Nguyệt quế - Làm thuốc điều kinh
Nguyệt quế là cây gỗ nhỏ cao 9 - 12m, thân thẳng, vỏ nhẵn thuộc họ Long não, được trồng ở một số nơi tại miền Nam Việt Nam, được dùng làm gia vị, ép dầu dùng trong công nghiệp, trị tiêu chảy, bạch đới,... Mời bạn đọc tìm hiểu những thông tin liên quan đến Nguyệt quế qua bài viết này nhé.
Mục lục nội dung
Nguyệt quế - Laurus nobilis L., thuộc họ Long não - Lauraceae.
1. Mô tả
Cây gỗ nhỏ cao 9 - 12m, thân thẳng, vỏ nhẵn. Lá tồn tại, dai, nguyên, xoan ngọn giáo, bóng. Lá thơm, phiến bầu dục thuôn, dài 4 - 15cm, rộng 2 - 4,5cm, dày, cứng, không lông; cuống dài 5 - 15mm. Tán 1 - 5 ở nách lá, cuống 2 - 12cm; lá bắc tròn tròn, to 0,7 - 1cm; hoa 4 - 5, mầu trắng lục. Quả dạng quả mọng, hình bầu dục đen, to bằng quả xơ ri.
Hoa tháng 4.
2. Bộ phận dùng
Lá và quả - Folium et Fructus Lauri Nobilis.
3. Nơi sống và thu hái
Gốc ở Đông Âu (vùng Địa trung hải). Ở nước ta, cây được trồng ở một số nơi tại miền Nam Việt Nam. Thu hái lá vào tháng 6 - 7, quả vào tháng 8 - 9.
4. Thành phần hoá học
Hạt chứa 30% dầu. Lá chứa tinh dầu mà thành phần chủ yếu là cineol, geraniol, pinen. Quả cũng chứa tinh dầu.
5. Tính vị, tác dụng
Quả có tác dụng điều kinh.
6. Công dụng
Lá dùng làm gia vị. Hạt ép dầu dùng trong công nghiệp. Quả dùng làm thuốc điều kinh, dùng trị ỉa chảy, bạch đới và phù thũng.
Ở Âu châu dùng kích thích sự sẩy thai.
Trên đây là một số thông tin về cây Nguyệt quế mà eLib.VN đã tổng hợp, bài viết chỉ mang tính tham khảo. eLib.VN không khuyến khích bạn đọc tự chẩn đoán bệnh hay thực hiện các phương pháp điều trị tại nhà.