Mò giấy - Tác dụng giảm đau, trị thấp khớp
Mò giấy là cây gỗ cao 6m, có thể tới 12m, cánh có lông ngắn và sít nhau, màu xám hay hay nâu, thuộc họ Long não, có tác dụng lợi tiêu hoá và kích thích, được dùng để giảm đau, chữa tiêu chảy, thấp khớp,... Để biết được công dụng trong y học của cây Mò giấy mời bạn đọc cùng eLib.VN tham khảo bài viết dưới đây.
Mục lục nội dung
Mò giấy, Mò gồ, Nhũ hương, Bời lời hoa thơm - Litsea monopetala (Roxb.) Pers., (L. polyantha Juss.), thuộc họ Long não - Lauraceae.
1. Mô tả
Cây gỗ cao 6m, có thể tới 12m, cánh có lông ngắn và sít nhau, màu xám hay hay nâu. Lá mọc so le, cách nhau cỡ 2cm, cuống 2cm, phiến lá dạng màng, hình bầu dục, thuôn và có kích thước rất thay đổi; mặt trên sáng bóng, mặt dưới màu nâu và có lông mịn. Hoa có lông màu trắng bạc, có cuống, hợp 4 cái một thành dạng tán trên một cuống chung cỡ 1cm ở nách lá. Hoa màu trắng. Quả mọng hình trái xoan, cao cỡ 1cm, màu đen, cuống quả có một cái đĩa phẳng ở đầu.
Cây ra hoa tháng 2-5, có quả tháng 4-6.
2. Bộ phận dùng
Lá, rễ và vỏ cây - Folium, Radix et Cortex Litseae Monopetalae.
3. Nơi sống và thu hái
Loài phân bố ở Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam tới Inđônêxia, Malaixia. Ở nước ta, cây mọc từ Sơn La, Vĩnh Phú, Ninh Bình qua Thừa Thiên - Huế, Gia Lai, Kontum, Ninh Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu tới An Giang. Thu hái lá và vỏ quanh năm, dùng tươi hay phơi khô. Rễ thu hái về rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô.
4. Thành phần hóa học
Hạt chứa 21,2-25% dầu béo và nhân hạt chứa tới 33% dầu; đó là một loại dầu chứa các glycerid của acid lauric. Lá khi đốt lên có mùi thơm tương tự như mùi quế.
5. Tính vị, tác dụng
Lá vò ra có mùi giống như mùi quế. Vỏ cây chát, se, có tác dụng lợi tiêu hoá và kích thích.
6. Công dụng, chỉ định và phối hợp
Dân gian thường dùng lá giã ra hơ nóng đắp để làm giảm đau và dùng rễ sắc uống chữa ỉa chảy.
Ở Ấn Ðộ, dầu hạt được sử dụng dưới dạng thuốc bôi trị thấp khớp. Vỏ cây hơ nóng dùng trị ỉa chảy và dùng tươi hoặc khô đắp trị bầm giập; vỏ cây tán bột dùng đắp vào những chỗ đau của cơ thể do bị đánh đập và vết thương bầm tím hoặc do lao động nặng; cũng thường dùng đắp, bó gãy xương cho động vật nuôi.
Trên đây là một số thông tin về cây Mò giấy mà eLib.VN đã tổng hợp, bài viết chỉ mang tính tham khảo. eLib.VN không khuyến khích bạn đọc tự chẩn đoán bệnh hay thực hiện các phương pháp điều trị tại nhà.