Mướp hỗ - Chữa thổ huyết, đau cổ họng, táo bón

Mướp hỗ là cây như thế nào, mọc ở đâu, bộ phận nào dùng để làm thuốc, tác dụng chữa bệnh như thế nào? Cùng eLib.VN tìm hiểu qua bài viết dưới đây để biết thêm thông tin về vị thuốc này nhé!

Mướp hỗ - Chữa thổ huyết, đau cổ họng, táo bón

Mướp hỗ, Mướp tây, Bí con rắn - Trichosanthes anguina L., thuộc họ Bầu bí - Cucurbitaceae.

1. Mô tả

Cây thảo leo cao đến 5m; phân nhánh. Thân có 5 mặt cách nhau bởi 5 cạnh lồi tròn, hơi có lông cứng trăng trắng rải rác trên toàn cây. Lá mọc so le, lúc còn non có dạng tim nhiều hay ít, về sau chia 3 thùy thường tròn, mép có răng; tua cuốn có 2 nhánh. Hoa đơn tính cùng gốc; hoa đực mọc đơn độc hoặc xếp 5-8 cái thành nhóm ở đầu một cuống dài. Mỗi hoa đực có 5 lá đài màu lục, 5 cánh hoa màu trắng có rìa, 5 nhị dính với nhau. Hoa cái mọc đơn độc, có bao hoa như hoa đực; bầu hình thoi màu lục có vòi nhuỵ ngắn mang 3 đầu nhuỵ dài màu lục. Quả hình trụ dài tới 1m hay hơn (tới 2m), rộng 5-6cm, thẳng hoặc cong, nhọn đầu trông như con rắn. Quả non có màu xanh nhạt, quả chín có màu da cam sáng. Hạt thuôn, hơi nhám, màu tro, dài 14-17mm.

2. Bộ phận dùng

Quả, hạt, rễ - Fructus, Semen et Radix Trichosanthis Anguinae.

3. Nơi sống và thu hái

Cây có nguồn gốc từ Nam Mỹ, được nhập vào trồng ở Ân Độ, từ đó lan đi nhiều xứ nhiệt đới khác, cũng có trồng ở miền Nam Trung Quốc. Ở nước ta, cây cũng được trồng nhiều để lấy quả làm rau ăn. Người ta thu hái quả phát triển còn non (khoảng 15-20 ngày) cắt từng miếng dùng ăn sống như dưa chuột hoặc dùng luộc, xào hoặc nấu canh như các loại Dâu tây. Nếu để quả già thì lắm xơ, đắng, hạt cứng khó ăn.

4. Thành phần hóa học

Hạt chứa dầu và 20% nhựa, rễ chứa nhiều chất bột.

5. Tính vị, tác dụng

Quả có vị ngọt dịu, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt, nhuận phế, chỉ khái tiêu đờm.

Ở Philippin, quả được xem như có tác dụng tẩy xổ, trừ giun, gây nôn.

Hạt có tính giải nhiệt, nhuận tràng.

6. Công dụng

Quả được dùng làm thuốc chữa thổ huyết, đau cổ họng, đại tiện táo bón. Rễ dùng làm thuốc hạ nhiệt, tiêu thũng. Hạt có tác dụng làm thông đường tiêu hoá, chống táo bón; còn dùng trị các bệnh vàng da, trĩ rò, ghẻ lở.

Trên đây là hình ảnh, đặc điểm tự nhiên và công dụng làm thuốc của cây mướp hỗ. Ngoài ra, để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn khi dùng, nên tham khảo và thực hiện bài thuốc theo hướng dẫn của lương y.

Ngày:21/09/2020 Chia sẻ bởi:Phuong

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM