Lan một lá - Chữa ho, lao phổi

Lan một lá là địa lan nhỏ, sống nhiều năm, lụi vào mùa khô và mọc lên hằng năm vào mùa xuân, mọc trên kẽ đá, nơi rợp vùng núi đá vôi và ở nơi ẩm vùng chân núi, có vị ngọt nhạt, hơi đắng, được dùng làm thuốc giải độc, thuốc bồi dưỡng cơ thể, chữa ho, lao phổi,... Để nắm được đặc điểm và cách sử dụng của vị thuốc này, mời các bạn cùng tham khảo bài viết của eLib.VN nhé.

Lan một lá - Chữa ho, lao phổi

Lan một lá, Lan cờ, thanh thiên quỳ, Trâu châu - Nervilia fordii (Hance) Schltr., thuộc họ Lan- Orchidaceae.

1. Mô tả

Địa lan nhỏ, cao 10-30cm, sống nhiều năm, lụi vào mùa khô và mọc lên hằng năm vào mùa xuân. Thân rễ tròn dạng củ. Phần trên mặt đất rất ngắn. Chỉ có một lá duy nhất; phiến hình tim tam gác, rộng 4-8cm, trên cuống dài. Cụm hoa hình bông, thường xuất hiện trước khi mọc lá; lá bắc nhọn dài 6-7mm; hoa màu trắng, đốm tím hồng, phiến hoa hình dầm, dài 1cm, môi tam giác, thuỳ nhọn tròn, có lông dày, cột cao 5-7mm.

Hoa tháng 3-4, Quả tháng 5-6.

2. Bộ phận dùng

Toàn cây hay củ, có khi chỉ dùng lá - Herba Nerviliae thường gọi là Thanh thiên quỳ.

3. Nơi sống và thu hái

Loài phân bố ở Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan. Ở nước ta lan một lá mọc trên kẽ đá, nơi rợp vùng núi đá vôi và ở nơi ẩm vùng chân núi Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Hoà Bình, Ninh Bình. Thu hái vào mùa thu, rửa sạch, phơi khô, vò nhẹ rồi phơi lại.

Phơi và vò ngày 2-3 lần cho tới khô hẳn. Cũng có thể thu hái toàn cây quanh năm, dùng tươi hay phơi khô.

4. Tính vị, tác dụng

Vị ngọt nhạt, hơi đắng, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, nhuận phế, giảm ho, làm dịu ðau, tán ứ.

5. Công dụng, chỉ định và phối hợp

Ở nước ta đồng bào sử dụng lá làm thuốc giải độc, nhất là ngộ độc nấm. Người ta dùng 2, 3 lá phơi khô thái nhỏ, hãm với nước sôi trong ít phút rồi chiết nước uống. Ngày uống 2 lần. Người ta cũng dùng nó làm thuốc bồi dưỡng cơ thể, thuốc bổ và mát phổi, chữa lao phổi, ho. Ngày dùng 10-20 lá dưới dạng thuốc sắc, thuốc hãm, hấp đường hoặc chế biến thành cao lỏng để uống. Dùng ngoài lấy lá tươi giã nát, đắp lên các chỗ đau nhức hoặc đắp mụn nhọt các vết lở.

Ở Trung Quốc, toàn cây được dùng trị 1. Ho lao phổi, viêm phế quản; 2. Viêm miệng, viêm họng cấp tính, tạng lao; 3. Trẻ em hấp thụ kém và nuôi dưỡng kém; 4. Rối loạn kinh nguyệt; 5. Đòn ngã tổn thương, viêm mủ da. Liều dùng 10-15g dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu. Dùng ngoài giã củ tươi vừa đủ đắp vào chỗ đau.

6. Đơn thuốc

Viêm miệng, viêm họng cấp tính: cây tươi lan một lá dùng nhai.

Tạng lao: Lan một lá 15g nấu với thịt lợn làm canh ăn.

Trẻ em hấp thụ kém và nuôi dưỡng kém: Củ lan một lá 5-10g nấu với thịt lợn nạc hoặc trứng gia cầm và ăn như thức ăn.

7. Ghi chú

Ở nước ta còn có một số loài khác cùng chi như Nervilia crispata (Blunne) Schltr. N.plicata (Andr) Schltr. N.prainiana (King et Pant) Seidenf, cũng có thể sử dụng.

Trên đây là một số thông tin về cây Lan một lá mà eLib.VN đã tổng hợp, bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn khi dùng, bạn đọc nên tham khảo và thực hiện theo hướng dẫn của lương y. eLib.VN không khuyến khích tự chẩn đoán bệnh hay thực hiện các phương pháp điều trị tại nhà.

Ngày:20/10/2020 Chia sẻ bởi:Chương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM