Bệnh viêm trung thất - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Bệnh viêm trung thất là thuật ngữ dùng để mô tả tất cả tình trạng viêm xảy ra ở mô liên liên kết của các cấu trúc trong trung thất và màng phổi. Do vai trò quan trọng của khu vực này, tình trạng viêm xảy ra tại đây có liên quan đáng kể đến nhiều bệnh nghiêm trọng, có thể gây tử vong. Để hiểu rõ hơn về bệnh lý này, mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây!

Bệnh viêm trung thất - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1 Tìm hiểu chung

Viêm trung thất là gì?

Viêm trung thất là thuật ngữ dùng để mô tả tất cả tình trạng viêm xảy ra ở mô liên kết của các cấu trúc trong trung thất và liên quan đến màng phổi. Do vai trò quan trọng của khu vực này, tình trạng viêm xảy ra tại đây có liên quan đáng kể đến nhiều bệnh nghiêm trọng, có thể gây tử vong. Hầu hết trường hợp viêm trung thất đều phải nhập viện và điều trị trong khoa hồi sức tích cực (ICU).

Ngoài dạng viêm trung thất cấp tính, dạng mạn tính hiếm gặp hơn (hạch trung thất bị viêm dạng u hạt (granulomatous mediastinitis) hoặc xơ hóa trung thất) có thể xảy ra do nhiễm trùng hoặc bị kích ứng trong thời gian dài.

2. Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng viêm trung thất

Hầu hết người sẽ trải qua các triệu chứng trong một vài ngày trước khi nhập viện cấp cứu. Đôi khi, người bệnh có đợt bùng phát đột ngột và các triệu chứng chỉ kéo dài trong một vài giờ.

Các triệu chứng thường gặp ở người bị viêm trung thất gồm:

  • Sốt, ớn lạnh;
  • Viêm màng phổi, đau ở phía sau ngực lan lên cổ hoặc đau vùng liên sườn ;
  • Thở nông ;
  • Ho ;
  • Đau họng ;
  • Sưng ở cổ ;
  • Đau khi nuốt ;
  • Không tỉnh táo.

3. Nguyên nhân

Nguyên nhân viêm trung thất là gì?

Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng này, được phân chia thành các nhóm như:

Viêm trung thất bắt nguồn từ các cấu trúc bên trong trung thất

Thủng thực quản là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng này. Lý do dẫn đến thủng thực quản có thể là đặt nội khí quản, nội soi phế quản, phẫu thuật tim, nội soi đường tiêu hóa trên. Chấn thương kín vùng ngực, ổ bụng cũng là một nguyên nhân gây viêm tại đây. Tình trạng viêm có thể lan rộng đến trung thất do nhiễm trùng phổi, viêm tủy xương ở khớp nối xương ức. Bệnh u hạt (bao gồm bệnh lao) trong các hạch bạch huyết ở trung thất.

Viêm trung thất hoại tử lan xuống (descending necrotising mediastinitis)

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể là:

  • Viêm họng ;
  • Viêm amidan, áp xe quanh amidan và áp xe dưới họng ;
  • Viêm tai giữa ;
  • Viêm xoang;
  • Áp xe răng;
  • Viêm tuyến nước bọt;
  • Nhiễm trùng sau phẫu thuật đầu và cổ.

Sinh vật gây bệnh

Nhiễm trùng nhiều vi khuẩn như Staphylococcus spp., Streptococcus spp., Bacteroides spp., Fusobacterium spp., Peptostreptococcus spp. và Pseudomonas aeruginosa có thể gây ra tình trạng viêm này. S. aureus kháng meticillin (MRSA) có thể liên quan đến tình trạng này khi xảy ra sau phẫu thuật tim. Viêm có khi xuất hiện do bệnh lao hoặc nhiễm nấm.

Các yếu tố nguy cơ dẫn đến viêm trung thất

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị viêm tại khu vực này gồm:

  • Giới tính (nam phổ biến hơn nữ) ;
  • Độ tuổi (thường xảy ra ở tuổi trung niên);
  • Có bệnh đái tháo đường và suy giảm miễn dịch;
  • Sử dụng chất gây nghiện.

Bệnh có thể khởi phát âm thầm và người bệnh có thể chỉ cảm thấy không khỏe trong vài ngày trước khi phải nhập viện. Một vài tiền sử y khoa có khả năng dẫn đến tình trạng này gồm:

  • Phẫu thuật tim mạch gần đây ;
  • Nội soi đường tiêu hóa trên;
  • Nội soi phế quản ;
  • Nhiễm trùng răng miệng hoặc vùng hầu họng;
  • Nhiễm trùng đường hô hấp trên;
  • Nuốt phải vật thể lạ (như pin cúc áo) hay hóa chất có thể gây thủng thực quản.

4. Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán viêm trung thất?

Bác sĩ thường sẽ chẩn đoán dựa trên các triệu chứng nếu bạn có những nguy cơ hoặc thuộc đối tượng dễ bị viêm trung thất, chẳng hạn như vừa trải qua một phẫu thuật liên quan đến ngực/thực quản hay mắc bệnh lao phát triển từ nhiễm vi khuẩn lao.

Khi viêm xảy ra đột ngột, các triệu chứng thường rất nghiêm trọng đến mức bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán ban đầu ở những người không có nguy cơ cao liên quan. Ví dụ, trẻ em đã nuốt phải các chất tẩy rửa, có tính ăn mòn cao.

Để xác nhận chẩn đoán ban đầu, bác sĩ sẽ chỉ định bạn đi chụp X-quang ngực, chụp CT hay siêu âm.

Khi tình trạng này xảy ra ở một người đã phẫu thuật cắt xương ức, bác sĩ có thể đưa một cây kim qua xương ức vào trong lồng ngực để lấy mẫu dịch và đem đi kiểm tra dưới kính hiển vi (sinh thiết).

Những phương pháp điều trị viêm trung thất

Người bệnh có thể nhập viện trong tình trạng nguy kịch nên ban đầu thường sẽ tập trung vào hồi sức, bao gồm bảo vệ đường thở, duy trì cung cấp oxy đầy đủ với liệu pháp oxy bổ sung, đảm bảo thông khí và truyền tĩnh mạch.

Những lựa chọn điều trị cho tình trạng này gồm:

  • Sử dụng thuốc kháng sinh;
  • Phẫu thuật.

Thuốc kháng sinh được chỉ định đề điều trị nhiễm trùng. Các kháng sinh phổ rộng được chỉ định gồm piperacillin + vancomycin hoặc ceftazidime + vancomycin hoặc vancomycin + quinolone + clindamycin. Bác sĩ có khi phối hợp thêm một kháng sinh nhóm aminoglycoside. Kháng sinh nên được bắt đầu dùng bằng đường tiêm tĩnh mạch ở liều cao càng sớm càng tốt.

Một vài trường hợp, người bệnh cần trải qua phẫu thuật để dẫn lưu dịch nhiễm trùng ra khỏi lồng ngực, điều trị vết thủng ở thực quản hoặc cả hai.

Trường hợp viêm xơ hóa trung thất, hiện không có phương pháp nào có thể chữa trị được.

5. Biến chứng

Những biến chứng viêm trung thất có thể xảy ra là gì?

Tình trạng viêm này có thể dẫn đến một số biến chứng như sau:

  • Nhiễm trùng huyết nghiêm trọng, gây suy đa tạng và tử vong;
  • Hội chứng suy hô hấp ở người trưởng thành ;
  • Suy hô hấp dẫn đến tử vong;
  • Viêm màng ngoài tim ;
  • Viêm phổi thứ phát;
  • Tràn dịch màng phổi và viêm mủ màng phổi ;
  • Tràn khí trung thất, tràn khí phúc mạc và tràn khí màng phổi.

6. Phòng ngừa

Những biện pháp phòng ngừa viêm trung thất là gì?

Để giảm thiểu nguy cơ phát triển tình trạng viêm này sau khi phẫu thuật ở ngực, bạn cần thực hiện các biện pháp vệ sinh sạch sẽ vết thương, không để bị nhiễm trùng.

Điều trị tốt bệnh lao, u hạt (sarcoidosis) hoặc các vấn đề sức khỏe khác có thể liên quan đến viêm trung thất có thể giúp phòng ngừa chúng hiệu quả.

7. Tiên lượng

Tiên lượng sống ở người bệnh viêm trung thất như thế nào?

Một đánh giá gần đây cho thấy tỷ lệ tử vong chung do tình trạng này là 11,1% (có thể lên tới 50% ở một số nhóm đối tượng). Khi người bệnh có tình trạng hôn mê, tỷ lệ tử vong có thể lên đến 67%.

Các nghiên cứu về viêm trung thất hoại tử lan xuống cho thấy tỷ lệ tử vong ở trường hợp này nằm trong khoảng 11,1–34,9%.

Việc chẩn đoán sớm và chăm sóc tích cực, điều trị kịp thời là cách tốt nhất để giảm thiểu tỷ lệ bệnh diễn biến nghiêm trọng và giảm tỷ lệ tử vong.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh viêm trung thất, hy vọng sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị. Chúc các bạn sức khỏe!

Ngày:14/10/2020 Chia sẻ bởi:Minh Ngoan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM