Giải bài tập SGK Sinh học 10 Nâng Cao Bài 32: Ôn tập phần một và phần hai

eLib giới thiệu đến các em tài liệu hướng dẫn giải bài tập SGK Sinh học 10 Nâng Cao Bài 31: Ôn tập phần một và phần hai. Giúp các em củng cố kiến thức, bám sát nội dung bài tập SGK, đồng thời rèn luyện kĩ năng làm bài tập phần Giới thiệu chung về thế giới sống và phần Sinh học tế bào. Mời các em cùng theo dõi.

Giải bài tập SGK Sinh học 10 Nâng Cao Bài 32: Ôn tập phần một và phần hai

1. Giải bài 1 trang 110 SGK Sinh 10 Nâng cao

- Hãy nêu vai trò của nước trong cấu trúc và hoạt động sống của tế bào? 

Phương pháp giải

- Các vai trò của nước trong cấu trúc và hoạt động sống của tế bào.

+ Là dung môi.

+ Nguyên liệu cho các phản ứng sinh hoá.

+ Tham gia trao đổi nhiệt.

+ Bảo vệ cấu trúc tế bào.

Hướng dẫn giải

- Vai trò của nước đối với cấu trúc và hoạt động sống của tế bào: Trong tế bào, nước phân bố chủ yếu ở chất nguyên sinh. Nước là dung môi phổ biến nhất, là môi trường phân tán và môi trường phản ứng chủ yếu của các thành phần hóa học trong tế bào. Nước còn là nguyên liệu cho các phản ứng sinh hoá trong tế bào. Do có khả năng dẫn nhiệt, toả nhiệt và bốc hơi cao nên nước đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi nhiệt, đảm bảo sự cân bằng và ổn định nhiệt độ trong tế bào nói riêng và cơ thể nói chung. Nước liên kết có tác dụng bảo vệ cấu trúc tế bào.

2. Giải bài 2 trang 110 SGK Sinh 10 Nâng cao

- Trình bày cấu trúc, chức năng của các hợp chất hữu cơ chủ yếu trong tế bào?

Phương pháp giải

- Cấu trúc, chức năng của các hợp chất hữu cơ chủ yếu trong tế bào.

+ Cacbonhiđrat: Mônôsaccarit, disaccarit, pôlisaccarit.

+ Lipit: Lipit đơn giản, lipit phức tạp.

+ Prôtêin.

+ Axit nuclêic: ADN, ARN.

Hướng dẫn giải

- Cấu trúc, chức năng của các hợp chất hữu cơ chủ yếu trong tế bào.

1) Cacbonhiđrat

- Cấu trúc:

+ Mônôsaccarit: Có từ 3-7 nguyên tử cacbon, hexôzơ (6C), pentôzơ (5C).

+ Disaccarit: Do 2 phân tử đường đơn liên kết với nhau (loại bỏ 1 phân tử nước). Chúng có các công thức cấu tạo phân tử khác nhau.

+ Pôlisaccarit: Do nhiều phân tử đường đơn kết hợp với nhau tạo thành phân tử mạch thẳng (xenlulôzơ) hoặc mạch phân nhánh (tinh bột, glicôgen).

- Chức năng:

+ Saccarit là nhóm chất hữu cơ thường có lượng lớn và là nguyên liệu giải phóng năng lượng dễ dàng nhất (đóng vai trò là nguồn cung cấp năng lượng, phổ biến nhất là glucôzơ).

+ Saccarit cũng là thành phần xây dựng nên nhiều bộ phận của tế bào (ví dụ xenlulôzơ là thành phần cấu trúc nên thành tế bào thực vật).

+ Một số pôlisaccarit kết hợp với prôtêin có vai trò vận chuyển các chất qua màng sinh chất và góp phần “nhận biết” các vật thể lạ lúc qua màng. Glicôgen ở tế bào động vật và tinh bột ở tế bào thực vật đóng vai trò là nguồn dự trữ năng lượng.

2) Lipit

- Cấu trúc:

+ Là hợp chất hữu cơ được cấu tạo chủ yếu từ các nguyên tố C, H, O gồm nhiều loại với cấu trúc và chức năng khác nhau.

+ Lipit đơn giản được tạo từ glixêrol và axit béo nhờ liên kết este. Các lipit phức tạp ngoài thành như các lipit đơn giản còn có thêm các nhóm khác.

- Chức năng:

+ Lipit có vai trò đặc biệt quan trọng cấu trúc nên hệ thống các màng sinh học (phôtpholipit, côlestêrôn).

+ Ngoài ra, lipit còn là những nguyên liệu dự trữ năng lượng (mỡ và dầu), dự trữ nước rất tốt và tham gia vào nhiều chức năng sinh học khác (các loại hoocmôn có bản chất là sterôit như estrôgen, các loại sắc tố như diệp lục, một số loại Vitamin A, D, E, K cũng là một dạng lipit).

3) Prôtêin

- Cấu trúc:

+ Prôtêin là đại phân tử sinh học được cấu tạo nên từ các axit amin theo nguyên tắc đa phân nhờ các liên kết peptit bền vững.

+ Prôtêin có nhiều bậc cấu trúc khác nhau tùy loại, trong đó cấu trúc bậc 1 quy định cấu trúc bậc 2, cấu trúc bậc 2 lại quy định cấu trúc bậc 3.

- Chức năng:

+ Cấu hình không gian ba chiều quy định chức năng sinh học của prôtêin. Prôtêin là một đại phân tử sinh học có cấu trúc và chức năng sinh học đa dạng nhất trong số các hợp chất hữu cơ có trong tế bào.

+ Có thể tóm tắt chức năng của prôtêin như sau: Cấu trúc, trao đổi chất, điều hoà sinh trưởng, vận động, bảo vệ, giá đỡ, thụ thể…

4) Axit nuclêic

- Cấu trúc:

+ ADN là đại phân tử sinh học được cấu tạo theo nguyên tắc đa phân mà đơn phân là các nuclêôtit (A, T, G, X). Các nuclêôtit liên kết với nhau nhờ liên kết este phôtphat tạo nên chuỗi pôlinuclêôtit theo chiều 5′ → 3′. Các nuclêôtit ở hai chuỗi của phân tử ADN liên kết với nhau theo nguyên tắc bổ sung: A liên kết với T nhờ 2 liên kết hiđrô, G liên kết với X nhờ 3 liên kết hiđrô.

+ ARN là axit ribônuclêic được cấu tạo từ một chuỗi pôlinuclêôtit. Có 4 loại đơn phân tham gia cấu trúc nên ARN là A, U, G, X. Có 3 loại ARN là mARN, tARN, rARN.

- Chức năng:

+ ADN đảm nhận chức năng lưu trữ và truyền đạt thông tin di truyền ở các loài sinh vật. Trình tự nuclêôtit trên các mạch pôlinuclêôtit chính là thông tin di truyền, nó quy định trình tự các ribônuclêôtit trên ARN cũng như trình tự các axit amin trên phân tử prôtêin.

+ Mỗi loại ARN có chức năng khác nhau trong quá trình truyền đạt và dịch thông tin di truyền từ ADN sang prôtêin.

3. Giải bài 3 trang 110 SGK Sinh 10 Nâng cao

- Tại sao cơ thể chúng ta lại được cấu tạo từ rất nhiều tế bào nhỏ mà không phải là từ một số ít các tế bào có kích thước lớn? 

Phương pháp giải

- Xét sự khác biệt các đặc tính về sự kiểm soát, tốc độ hoạt động, trao đổi thông tin với các tế bào khác, khả năng thay thế khi tổn thương.

Hướng dẫn giải

- Giải thích: Vì mỗi tế bào sẽ duy trì được sự kiểm tra tập trung các chức năng một cách có hiệu quả.

+ Ví dụ: Nhân truyền đến tất cả các bộ phận của tế bào, nếu tế bào có kích thước lớn thì phải mất nhiều thời gian các tín hiệu điều khiển mới tới được vùng ngoại biên. Mặt khác kích thước tế bào nhỏ sẽ ưu việt hơn về tỉ lệ diện tích bề mặt trên thể tích.

→ Vậy nhiều tế bào nhỏ tốt hơn là có ít tế bào lớn, vì các tế bào nhỏ có thể được điều khiển có hiệu quả hơn và có diện tích bề mặt tương đối của chúng lớn hơn, có khả năng thông tin với môi trường tốt hơn.

4. Giải bài 4 trang 110 SGK Sinh 10 Nâng cao

- Trình bày cấu trúc, chức năng của màng sinh chất. Tại sao nói màng sinh chất có cấu trúc khảm - động?

Phương pháp giải

- Cấu trúc màng sinh chất: Được cấu tạo từ hai thành phần chính là lipit và prôtêin.

- Chức năng:

+ Dựa vào prôtêin trên màng sinh chất.

+ Thành tế bào có tác dụng bảo vệ...

- Dựa vào đặc tính cấu trúc phân tử của màng.

Hướng dẫn giải

- Cấu trúc của màng sinh chất:

+ Cấu trúc: Màng sinh chất là ranh giới bên ngoài và là rào chắn chọn lọc của tế bào. Màng sinh chất là màng khảm-lỏng được cấu tạo từ hai thành phần chính là lipit và prôtêin. Các phân tử lipit và prôtêin có thể di chuyển trong phạm vi nhất định bên trong màng.

+ Tế bào thực vật và tế bào nấm, bên ngoài màng sinh chất còn có thành tế bào.

- Chức năng của màng sinh chất:

+ Trên màng sinh chất có nhiều loại prôtêin khác nhau, mỗi loại thực hiện một chức năng khác nhau (dẫn truyền vật chất, tiếp nhận và truyền thông tin, enzim...).

+ Thành tế bào có tác dụng bảo vệ tế bào đồng thời xác định hình dạng, kích thước tế bào, chất nền ngoại bào, giúp các tế bào liên kết với nhau tạo nên các mô.

- Nói màng sinh chất có cấu trúc khảm - động vì: Dựa vào đặc tính cấu trúc phân tử của màng, người ta nói màng sinh chất có cấu trúc khám lỏng. Cấu trúc phân tử của màng gồm các prôtêin phân bố “khảm” (rải rác xen kẽ) trong khung lipit. Các phân tử prôtêin và phôtpholipit có đặc tính rất linh hoạt làm cho màng luôn luôn linh hoạt, mềm dẻo (màng có mô hình khảm lỏng).

5. Giải bài 5 trang 110 SGK Sinh 10 Nâng cao

- Mô tả cấu trúc và chức năng của ribôxôm.

Phương pháp giải

- Cấu trúc:

+ Bào quan nhỏ.

+ Thành phần: ARN, prôtêin, Ca2+, Mg2+.

+ Tồn tại trạng thái tự do và trạng thái liên kết.

Hướng dẫn giải

- Cấu trúc và chức năng của ribôxôm

+ Cấu trúc Ribôxôm:

  • Là bào quan nhỏ không có màng giới hạn. Ribôxôm có kích thước từ 15-25nm. Mỗi tế bào có từ hàng vạn đến hàng trăm triệu ribôxôm.
  • Thành phần hóa học chủ yếu là ARN (40-60%) và prôtêin (50-60%). Ngoài ra còn gặp các cation như Ca2+, Mg2+ ở dạng liên kết trong cấu trúc của ribôxôm.
  • Một số lượng nhỏ ribôxôm ở trạng thái tự do trong cơ chất của tế bào (gắn với khung tế bào), còn phần lớn ribôxôm ở dạng liên kết trên hệ thống màng (mạng lưới nội chất hạt, lục lạp, ti thể) và tập trung trong nhân con.

+ Chức năng: Ribôxôm là nơi tổng hợp prôtêin cho tế bào.

6. Giải bài 6 trang 110 SGK Sinh 10 Nâng cao

- Trình bày cấu trúc, chức năng của nhân tế bào.

Phương pháp giải

- Cấu trúc:

+ Nhân tế bào.

+ Màng nhân.

+ Thành phần hóa học.

- Chức năng:

+ Chứa thông tin di truyền.

+ Trung tâm điều hành, định hướng và giám sát.

Hướng dẫn giải

- Cấu trúc của nhân tế bào:
+ Nhân tế bào là bào quan có kích thước lớn nhất và dễ nhìn thấy nhất trong tế bào nhân chuẩn. Trong tế bào động vật, nhân thường được định vị ở vùng trung tâm còn ở tế bào thực vật có không bào phát triển thì nhân có thể phân bố ở vùng ngoại biên. Nhân tế bào phần lớn có hình bầu dục hay hình cầu với đường kính khoảng 5μm. Phía ngoài nhân được bao bọc bởi màng kép (hai màng), mỗi màng có cấu trúc giống màng sinh chất, bên trong chứa khối sinh chất gọi là dịch nhân, trong đó có một vài nhân con (giàu chất ARN) và các sợi chất nhiễm sắc.

+ Màng nhân gồm màng ngoài và màng trong, mỗi màng dày 6-9 nm. Màng ngoài thường nối với mạng lưới nội chất. Trên bề mặt màng nhân có rất nhiều lỗ nhân có đường kính từ 50 - 80 nm. Lỗ nhân được gắn với nhiều phân tử prôtêin cho phép các phân tử nhất định đi vào hay đi ra khỏi nhân.

+ Về thành phần hoá học thì chất nhiễm sắc chứa ADN, nhiều prôtêin kiềm tính (histon). Các sợi chất nhiễm sắc trải qua quá trình xoắn tạo thành nhiễm sắc thể (NST). Số lượng NST trong mỗi tế bào nhân chuẩn mang tính đặc trưng cho loài. Ví dụ: Tế bào xô ma ở người có 46 NST, ở ruồi giấm có 8 NST, ở đậu Hà Lan có 14 NST, ở cà chua có 24 NST...

+ Trong nhân có một hay vài thể hình cầu bắt mầu đậm hơn so với phần còn lại của chất nhiễm sắc, đó là nhân con hay còn gọi là hạch nhân. Nhân con gồm chủ yếu là prôtêin (80-85%) và rARN. Nhân con không có màng riêng, chúng bị phân huỷ và mất đi khi tế bào phân chia. Nhân con chỉ được hình thành lại khi tế bào con được tách ra nhờ phân bào.

- Chức năng của nhân tế bào: Nhân tế bào là một trong những thành phần quan trọng bậc nhất của tế bào. Nhân tế bào là kho chứa thông tin di truyền, là trung tâm điều hành, định hướng và giám sát mọi hoạt động trao đổi chất trong quá trình sinh trưởng, phát triển của tế bào.

7. Giải bài 7 trang 110 SGK Sinh 10 Nâng cao

- Trong tế bào thực vật có hai loại bào quan tổng hợp ATP. Đó là những loại bào quan nào? So sánh cấu trúc hai loại bào quan đó.

Phương pháp giải

- Hai bào quan này đều có Axit nuclêic.

Hướng dẫn giải

- Trong tế bào thực vật có hai loại bào quan tổng hợp ATP. Đó là ti thể và lục lạp.

- Sự giống nhau và khác nhau giữa ti thể và lục lạp:

+ Giống nhau

  • Là những bào quan có màng kép (2 màng).
  • Có nguồn gốc cộng sinh.
  • Có chức năng chuyển hoá năng lượng.

+ Khác nhau:

  • Ti thể: Có mào răng lược, hô hấp hiếu khí (chuyển hoá năng lượng trong chất dinh dưỡng thành năng lượng ATP).
  • Lục lạp: Có hạt chứa tilacôit, quang hợp (chuyển hóa quang năng thành hoá năng trong chất dinh dưỡng).

8. Giải bài 8 trang 110 SGK Sinh 10 Nâng cao

- Trình bày cấu trúc, chức năng của lưới nội chất và bộ máy Gôngi? 

Phương pháp giải

- Lưới nội chất:

+ Cấu trúc

+ Chức năng

- Bộ máy gôngi:

+ Cấu trúc

+ Chức năng

Hướng dẫn giải

- Lưới nội chất:

+ Cấu trúc: Là một hệ thống màng bên trong tế bào nhân thực, tạo thành hệ thống các xoang dẹp và ống thông với nhau, ngăn cách với phần còn lại của tế bào chất.

+ Có hai loại lưới nội chất: Lưới nội chất hạt và lưới nội chất trơn.

+ Chức năng: Tổng hợp prôtêin để đưa ra ngoài tế bào và các prôtêin tạo nên màng tế bào.

 - Bộ máy Gôngi:

+ Cấu trúc: Gồm hệ thống túi màng dẹp xếp chồng lên nhau nhưng cách nhau, theo hình vòng cung.
+ Chức năng: Gắn nhóm tiền tố cacbonhiđrat vào prôtêin (được tổng hợp ở lưới nội chất), tổng hợp một số hoocmôn.

9. Giải bài 9 trang 110 SGK Sinh 10 Nâng cao

- Phân biệt quang tổng hợp với hoá tổng hợp?

Phương pháp giải

- Quang hợp là quá trình tổng hợp các chất hữu cơ từ các chất vô cơ (CO2 và H2O) nhờ năng lượng ánh sáng do các sắc tố quang hợp hấp thu được chuyển hóa và tích lũy trong các hợp chất hữu cơ.

- Hóa tổng hợp là quá trình tổng hợp chất hữu cơ khác nhau nhờ năng lượng của các phản ứng ôxi hóa.

Hướng dẫn giải

- Phân biệt quang tổng hợp với hoá tổng hợp

+ Giống nhau: Đều tổng hợp chất hữu cơ đặc trưng cho cơ thể từ các chất vô cơ.

+ Khác nhau

  • Hóa tổng hợp: Đồng hoá CO2 nhờ năng lượng của các phản ứng ôxi hoá để tổng hợp các chất hữu cơ đặc trưng cho cơ thể.
  • Quang tổng hợp: Tổng hợp các chất hữu cơ từ các chất vô cơ nhờ năng lượng ánh sáng do các sắc tố quang hợp hấp thu, được chuyển hoá và tích luỹ ở dạng năng lượng hóa học tiềm tàng trong các hợp chất hữu cơ của tế bào.

10. Giải bài 10 trang 110 SGK Sinh 10 Nâng cao

- Trình bày mối liên quan và sự khác nhau giữa quang hợp và hô hấp?

Phương pháp giải

- Mối liên quan:

+ Sản phẩm trung gian.

+ Sản phẩm, nguồn nguyên liệu.

+ Nguồn năng lượng được tạo ra.

Hướng dẫn giải

- Mối liên quan giữa quang hợp và hô hấp

  • Sản phẩm của quá trình này là nguyên liệu của quá trình kia.
  • Cùng chung nhiều sản phẩm trung gian, nhiều hệ enzim.
  • Nguồn năng lượng ở dạng ATP tạo ra trong quá trình này được sử dụng cho quá trình kia.

- Sự khác nhau giữa quang hợp và hô hấp:

So sánh sự khác biệt giữa hô hấp và quang hợp

11. Giải bài 11 trang 110 SGK Sinh 10 Nâng cao

- Trình bày quá trình phân giải glucôzơ trong tế bào? 

Phương pháp giải

- Xem lại các giai đoạn của quá trình hô hấp tế bào. Đường phân, chu trình Crep, chuỗi truyền electron. Bài 23, 24: Hô hấp tế bào SGK Sinh học 10 nâng cao.

Hướng dẫn giải

- Quá trình phân giải glucôzơ xảy ra trong chất tế bào.

- Kết thúc quá trình đường phân, từ 1 phân tử glucôzơ, tế bào thu được 2 phân tử axit piruvic (đây là một hợp chất có 3 cacbon), 2 phân tử ATP (thực ra đường phân tạo ra 4 phân tử ATP nhưng trong giai đoạn đầu của đường phân 2 phân tử ATP đã được sử dụng để hoạt hóa phân tử glucôzơ) và 2 phân tử NADH (nicôtinamit ađêmin đinuclêôtit).

12. Giải bài 12 trang 110 SGK Sinh 10 Nâng cao

- Thế nào là chu kì tế bào? Tại sao thời gian của mỗi pha trong chu kì tế bào lại khác nhau? 

Phương pháp giải

- Xem khái niệm chu kì tế bào.

- Dựa vào sự chuyển biến vật chất trong tế bào.

Hướng dẫn giải

- Chu kì tế bào là trình tự nhất định các sự kiện mà tế bào trải qua và lặp lại giữa các lần nguyên phân liên tiếp.

- Chu kì tế bào diễn ra qua các quá trình sinh trưởng, phân chia nhân, phân chia chất tế bào mà kết thúc là sự phân chia tế bào. Một chu kì tế bào có hai thời kì rõ rệt là chu kì trung gian (gian kì) và phân bào.

- Thời gian của mỗi pha trong chu kì tế bào lại khác nhau: Do sự chuyển biến vật chất trong tế bào, chủ yếu là vật chất di truyền ở các pha trong chu kì tế bào khác nhau mà thời gian của mỗi pha cũng khác nhau

13. Giải bài 13 trang 110 SGK Sinh 10 Nâng cao

Phân biệt nguyên phân với giảm phân? 

Phương pháp giải

- Nguyên phân và giảm phân khác nhau ở loại tế bào xảy ra, số lần phân chia, diễn biến, kết quả.

Hướng dẫn giải

- So sánh điểm giống và khác nhau giữa nguyên phân và giảm phân.

+ Điểm giống:

  • Đều có thoi phân bào.
  • Lần phân bào II của giảm phân diễn ra giống nguyên phân: NST kép xếp thành một hàng ở mặt phẳng xích đạo của thoi vô sắc (ở kì giữa) và tách nhau ở tâm động thành hai NST đơn phân li về hai cực tế bào (ở kì sau).

+ Khác nhau:

14. Giải bài 14 trang 110 SGK Sinh 10 Nâng cao

- Chọn phương án đúng:

14.1 Vai trò của lục lạp trong tế bào thực vật:

a) Làm cho cây có màu xanh.

b) Thực hiện quá trình quang hợp.

c) Thực hiện quá trình hô hấp.

d) Cả a và b đúng.

14.2 Mô tả nào sau đây về cấu trúc của ribôxôm là đúng:

a) Là một thể hình cầu được cấu tạo từ rARN và prôtêin đặc hiệu.

b) Gồm hai tiểu phần hình cầu kết hợp lại.

c) Gồm hai tiểu phần hình cầu lớn và bé kết hợp lại mà thành, mỗi tiểu phần được hình thành từ sự kết hợp giữa rARN và các prôtêin đặc hiệu.

d) Ribôxôm là một túi hình cầu, bên trong chứa các enzim thuỷ phân.

14.3 Việc phân biệt lưới nội chất (LNC) hạt và trơn dựa vào đặc điểm:

a) LNC hạt hình túi còn LNC trơn hình ống.

b) LNC hạt có ribôxôm bám ở trong lưới còn LNC trơn không có ribôxôm bám.

c) LNC hạt có ribôxôm bám ở trong lưới còn LNC trơn có ribôxôm bám ở mặt ngoài.

d) LNC hạt nối thông với khoang giữa của màng nhân còn LNC trơn nối thông với màng sinh chất

Phương pháp giải

- Vai trò của lục lạp: Thực hiện quang hợp, làm cho lá có màu xanh.

- Xem cấu trúc ribôxôm.

- Dựa vào sự có mặt của ribôxôm ở trong lưới.

Hướng dẫn giải

14.1

- Vai trò của lục lạp trong tế bào thực vật:

  • Làm cho cây có màu xanh.
  • Thực hiện quá trình quang hợp.

⇒ Đáp án: D.

14.2

- Gồm hai tiểu phần hình cầu lớn và bé kết hợp lại mà thành, mỗi tiểu phần được hình thành từ sự kết hợp giữa rARN và các prôtêin đặc hiệu.

⇒ Đáp án: C.

14.3

- Việc phân biệt lưới nội chất (LNC) hạt và trơn dựa vào đặc điểm:  LNC hạt có ribôxôm bám ở trong lưới còn LNC trơn không có ribôxôm bám.

⇒ Đáp án: B.

Ngày:21/09/2020 Chia sẻ bởi:Thi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM