  • Sự nhân đôi của ADN và nhiễm sắc thể diễn ra ở pha s.
  • Đáp án d.
Ngày:21/09/2020 Chia sẻ bởi:Denni Trần

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM