Ngải cứu, Thuốc cứu - Chữa kinh nguyệt không đều

Ngải cứu là cây thảo thuộc họ Cúc, có vị đắng, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng điều hoà khí huyết, ôn kinh, an thai,... Để biết được chi tiết công dụng trong y học của cây Ngải cứu, mời bạn đọc cùng eLib.VN tham khảo bài viết dưới đây.

Ngải cứu, Thuốc cứu - Chữa kinh nguyệt không đều

Ngải cứu, Thuốc cứu - Artemisia vulgaris L., thuộc họ Cúc - Asteraceae.

1. Mô tả

Cây thảo sống dai, cao khoảng 1m, thân có rãnh dọc. Lá mọc so le, xẻ nhiều kiểu, từ xẻ lông chim đến xẻ thuỳ theo đường gân, mặt trên xanh đậm, mặt dưới trắng xanh, có lông. Hoa đầu màu lục nhạt, xếp thành chùm xim.

Mùa hoa quả tháng 10 - 12.

2. Bộ phận dùng

Phần cây trên mặt đất và lá hay Ngải diệp - Herba et Folium Artemisiae Vulgaris.

3. Nơi sống và thu hái

Cây của miền Âu Á ôn đới, mọc hoang và thường được trồng. Thu hái các ngọn cây có hoa và lá, dùng tươi hay phơi trong râm cho đến khô dùng dần. Nếu tán nhỏ rồi rây lấy phần lông trắng và bột, gọi là Ngải nhung dùng làm mồi cứu.

4. Thành phần hoá học

Trong cây có tinh dầu (0,2 - 0,34%) mà thành phần chủ yếu là cineol, - thuyon, dehydro matricaria este, tetradecatrilin, tricosanol, arachol alcol, adenin, cholin.

Trong cụm hoa có tinh dầu với hàm lượng cineol cao nhất, ở các chồi tươi và khô, hàm lượng cineol có khi tới 30%.

5. Tính vị, tác dụng

Ngải cứu đã phơi hay sấy khô có vị đắng, mùi thơm, tính ấm; có tác dụng điều hoà khí huyết, trừ hàn thấp, ôn kinh, an thai, cầm máu.

Ở Ấn Độ, người ta cho biết cây có tác dụng điều kinh, trị giun, kháng sinh và lợi tiêu hoá; rễ bổ và kháng sinh.

6. Công dụng

Thường dùng chữa: 1. Chảy máu chức năng tử cung (băng huyết, lậu huyết, bạch đới ở phụ nữ do tử cung lạnh), đe doạ sẩy thai; 2. Đau bụng kinh, kinh nguyệt không đều, kinh nguyệt khó khăn do thiếu máu và các nguyên nhân khác. Dùng ngoài trị bụng lạnh đau, đau dạ dày, đau khớp, eczema, ngứa.

7. Cách dùng

Dùng tươi hay phơi khô tán thành bột, hãm hoặc sắc uống. Ngày dùng 6 - 10g. Thường phối hợp với Ích mẫu, Cỏ gấu để điều hoà kinh nguyệt. Phối hợp với Gừng sống trị hàn lỵ ra huyết. Phối hợp với Hà thủ ô (liều bằng nhau), Phèn phi (2/10), kẹo Mạch nha làm hoàn làm thuốc bổ máu, trị sốt rét kinh niên. Có thể trộn bột Ngải cứu với Mạch nha, mật ong làm thuốc bổ máu. Ngải cứu khô ngâm với rượu trắng hay nước cơm rượu nếp dùng uống hoạt huyết, bổ huyết. Lá Ngải cứu hơ nóng chườm bụng trị đau bụng, dùng gối đầu trị đau đầu. Nước Ngải tươi giải nóng, giải nhiệt. Có thể nấu thành cao, dùng riêng hoặc phối hợp với các loại thuốc khác.

Trên đây là một số thông tin về cây Ngải cứu mà eLib.VN đã tổng hợp, hy vọng bài viết sẽ hữu ích với bạn. Để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn khi dùng, bạn đọc nên tham khảo và thực hiện theo hướng dẫn của lương y. 

Ngày:30/09/2020 Chia sẻ bởi:ngan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM