Liễu bách - Trị cảm mạo
Liễu bách là cây gỗ nhỏ thuộc họ Thuỳ ti liễu, được nhập trồng vì dáng đẹp, có vị ngọt, cay, tính bình, được dùng trị cảm mạo, viêm phế quản mạn, giải độc rượu,... Bài viết dưới đây của eLib.VN sẽ cung cấp cho bạn một cái nhìn chi tiết hơn về những lợi ích và cách sử dụng của loại cây này, mời bạn đọc tham khảo.
Mục lục nội dung
Liễu bách, Thuỳ ti liễu - Tamarix chinensis Lour. thuộc họ Thuỳ ti liễu - Tamaricaceae.
1. Mô tả
Cây gỗ nhỏ cao 2-4m, phân nhánh nhiều; nhánh mảnh, màu nâu đo đỏ. Lá rất nhỏ, cỡ 2,5mm, mọc so le, xếp như vẩy ôm sát vào nhánh, tạo cho cành nhánh có màu xanh lục dẹp. Cành nhánh dài, mềm, thường vươn cao hay không rũ xuống. Cụm hoa chuỳ gồm nhiều bông. Hoa nhỏ, lá bắc dài 3mm, cuống hoa 3mm. Quả nang cắt vách, chứa nhiều hạt.
Hoa tháng 4-9, quả tháng 8-10.
2. Bộ phận dùng
Nhánh lá - Cacumen Tamaricis, thường gọi là Tây hà liễu.
3. Nơi sống và thu hái
Gốc ở Trung Quốc, được nhập trồng vì dáng đẹp. Thu hái cành lá quanh năm, chủ yếu tháng 5-6, cắt ngắn từng đoạn rồi đem phơi trong râm.
4. Thành phần hoá học
Có nhựa, quercetin - monomethylether, tanin, salicin.
5. Tính vị, tác dụng
Vị ngọt, cay, tính bình; có tác dụng tán phong, làm ra mồ hôi, lợi tiểu, giải độc, trừ phong thấp, trừ đậu sởi.
6. Công dụng, chỉ định và phối hợp
Thường được dùng trị: 1. Sởi không mọc ra ngoài; 2. Cảm mạo; 3. Viêm phế quản mạn; 4. Phong thấp đau nhức; 5. Đái khó; 6. Giải độc rượu. Liều dùng 10-15g dạng thuốc sắc. Dùng ngoài trị mày đay, ngứa lở ngoài da.
7. Đơn thuốc
1. Trị sởi mọc không đều: Liễu bách 10-15g, thêm ít đường đỏ, đun sôi trong nước và uống thay trà. Đồng thời nấu nước lau rửa.
2. Phòng sởi: Liễu bách 1,5g cho mỗi năm tuổi, nấu nước và thêm đường đỏ uống, ngày 3 lần.
Trên đây là một số thông tin về cây Liễu bách mà eLib.VN đã tổng hợp, bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn khi dùng, bạn đọc nên tham khảo và thực hiện theo hướng dẫn của lương y. eLib.VN không khuyến khích tự chẩn đoán bệnh hay thực hiện các phương pháp điều trị tại nhà.