Bệnh thiếu men alpha-1 antitrypsin - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Alpha-1-antitrypsin (AAT) là một protein do gan tạo ra. Nó bảo vệ phổi khỏi tác hại của một loại enzyme có tên là bạch cầu trung tính elastase. Khi thiếu AAT, phổi không thể nở rộng và co rút tốt dẫn đến hô hấp khó khăn hơn và tổn thương phổi (tràn khí) có thể xảy ra. Để hiểu rõ hơn về bệnh lý này, mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây.

Bệnh thiếu men alpha-1 antitrypsin - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Alpha-1-antitrypsin (AAT) là một protein do gan tạo ra. Nó bảo vệ phổi khỏi tác hại của một loại enzyme có tên là bạch cầu trung tính elastase. Khi thiếu AAT, phổi không thể nở rộng và co rút tốt dẫn đến hô hấp khó khăn hơn và tổn thương phổi (tràn khí) có thể xảy ra.

2. Triệu chứng thường gặp

Triệu chứng của bệnh thiếu men AAT là khó thở, ho, khạc đàm và thở khò khè.  Biểu hiện chính là thở dần trở nên  nặng nề hơn. Vì vậy, bạn thường gặp khó khăn khi tập thể dục. Ở một số trẻ sơ sinh và trẻ em, bệnh đã xuất hiện từ khi bé mới sinh ra, bệnh còn có thể gây tổn thương gan.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi bạn hoặc con bạn gặp một trong các triệu chứng kể trên, hãy đến gặp bác sĩ để được khám bệnh và tư vấn.

3. Nguyên nhân gây bệnh

Thiếu men AAT là bệnh do di truyền từ bố mẹ sang con cái và thường gặp nhất ở người da trắng. Bệnh không lây truyền sang người khác.

Khi bạn tiếp xúc với chất gây ô nhiễm môi trường, những triệu chứng về hô hấp có thể trở nên nặng hơn.

4. Nguy cơ mắc phải

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh thiếu men AAT thường khởi phát ở những người từ 20 đến 40 tuổi.

Bệnh thiếu men AAT là căn bệnh di truyền. Nếu thành viên trong gia đình bạn mắc bệnh này thì nguy cơ bạn bị bệnh sẽ cao.

5. Điều trị hiệu quả

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh thiếu men AAT?

Bác sĩ có thể kiểm tra liệu bạn mắc căn bệnh này qua việc hỏi bệnh và khám lâm sàng. Bác sĩ sẽ tiến hành chụp X-quang và xét nghiệm để loại trừ các rối loạn tương tự. Họ sẽ chẩn đoán, xác định bệnh bằng xét nghiệm máu để đo nồng độ AAT. Chụp X-quang và xét nghiệm chức năng phổi giúp phát hiện mức độ nghiêm trọng của hiện tượng tràn khí. Bạn cũng cần các xét nghiệm máu khác để kiểm tra chức năng gan.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh thiếu men AAT?

Điều trị nhằm ngăn ngừa hoặc làm chậm sự tiến triển của bệnh phổi. Bạn cần bảo vệ phổi khỏi nhiễm trùng và chứng viêm. Bạn nên chích ngừa để ngăn chặn bệnh cúm và viêm phổi. Bác sĩ sẽ điều trị nhiễm trùng phổi khi xuất hiện dấu hiệu nhiễm trùng. Bạn nên tránh thuốc lá, khói, khí độc, bụi, ô nhiễm và sống khoẻ bằng cách tập thể dục thường xuyên.

Trong trường hợp nặng, bác sĩ có thể khuyên bạn dùng thuốc để bù vào lượng enzym bị mất. Chuyên gia về bệnh phổi có thể giúp đỡ bạn trong việc chẩn đoán và điều trị căn bệnh này. Các loại thuốc như thuốc dạng hít có thể được sử dụng để giúp làm giãn phế quản (đường dẫn khí trong phổi) và làm giảm viêm phổi. Oxy và các chương trình phục hồi chức năng phổi có thể giúp làm giảm các triệu chứng. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật để ghép phổi.

6. Chế độ sinh hoạt phù hợp

Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này bang cách lưu ý một số điều sau đây:

Bạn nên biết thiếu men AAT là bệnh di truyền. Người mắc bệnh là người nhận cả 2 gen bệnh từ bố và mẹ. Những người chỉ mang một gen bệnh được gọi là người mang mầm bệnh và thường không có triệu chứng;

Nhiều trường hợp bệnh không được chẩn đoán, các thành viên trong gia đình nên đi kiểm tra nếu trong gia đình có người bị bệnh phổi, đặc biệt là ở người trẻ không hút thuốc;

Bạn nên tiêm ngừa (cúm, viêm phổi, bệnh uốn ván). Phòng chống các bệnh nhiễm trùng là rất quan trọng;

Bạn nên đi khám bác sĩ ngay nếu cảm thấy khó thở lúc nghỉ ngơi hoặc khi vận động nhẹ hay thở khò khè, có triệu chứng giống cúm, ho ra đờm bị đổi màu.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh Thiếu men alpha-1 antitrypsin, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:16/09/2020 Chia sẻ bởi:Ngoan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM