Hoá học 10 Bài 31: Bài thực hành số 4 Tính chất của oxi, lưu huỳnh

Nội dung Bài thực hành số 4 Tính chất của oxi, lưu huỳnh củng cố những kiến thức về tính chất hóa học của Oxi, lưu huỳnh: Tính oxi hóa mạnh. Ngoài ra lưu huỳnh còn có tính khử. Chứng minh sự ảnh hưởng của nhiệt độ đến tính chất vật lí của Lưu huỳnh. Tiếp tục rèn luyện các thao tác thí nghiệm như thực hiện các phản ứng đốt cháy, tỏa nhiệt; làm thí nghiệm an toàn, chính xác; quan sát hiện tượng hóa học.

Hoá học 10 Bài 31: Bài thực hành số 4 Tính chất của oxi, lưu huỳnh

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Mục đích thí nghiệm

- Rèn luyện các thao tác thí nghiệm như thực hiện các phản ứng đốt cháy, tỏa nhiệt

- Thực hiện các thao tác thí nghiệm an toàn, chính xác; quan sát hiện tượng hóa học.

- Củng cố những kiến thức về tính chất hóa học của Oxi, lưu huỳnh

1.2. Kỹ năng thí nghiệm

- Chỉ được làm thí nghiệm khi có sự hiện diện của giáo viên trong phòng thí nghiệm.

- Đọc kỹ hướng dẫn và suy nghĩ trước khi làm thí nghiệm.

- Luôn luôn nhận biết nơi để các trang thiết bị an toàn.

- Phải mặc áo choàng của phòng thí nghiệm.

- Phải mang kính bảo hộ.

- Phải cột tóc gọn lại.

- Làm sạch bàn thí nghiệm trước khi bắt đầu một thí nghiệm.

- Không bao giờ được nếm các hóa chất thí nghiệm. Không ăn hoặc uống trong phòng thí nghiệm.

- Không được nhìn xuống ống thí nghiệm.

- Nếu làm đổ hóa chất hoặc xảy ra tại nạn, báo cho giáo viên ngay lập tức.

- Rửa sạch da khi tiếp xúc với hóa chất.

- Nếu hóa chất rơi vào mắt, phải đi rửa mắt ngay lập tức.

- Bỏ chất thải thí nghiệm vào đúng nơi qui định như được hướng dẫn.

1.3. Cơ sở lý thuyết

a. Thí nghiệm 1: Tính oxi hóa của oxi

Phản ứng của O2 với Fe:  3Fe +  2O→ Fe3O4 (màu đen)

Sắt từ oxit Fe3O4 = FeO. Fe2O3

b. Thí nghiệm 2: Sự biến đổi trạng thái của Lưu huỳnh theo nhiệt độ

Lưu huỳnh rắn màu vàng  → chất lỏng màu vàng linh động  → quánh nhớt màu nâu đỏ  → Lưu huỳnh màu da cam.

c. Thí nghiệm 3: Tính oxi hóa của Lưu huỳnh

Phản ứng giữa Fe và S: Fe + S  →   FeS

d. Thí nghiệm 4: Tính khử của Lưu huỳnh

Phản ứng : S + O2 →  SO2

1.4. Dụng cụ thí nghiệm, hóa chất

a. Dụng cụ thí nghiệm

- Đèn cồn, kẹp sắt, kẹp gỗ, mẩu gỗ nhỏ, ống nghiệm

- Muôi sắt cán dài

b. Hóa chất

- Dây thép dài, bình khí oxi đã điều chế sẵn.

- Lưu huỳnh bột, bột sắt

1.5. Các bước tiến hành thí nghiệm

a. Thí nghiệm 1: Tính oxi hóa của oxi

+ Gắn mẫu than gỗ vào đầu đoạn dây thép để làm mồi sao cho để đốt cháy không bị rơi. 

+ Đốt nóng một đoạn dây thép xoắn (có gắn mẫu than ở đầu để làm mồi) trên ngọn lửa đèn cồn rồi đưa nhanh vào bình đựng khí O2

Lưu ý:

+ Cần làm sạch và uốn sợi dây thép thành hình xoắn lò xo để tăng diện tiếp xúc, phản ứng xảy ra nhanh hơn.

+ Mẫu than gỗ cá tác dụng làm mồi vì khi cháy than, tạo ra nhiệt lượng đủ lớn để phản ứng giữa Fe và O2 xảy ra (có thể thay mẫu than bằng đoạn que diêm).

+ Để an toàn cần cho vào dưới đáy bình thủy tinh một ít cát sạch để tránh vỡ lọ thủy tinh.

b. Thí nghiệm 2: Sự biến đổi trạng thái của Lưu huỳnh theo nhiệt độ

Đun nóng Lưu huỳnh khoảng bằng 2 hạt ngô liên tục trong ống nghiệm (hoặc cốc sứ) trên ngọn lửa đèn cồn. 

Lưu ý: Cần hướng ống nghiệm về phía không có người và tránh hít phải hơi Lưu huỳnh độc.

c. Thí nghiệm 3: Tính oxi hóa của Lưu huỳnh

+ Cho vào ống nghiệm khô một lượng hỗn hợp Fe và S khoảng bằng 2 hạt ngô.

+ Kẹp chắt ống nghiệm trên giá thí nghiệm.

+ Đun nóng ống nghiệm bằng đèn cồn. 

- Lưu ý:

+ Bột Fe phải bảo quản trong lọ kín (tốt nhất là bột sắt mới điều chế), khô.

+ Hỗn hợp bột Fe và S được tạo theo tỷ lệ 7:4 về khối lượng và phải dùng ống nghiệm thủy tinh trung tính, khô.

d. Thí nghiệm 4: Tính khử của Lưu huỳnh

+ Cho một lượng Lưu huỳnh bằng hạt ngô vào muỗng lấy hóa chất hoặc dùng đũa thủy tinh hơ nóng, nhúng đầu đũa vào bột Lưu huỳnh.

+ Đốt cháy Lưu hùynh trên ngọn lửa đèn cồn.Mở nắp lọ thủy tinh đựng đầy khó O2 , cho nhanh chóng (hoặc đũa thủy tinh) có Lưu huỳnh đang cháy vào lọ. 

- Lưu ý: Khí SO2 mùi hắc khó thở là khí độc nên phải cẩn thận khi làm thí nghiệm , nên sau khi đốt xong cần đậy nắp lọ ngay , tránh hít phải khí này

2. Báo cáo kết quả thí nghiệm

2.1. Thí nghiệm 1: Tính oxi hóa của oxi

Hiện tượng – giải thích

Mẩu than cháy hồng.

Khi đưa vào lọ chứa oxi, dây thép cháy trong oxi sáng chói, nhiều hạt nhỏ sáng bắn tóe như pháo hoa.

3Fe +  2O2 → Fe3O4 (Màu đen)

Oxi đóng vai trò là chất oxi hóa: O20 + 4e → 2O-2

Fe đóng vai trò là chất khử: Fe0 → Fe+2

2.2. Thí nghiệm 2: Sự biến đổi trạng thái của Lưu huỳnh theo nhiệt độ

Lưu huỳnh rắn màu vàng → chất lỏng màu vàng linh động → quánh nhớt màu nâu đỏ→ Lưu huỳnh màu da cam.

2.3. Thí nghiệm 3: Tính oxi hóa của Lưu huỳnh

Hiện tượng – giải thích

Khi đun nóng trên ngọn lửa đèn cồn phản ứng xảy ra mãnh liệt, tỏa nhiệt nhiệt, làm đỏ rực hỗn hợp và tạo hợp chất FeS màu xám đen.

PTHH: Fe + S →(to) FeS  (xám đen)

S đóng vai trò là chất oxi hóa.

Fe đóng vai trò là chất khử.

2.4. Thí nghiệm 4: Tính khử của Lưu huỳnh

Hiện tượng – giải thích

S cháy trong lọ chứa O2 mãnh liệt hơn nhiều khi cháy trong không khí, tạo ra khí SO2 có mùi hắc.

PTHH:  S + O2 →(to) SO2

S đóng vài trò là chất khử.

Oxi đóng vai trò là chất oxi hóa.

3. Luyện tập

Câu 1: Đốt nóng thìa sắt nhỏ có chứa lưu huỳnh bột trên ngọn lửa đèn cồn, lưu huỳnh nóng chảy, sau đó cháy trong không khí cho ngọn lửa xanh mờ. Đưa lưu huỳnh đang cháy vào bình đựng khí oxi, lưu huỳnh tiếp tục cháy cho ngọn lửa

A. sáng hơn và sinh ra lưu huỳnh đioxit.

B. mờ hơn và sinh ra lưu huỳnh đioxit.

C. sáng hơn và sinh ra lưu huỳnh trioxit.

D. mờ hơn và sinh ra lưu huỳnh trioxit.

Câu 2: Trộn sắt bột và lưu huỳnh bột rồi cho vào ống nghiệm khô. Đun ống nghiệm trên ngọn lửa đèn cồn, một lúc sau hỗn hợp cháy đỏ. Sản phẩm tạo thành là

A. sắt(II) sunfua có màu nâu đỏ.

B. sắt(II) sunfua có màu xám đen.

C. sắt(III) sunfua có màu nâu đỏ.

D. sắt(III) sunfua có màu xám đen.

4. Kết luận

Qua bài học các em nắm được:

  • Các tính chất cơ bản của oxi, lưu huỳnh
  • Rèn luyện các kỹ năng thí nghiệm
  • Chứng minh sự ảnh hưởng của nhiệt độ đền tính chất vật lý của lưu huỳnh.
Ngày:24/07/2020 Chia sẻ bởi:An

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM