Bệnh nhiễm toan - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Nhiễm toan là tình trạng nồng độ axit trong dịch cơ thể vượt mức bình thường, xảy ra khi thận và phổi không thể giữ cân bằng pH của cơ thể. Mặc dù bệnh có vẻ nhẹ nhưng những khác biệt về số lượng nồng độ axit có thể dẫn đến tình trạng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khoẻ và thậm chí có thể đe doạ đến tính mạng. Để hiểu rõ hơn về bệnh lý này, mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây!

Bệnh nhiễm toan - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Nhiễm toan là bệnh gì?

Nhiễm toan là tình trạng nồng độ axit trong các dịch cơ thể vượt mức bình thường, xảy ra khi thận và phổi không thể giữ cân bằng pH của cơ thể. Có hai loại bệnh nhiễm toan là:

Nhiễm toan chuyển hoá; Nhiễm toan hô hấp.

Độ axit của máu được đo bằng cách xác định độ pH của nó. Giá trị pH của máu càng lớn thì tính kiềm (hay tính bazơ) càng lớn, tính axit nhỏ; trái lại, giá trị pH của máu nhỏ thì tính kiềm (tính bazơ) sẽ nhỏ, còn độ axit sẽ lớn. Mặc dù bệnh có vẻ nhẹ nhưng những khác biệt về số lượng nồng độ axit có thể dẫn đến tình trạng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khoẻ và thậm chí có thể đe doạ đến tính mạng.

2. Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh nhiễm toan là gì?

Cả nhiễm toan hô hấp và chuyển hóa đều có nhiều triệu chứng. Tuy nhiên, các triệu chứng của nhiễm toan lại khác nhau tùy theo nguyên nhân gây ra bệnh.

Một số triệu chứng thường gặp của nhiễm toan hô hấp bao gồm:

Mệt mỏi hoặc buồn ngủ; Dễ mệt mỏi; Lú lẫn; Khó thở; Buồn ngủ; Đau đầu.

Một số triệu chứng thường gặp của nhiễm toan chuyển hóa bao gồm:

Thở nhanh và nông; Lú lẫn; Mệt mỏi; Đau đầu; Buồn ngủ; Chán ăn; Vàng da; Tăng nhịp tim; Hơi thở có mùi trái cây – dấu hiệu của nhiễm toan do đái tháo đường (nhiễm toan ceton).

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

3. Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây ra bệnh nhiễm toan?

Nhiễm toan hô hấp xảy ra khi quá nhiều CO2 tích tụ trong cơ thể. Thông thường, phổi sẽ loại bỏ khí CO2 trong khi thở. Tuy nhiên, đôi khi cơ thể của bạn không thể thải đủ lượng CO2 do:

Các tình trạng hô hấp mãn tính như hen suyễn; Chấn thương ngực Béo phì; Lạm dụng thuốc an thần; Lạm dụng rượu; Yếu cơ ngực; Các vấn đề với hệ thần kinh; Cấu trúc ngực bị biến dạng.

Nhiễm toan chuyển hóa bắt đầu ở thận thay vì ở phổi. Bệnh xảy ra khi thận không thể loại bỏ đủ axit hoặc thải quá nhiều bazơ. Có ba dạng chính của toan chuyển hóa, bao gồm:

Nhiễm toan do đái tháo đường xảy ra ở những người mắc bệnh đái tháo đường kiểm soát kém. Nếu cơ thể bạn thiếu insulin, ceton sẽ tích tụ trong cơ thể và làm toan máu; Nhiễm toan tăng clo huyết là do mất natri bicarbonate. Bazơ này giúp giữ máu trung hòa. Cả tiêu chảy và nôn ói đều có thể gây ra chứng nhiễm toan này; Nhiễm toan lactic xảy ra khi có quá nhiều axit lactic trong cơ thể. Nhiều thứ có thể gây ra tích tụ axit lactic, bao gồm sử dụng rượu lâu ngày, suy tim, ung thư, động kinh, suy gan, thiếu oxy kéo dài và lượng đường trong máu thấp, tập thể dục kéo dài…

4. Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc bệnh nhiễm toan?

Nhiễm toàn rất thường gặp. Bệnh có thể ảnh hưởng mọi người trong mọi lứa tuổi. Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm toan?

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh này, chẳng hạn như:

Chế độ ăn nhiều chất béo có lượng carbohydrate thấp; Suy thận; Béo phì; Mất nước; Ngộ độc aspirin hoặc methanol; Đái tháo đường.

5. Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh nhiễm toan?

Bác sĩ sẽ khám bệnh và hỏi về các triệu chứng của bạn sau đó có thể yêu cầu bạn làm các xét nghiệm sau:

Phân tích khí máu động mạch; Điện giải đồ, chẳng hạn như xét nghiệm chuyển hóa cơ bản để xác định nhiễm toan và cho biết liệu đó có phải là nhiễm toan chuyển hóa hay hô hấp.

Nếu bạn được chẩn đoán bị nhiễm toan hô hấp, bác sĩ sẽ kiểm tra phổi của bạn bằng cách chụp X-quang ngực hoặc kiểm tra chức năng phổi. Nếu nghi ngờ mình nhiễm toan chuyển hóa, bạn cần đưa mẫu nước tiểu để xét nghiệm. Bác sĩ sẽ kiểm tra pH để xem liệu cơ thể bạn có thải bỏ các axit và bazơ hợp lý không và cần làm thêm các xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây ra chứng nhiễm toan.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh nhiễm toan?

Các bác sĩ cần biết nguyên nhân gây ra nhiễm toan để xác định cách điều trị bệnh. Tuy nhiên, một số phương pháp điều trị có thể được sử dụng cho bất kỳ loại nhiễm toan nào, ví dụ như dùng natri bicarbonate (baking soda) để làm tăng pH máu. Bạn có thể dùng thuốc bằng đường uống hoặc nhỏ giọt đường tĩnh mạch.

Đối với bệnh nhiễm toan hô hấp, bác sĩ thường cho thuốc để làm giãn đường dẫn khí. Bạn cũng có thể được cung cấp oxy hoặc thở áp suất dương liên tục (CPAP). CPAP có thể giúp bạn thở nếu bạn bị tắc nghẽn đường thở hoặc yếu cơ. Đối với nhiễm toan chuyển hóa, bác sĩ sẽ có các phương pháp điều trị riêng đối với mỗi dạng bệnh khác nhau. Những người bị nhiễm toan do tăng clo huyết có thể được cho uống natri bicarbonate. Nhiễm toan do suy thận có thể được điều trị với natri citrate. Đái tháo đường bị nhiễm toan ceton sẽ được truyền lỏng và insulin để cân bằng độ pH. Điều trị nhiễm toan lactic có thể bao gồm các chất bổ sung bicarbonate, dịch tĩnh mạch, oxy hoặc kháng sinh, tùy thuộc vào nguyên nhân.

6. Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh nhiễm toan?

Các lối sống và biện pháp tại nhà sau đây có thể giúp bạn đối phó với bệnh nhiễm toan:

Uống thuốc an thần theo toa và đừng bao giờ uống chung với rượu; Bỏ thuốc lá vì út thuốc lá có thể làm tổn thương phổi của bạn và làm cho hô hấp kém hiệu quả; Duy trì trọng lượng khỏe mạnh vì béo phì có thể khiến bạn khó thở hơn; Uống nhiều nước và các chất dịch khác; Kiểm soát đái tháo đường. Nếu kiểm soát lượng đường trong máu tốt, bạn có thể tránh được nhiễm toan ceton; Ngừng uống rượu vì uống rượu lâu ngày có thể làm tăng tích tụ axit lactic.

Trên đây là một số thông tin về bệnh nhiễm toan, hy vọng sẽ hữu ích cho các bạn trong việc tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:04/10/2020 Chia sẻ bởi:Hoang Oanh Nguyen

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM