Kiều mạch - Tác dụng thanh nhiệt giải độc

Kiều mạch là cây thảo, thân mọc đứng, thuộc họ Rau răm, được trồng nhiều ở vùng núi cao Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Thái, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi thấp, tiêu thũng, được dùng làm thức ăn, giúp cho tiêu hóa, làm sáng mắt, thính tai, làm mềm và tan sưng. Mời bạn đọc tìm hiểu những thông tin liên quan đến Kiều mạch qua bài viết này nhé.

Kiều mạch - Tác dụng thanh nhiệt giải độc

Kiều mạch, Mạch ba góc - Fagopyrum esculentum Moench, thuộc họ Rau răm - Polygona - ceae.

1. Mô tả

Cây thảo, thân mọc đứng, cao 30 - 80cm, phân cành nhiều. Lá hình tim, tim tam giác, nhọn, có cuống; các lá ở phía trên hầu như không cuống; bệ chìa mỏng. Chùm hoa ở nách lá hay ở ngọn; hoa màu trắng hay hơi hồng, có cuống. Quả ba góc nhọn, hơi vượt quá đài hoa, màu nâu đen đen. Hạt có nội nhũ bột.

Hoa tháng 7.

2. Bộ phận dùng

Hạt  -  Semen Fagopyri Esculenti; thường gọi là Kiều mạch.

3. Nơi sống và thu hái

Cây của miền Bắc châu Á (Xibiri), được trồng ở nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều nước châu Âu từ thế kỷ 15. Ở nước ta, Kiều mạch được trồng nhiều ở vùng núi cao Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Thái để làm lương thực phụ và dùng chăn nuôi. Cây thích nghi với khí hậu ẩm và mát, chịu lạnh yếu, sinh trưởng tốt ở nhiệt độ 15 - 22oC trong thời gian 70 -  90 ngày, ra hoa kết quả dài ngày. Thu hái cây vào lúc mới có hoa.

4. Thành phần hoá học

Toàn cây chứa glucosid là rutosid, nhiều nhất là ở lá (1,78%), ở hoa (0,71%) và ở thân (0,09%). Hạt có chất độc. Rễ chứa oxymethyl anthraquinon. Trong bột quả có 10  -  11% protid, 2% đường giảm, 65% tinh bột.

5. Tính vị, tác dụng

Vị chát, hơi the, tính bình; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi thấp, tiêu thũng. Rutosid có tác dụng giống vitamin P, làm tăng độ chịu đựng và giảm độ thấm của mao mạch và có tác dụng lợi tiểu.

6. Công dụng

Bột dùng ăn, nấu cháo, làm bánh, và là nguồn thức ăn chống đói quan trọng đối với đồng bào miền núi. Quả và lá dùng làm thức ăn chăn nuôi gia súc. Chất rutosid thường được dùng đề phòng các tai nạn về mạch máu như vữa xơ động mạch, tăng huyết áp (viêm võng mạc, ban xuất huyết) trong trường hợp viêm da do tia Rơnghen, trong sự rối loạn của tuần hoàn tĩnh mạch. Nhân dân một số nơi dùng lá nấu canh ăn để tiêu và làm cho sáng mắt, thính tai. Hạt cũng được dùng ở Trung quốc như hạt Bông chua hay Kim kiều mạch (Fagopyrum cymosum). Bột hạt được dùng như chất làm mềm và tan sưng.

Trên đây là một số thông tin về cây Kiều mạch mà eLib.VN đã tổng hợp, hy vọng bài viết sẽ hữu ích với bạn. Để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn khi dùng, bạn đọc nên tham khảo và thực hiện theo hướng dẫn của lương y. 

Ngày:22/10/2020 Chia sẻ bởi:An

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM