Lựu - Trị tiêu chảy, lỵ ra máu

Lựu là cây nhỏ, cao tới 5-6m, có thân thường sần sùi, màu xám, gốc ở Tây Á, được trồng nhiều ở Bắc Phi châu, nay thành phổ biến, có vị chua, chát, tính ấm, dùng trị tiêu chảy, lỵ ra huyết, băng huyết, bạch đới, trị giun,... Bài viết dưới đây của eLib.VN sẽ cung cấp cho bạn một cái nhìn chi tiết hơn về những lợi ích và cách sử dụng của loại cây này, mời bạn đọc tham khảo.

Lựu - Trị tiêu chảy, lỵ ra máu

Lựu, Thạch lựu - Punica granatum L., thuộc họ Lựu - Punicaceae.

1. Mô tả

Cây nhỏ, cao tới 5-6m, có thân thường sần sùi, màu xám. Rễ trụ khoẻ, hoá gỗ, dạng con thoi, màu nâu đỏ ở ngoài, màu vàng nhạt ở trong. Lá đơn, nguyên, mọc đối, bóng loáng. Hoa mọc đơn độc hoặc tụ họp thành cụm 3-4 cái ở ngọn cành. Hoa có 5-6 lá đài hợp ở gốc, 5-6 cánh hoa màu đỏ chói, rất nhiều nhị bầu nhiều ô chứa nhiều noãn xếp chồng lên nhau. Quả mọng có vỏ dày, tròn phía trên có đài tồn tại, có vách ngang chia thành 2 tầng, các tầng này lại chia ra các ô chứa nhiều hạt tròn, có vỏ hạt mọng.

Hoa tháng 5-6; quả tháng 7-8.

2. Bộ phận dùng

Vỏ quả - Pericarpium Granati, thường gọi là Thạch lựu bì. Vỏ cây, vỏ rễ, hoa, thịt quả cũng được sử dụng.

3. Nơi sống và thu hái

Gốc ở Tây Á, được trồng nhiều ở Bắc Phi châu, nay thành phổ biến. Ở nước ta, Lựu cũng được trồng bằng hạt hoặc bằng cành chiết. Thu hái vỏ rễ, vỏ thân quanh năm, hoa quả thu hái vào tháng 6-7. Đào rễ về rửa sạch, bóc lấy vỏ, bỏ lõi, phơi hoặc sấy khô. Vỏ quả lấy khi còn tươi, bỏ màng trong, thái mỏng, sấy khô; khi dùng vỏ khô thì rửa sạch, cạo bỏ màng trong, đồ cho mềm, thái mỏng, sao qua. Bảo quản nơi khô ráo, không để lâu quá 2 năm.

4. Thành phần hoá học

Vỏ rễ chứa một hàm lượng tanin cao (2%) và 0,5-0,7% alcaloid toàn phần trong đó có pelletierin, isopelletierin, methylpelletierin và pseudopelletierin. Isopelletierin là alcaloid có hoạt tính trị giun cao. Vỏ thân cũng chứa pelletierin và các alcaloid khác nhưng hàm lượng thấp hơn. Còn có acid betulic và 3 chất base khác.

Vỏ quả chứa granatin, acid betulic, acid ursolic và isoquercetin.

Dịch quả chứa acid citric, acid malic và các chất đường glucose, fructose, maltose.

5. Tính vị, tác dụng

Vỏ quả có vị chua, chát, tính ấm; có tác dụng sáp trường chỉ tả, chỉ huyết, khu trùng. Vỏ thân và vỏ rễ có vị đắng, chát, tính ấm, có độc; có tác dụng sát trùng trừ sán.

6. Công dụng

Vỏ quả được dùng trị ỉa chảy và lỵ ra huyết, đái ra máu, băng huyết, bạch đới, thoát giang, đau bụng giun. Ngày dùng 15-30g dạng thuốc sắc, cũng thường phối hợp với các chất thơm.

Vỏ thân và vỏ rễ dùng trị giun, đặc biệt đối với sán dây ở người và đối với cả sán của chó. Ngày dùng 20-60g, dạng thuốc sắc. Hoặc dùng 0,30g pelletierin phối hợp với 0,40g tanin chia làm 3 lần uống. Còn dùng trị đau răng (ngậm nước sắc).

Thịt quả được dùng trợ tim, giúp tiêu hoá. Dịch quả tươi làm mát hạ nhiệt. Hạt giúp tiêu hoá. Hoa dùng chữa viêm tai đề phòng chảy mủ.

7. Đơn thuốc

Trị sán dây: Vỏ rễ Lựu tươi 60g, Hạt cau 40g, nước 750mg. Cho vào nồi (không dùng nồi gang, nồi tôn) ngâm 6 giờ, rồi sắc còn 500ml, lọc bỏ bã. Uống buổi sáng khi đói, chia làm 2 lần cách nhau nửa giờ. Hai giờ sau khi uống thuốc thấy bụng cồn cào khó chịu thì uống một liều thuốc tẩy đến lúc buồn đi ngoài thì ngồi nhúng hẳn mông vào chậu nước ấm để sán ra hết. Trong khi uống nước thuốc cần nằm nghỉ và nhắm mắt (theo Dược liệu Việt Nam).

8. Ghi chú

Người hư tổn, phụ nữ có thai và trẻ em không nên dùng rễ Lựu.

Hy vọng những thông tin vừa được chia sẻ bên trên sẽ giúp mọi người có thêm những kiến thức hữu ích về cây Lựu. Để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn khi dùng, bạn đọc nên tham khảo và thực hiện theo hướng dẫn của lương y. 

Ngày:15/10/2020 Chia sẻ bởi:ngan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM