Huyền sâm - Chữa Sốt cao, sốt nóng về chiều, viêm họng, phát ban, mụn nhọt, mẩn ngứa, táo bón
Huyền dâm chủ trị sốt cao, sốt nóng về chiều, viêm họng, phát ban, mụn nhọt, mẩn ngứa, táo bón. Để biết được công dụng trong y học của vị thuốc mời bạn đọc cùng eLib.VN tham khảo bài viết dưới đây.
Mục lục nội dung
Rễ đã phơi hay sấy khô của cây Huyền sâm (Scrophularia buergeriana Miq. hoặc Scrophularia ningpoensis Hemsl.), họ Hoa mõm chó (Scrophulariaceae).
1. Mô tả
Rễ củ nguyên, phần trên hơi phình to, phần dưới thuôn nhỏ dần, một số rễ hơi cong, dài 3 - 15 cm. Mặt ngoài màu nâu đen, có nếp nhăn và rãnh lộn xộn, nhiều lỗ vỏ nằm ngang và nhiều vết tích của rễ con hay đoạn rễ nhỏ còn sót lại. Mặt cắt ngang màu đen, phía ngoài cùng có lớp bần mỏng, phía trong có nhiều vân tỏa ra (bó libe gỗ). Thể chất mềm, hơi dẻo, mùi đặc biệt giống như mùi đường cháy, vị hơi ngọt và hơi đắng.
2. Vi phẫu
Lớp bần có từ 3 - 4 hàng tế bào nhăn nheo, có chỗ bị rách nứt. Mô mềm vỏ gồm những tế bào có thành mỏng. Trong mô mềm có những đám mô cứng gồm 1 - 2 tế bào có thành dày xếp rải rác. Libe cấp 2 hình chùy cấu tạo bởi những tế bào nhỏ xếp đều đặn, bị những tia tủy rộng phân cách. Gỗ cấp 2 có những mạch gỗ xếp thẳng hàng từ trong ra ngoài, tia tủy rộng, thành không hóa gỗ, ở miền tủy có đám mạch gỗ cấp I.
3. Bột
Màu nâu đen, vị hơi mặn. Soi kính hiển vi thấy: Nhiều tế bào mô cứng riêng lẻ hay tụ thành đám, đa số hình thoi. Mạch gỗ hầu hết là mạch vạch. Mảnh bần gồm những tế bào nhiều cạnh đều đặn có thành dày. Mảnh mô mềm. Tinh bột nhỏ, hình tròn nằm rải rác.
4. Định tính
Lấy 1 g dược liệu, thêm 10 ml ethanol 96% (TT), đun cách thủy trong 15 phút, để nguội và lọc. Lấy dịch lọc làm các phản ứng sau:
Lấy 5 ml dịch lọc cho vào một chén sứ, cô trên cách thủy đến cắn. Thêm vào cắn 1 ml anhydrid acetic (TT) và 1 ml cloroform (TT), khuấy đều. Lọc lấy dịch cho vào một ống nghiệm khô, thêm từ từ theo thành ống nghiệm khoảng 1 ml acid sulfuric (TT). Giữa hai lớp chất lỏng có vòng màu nâu đỏ, lớp dung dịch phía trên có màu vàng nâu.
Nhỏ vài giọt dịch lọc lên giấy, quan sát dưới ánh sáng tử ngoại 365 nm thấy bên trong của vết có màu vàng nhạt, rìa bên ngoài có màu xanh nhạt. Nhỏ tiếp lên phần bên trong của vết một giọt dung dịch natri hydroxyd 10% (TT), để khô, quan sát dưới ánh sáng tử ngoại 365 nm thấy có màu vàng lục sáng.
Độ ẩm
Không quá 14%.
Tro toàn phần
Không quá 4%.
5. Chế biến
Đào lấy rễ, rửa sạch, cắt bỏ rễ con, cắt đầu chồi thừa 3 mm, tách riêng từng rễ, phân loại to nhỏ. Phơi hoặc sấy ở 50 - 60oC đến gần khô. Đem ủ 5 - 10 ngày đến khi trong ruột có màu đen hoặc nâu đen, rồi tiếp tục phơi đến khô.
Cách ủ: Dược liệu sau khi phơi gần khô đem tãi ra trong nong nia thành một lớp dày chừng 15 cm, để chỗ mát, hàng ngày đảo vài lần, có thể đậy lên trên bằng một lớp rơm mỏng hay bằng một cái nong hoặc nia khác. Trong khi ủ phải đảo luôn, không để dày quá, không đậy kín quá dễ bị hấp hơi, thối hỏng.
Khi dùng rửa sạch, ủ mềm, thái lát phơi khô.
6. Bảo quản
Để nơi khô, tránh mốc mọt.
Tính vị, quy kinh
Khổ, hàm, hàn. Vào hai kinh phế, thận.
7. Công năng, chủ trị
Tư âm giáng hỏa, lương huyết giải độc. Chủ trị: Sốt cao, sốt nóng về chiều, viêm họng, phát ban, mụn nhọt, mẩn ngứa, táo bón.
8. Cách dùng, liều lượng
Ngày dùng 8 - 12 g, dạng thuốc sắc.
Kiêng kỵ
Tỳ vị hư hàn, tiêu hóa rối loạn không dùng.
Không dùng chung với Lê lô.
Trên đây là thông tin tham khảo về cây huyền sâm, nếu bạn muốn sử dụng huyền sâm để chữa trị bệnh vui lòng liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn thêm.