Kim ngân - Làm thuốc trị mụn nhọt

Kim ngân là cây leo bằng thân cuốn, mọc hoang ở vùng Đông Bắc của nước ta (Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh) và thường được trồng ở miền đồng bằng trung du và miền núi, vị ngọt nhạt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát trùng, được dùng trị mụn nhọt, ban sởi, mày đay, dị ứng, thấp khớp,... Mời bạn đọc tìm hiểu những thông tin liên quan đến Kim ngân qua bài viết này nhé.

Kim ngân - Làm thuốc trị mụn nhọt

Kim ngân hay dây Nhẫn đông  -  Lonicera japonica Thunb., thuộc họ Kim ngân  - Caprifoliaceae.

1. Mô tả

Cây leo bằng thân cuốn. Cành non có lông mịn, thân già xoắn. Lá nguyên, mọc đối. Phiến lá hình trứng dài 4 - 7cm, rộng 2 - 4cm, cả hai mặt lá đều có lông mịn. Hoa mọc từng đôi một ở các nách lá gần ngọn. Khi mới nở, cánh hoa màu trắng, sau chuyển sang vàng nhạt, mùi thơm nhẹ 5 cánh hoa dính liền nhau thành ống ở phía dưới, miệng ống có 2 môi, 5 nhị thò ra ngoài cánh hoa. Bầu dưới. Quả hình trứng, dài chừng 5mm, màu đen.

Mùa hoa tháng 3 - 5, quả tháng 6 - 8.

2. Bộ phận dùng

Hoa và thân dây  -  Flos et Caulis Lonicerae Japonicae; thường gọi là Kim ngân hoa  -  Nhẫn đông

3. Nơi sống và thu hái

Loài của miền Đông Á ôn đới (Nhật Bản, Triều Tiên, Trung Quốc), có mọc hoang ở vùng Đông Bắc của nước ta (Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh) và thường được trồng ở miền đồng bằng trung du và miền núi từ Bắc vào Nam. Người ta dùng những hom thân cành trồng vào tháng 9 - 10 hoặc tháng 2 - 3. Sau một năm, cây đã ra hoa. Khi hoa sắp chớm nở thì thu hái; nên hái vào khoảng 9 - 10 giờ sáng (lúc này sương đã ráo), nhặt bỏ tạp chất, đem tãi mỏng phơi trong râm mát hoặc sấy nhẹ đến khô. Dây lá có thể thu hái quanh năm, thái nhỏ, phơi khô, bảo quản nơi khô ráo, tránh ẩm.

4. Thành phần hoá học

Cây chứa tanin và một saponin. Hoa chứa một ílavonoit là scolymosid lonicerin) và một số carotenoid (S. caroten, cryptoxanthin, auroxanthin), ở Ân độ, người ta cho biết có luteolin và i - inositol. Quả mọng giàu carotenoid mà phần lớn là cryploxanthin. Lá chứa một glucosid gọi là loganin và khoảng 8% tanin.

5. Tính vị tác dụng

Kim ngân có vị ngọt nhạt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát trùng. Cây có tác dụng hạ nhiệt, lợi tiêu hoá và chống lỵ. Nước sắc Kim ngân có tác dụng kháng khuẩn, tác dụng trêu chuyển hoá chất béo, thêm đường huyết và chống choáng phản vệ, không có độc tính.

6. Công dụng

Thường dùng trị mụn nhọt, ban sởi, mày đay, lở ngứa, nhiệt độc, lỵ, ho do phế nhiệt. Người ta còn dùng Kim ngân trị dị ứng (viêm mũi dị ứng và các bệnh dị ứng khác) và trị thấp khớp. Ngày dùng 6 - 15g hoa dạng thuốc sắc hoặc hãm uống. Nếu dùng dây thì lấy lượng nhiều hơn 9 -  13g. Cũng có thể ngâm rượu hoặc làm thuốc hoàn tán. Có thể chế thành trà uống mát trị ngoại cảm phát sốt, ho, và phòng bệnh viêm nhiễm đường ruột, giải nhiệt, tiêu độc, trừ mẩn ngứa rôm sẩy.

7. Đơn thuốc

Thuốc tiêu độc: Kim ngân, Sài đất, Thổ phục linh, mỗi vị 20g và Cam thảo đất 12g, sắc uống.

Chữa mẩn ngứa, mẩn tịt, mụn nhọt đầu đinh: Kim ngân hoa 10g, Ké đầu ngựa 4g, nước 200ml, sắc còn 100ml, chia 2 lần uống trong ngày.

Chữa cảm sốt mới phát, sốt phát ban hay nổi mẩn, lên sởi: Dây Kim ngân 30g, Lá dâu tằm (bánh tẻ) 20g, sắc uống.

Chữa nọc sởi: Kim ngân hoa và rau Diếp cá, đều 10g, sao qua, sắc uống. Hoặc Kim ngân hoa 30g, Cỏ ban 30 g, dùng tươi giã nhỏ, thêm nước gạn uống, nếu dùng dược liệu khô thì sắc uống.

Trên đây là một số thông tin về cây Kim ngân mà eLib.VN đã tổng hợp, hy vọng bài viết sẽ hữu ích với bạn. Để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn khi dùng, bạn đọc nên tham khảo và thực hiện theo hướng dẫn của lương y. 

Ngày:21/10/2020 Chia sẻ bởi:Xuân Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM