Thuốc Homatropine - Điều trị một số bệnh về mắt

Tìm hiểu về thuốc Homatropine trên eLib.VN sẽ cho bạn biết về công dụng, liều dùng, tác dụng phụ, tương tác thuốc và những điều cần thận trọng khác. Hy vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích dành cho mọi người.

Thuốc Homatropine - Điều trị một số bệnh về mắt

1. Tìm hiểu chung

Tác dụng của thuốc homatropine là gì ?

Homatropine được sử dụng trước khi khám mắt (ví dụ như tật khúc xạ), trước và sau khi phẫu thuật về mắt và để điều trị một số bệnh về mắt (ví dụ như viêm màng bồ đào). Homatropine thuộc nhóm thuốc kháng đối giao cảm. Homatropin hydrobromide hoạt động bằng cách mở rộng (giãn nở) đồng tử của mắt.

Bạn nên dùng thuốc homatropine như thế nào?

Trước khi dùng thuốc nhỏ mắt, bạn hãy rửa tay sạch. Để tránh nhiễm khuẩn, không chạm vào đầu ống nhỏ giọt hoặc để ống nhỏ giọt chạm vào mắt của bạn hoặc bất kỳ bề mặt khác.

Nếu bạn đang đeo kính áp tròng, bạn nên lấy ra trước khi sử dụng thuốc nhỏ mắt. Sau đó, bạn chờ ít nhất 15 phút trước khi lắp kính áp tròng.

Khi dùng, bạn ngửa đầu ra sau, nhìn thẳng lên trên, kéo mi mắt dưới xuống, giữ ống nhỏ giọt ngay trên mắt của bạn và nhỏ vào mắt. Cúi xuống và nhắm mắt nhẹ nhàng trong vòng 1-2 phút. Sau đó, bạn đặt một ngón tay ở góc của mắt (gần mũi) và xoa nhẹ nhàng để 2-3 phút nhằm ngăn thuốc thoát ra ngoài. Cố gắng không nháy mắt và không chà xát mắt của bạn. Lặp lại các bước này cho mắt còn lại nếu được chỉ định như vậy hoặc nếu liều của bạn nhiều hơn 1 giọt. Nếu bạn đang sử dụng thuốc này theo một lịch trình thường xuyên, dùng thuốc thường 2-3 lần mỗi ngày, mỗi 3-4 giờ hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Không rửa ống nhỏ giọt và thay thế nắp ống nhỏ giọt sau mỗi lần sử dụng. Bạn cũng không sử dụng dung dịch thuốc nếu chuyển sang màu nâu hoặc đục hoặc nếu chứa các hạt bụi.

Nếu bạn đang sử dụng một loại thuốc mắt khác (ví dụ như thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ bôi mắt), chờ ít nhất 5-10 phút trước khi dùng các thuốc khác. Sử dụng thuốc nhỏ mắt trước thuốc mỡ mắt để cho thuốc vào mắt dễ dàng hơn.

Nếu bạn đang sử dụng thuốc này trên một lịch trình thường xuyên, hãy dùng thuốc thường xuyên để có được những lợi ích tốt nhất. Để tránh quên liều dùng, bạn sử dụng thuốc ở cùng một thời điểm mỗi ngày và tiếp tục sử dụng thuốc theo toàn bộ thời gian quy định.

Thông báo cho bác sĩ nếu tình trạng của bạn không cải thiện hoặc nếu trở nên xấu hơn.

Bạn nên bảo quản thuốc homatropine như thế nào ?

Bạn nên bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh ẩm và tránh ánh sáng. Không bảo quản trong phòng tắm hoặc trong ngăn đá. Bạn nên nhớ rằng mỗi loại thuốc có thể có các phương pháp bảo quản khác nhau. Vì vậy,  bạn nên đọc kỹ hướng dẫn bảo quản trên bao bì, hoặc hỏi dược sĩ. Giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ em và  thú nuôi.

Bạn không nên vứt thuốc vào toilet hoặc đường ống dẫn nước trừ khi có yêu cầu. Thay vì vậy, hãy vứt  thuốc đúng cách khi thuốc quá hạn hoặc không thể sử dụng. Bạn có thể tham khảo ý kiến dược sĩ hoặc  công ty xử lý rác thải địa phương về cách tiêu hủy thuốc an toàn.

2. Liều dùng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Liều dùng homatropine cho người lớn là gì?

Liều dùng thông thường cho người lớn mắc bệnh giãn đồng tử và bệnh liệt cơ thể mi do khúc xạ:

Thuốc nhỏ mắt:

Bạn nhỏ 1 hoặc 2 giọt dung dịch 2% hoặc 1 giọt dung dịch 5% và lặp lại trong khoảng thời gian 5-10 phút nếu cần thiết.

Liều dùng thông thường cho người lớn mắc bệnh viêm màng bồ đào:

Bạn nhỏ 1-2 giọt 2% hoặc dung dịch 5% trong 2-3 lần một ngàymỗi 3-4 giờ khi cần thiết.

Liều dùng thuốc homatropine cho trẻ em như thế nào?

Liều dùng thông thường cho trẻ em mắc bệnh giãn đồng tử và bệnh liệt cơ thể mi do khúc xạ:

Thuốc nhỏ mắt :

Bạn nhỏ 1 giọt dung dịch 2% ngay lập tức cho trẻ và lặp lại trong khoảng thời gian 10 phút nếu cần thiết.

Liều dùng thông thường cho trẻ em mắc bệnh viêm màng bồ đào:

Trẻ từ 3 tháng tuổi đến 2 tuổi: bạn nhỏ 1 giọt dung dịch 0,5% cho trẻ một lần mỗi ngày hoặc cách ngày.

Trẻ trên 2 tuổi: bạn nhỏ 1 giọt dung dịch 1% hoặc 2% cho trẻ.

Thuốc homatropine có những dạng và hàm lượng nào?

Homatropine có dạng và hàm lượng là: thuốc nhỏ mắt, dạng muối hydrobromide: 2% (5 ml), 5% (5 ml).

3. Tác dụng phụ

Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng thuốc homatropine?

Tất cả các loại thuốc có thể gây ra tác dụng phụ, nhưng nhiều người không gặp phải hoặc gặp tác dụng phụ rất nhẹ. Kiểm tra với bác sĩ nếu tác dụng phụ thường gặp vẫn tồn tại hoặc trở nên khó chịu cho bạn: mờ mắt; ngứa mắt, rát hay đau nhức; kích ứng ở vị trí sử dụng thuốc. Gọi cấp cứu ngay lập tức nếu có những tác dụng phụ nặng xảy ra.

 Các phản ứng dị ứng nặng (phát ban, nổi mề đay; ngứa, khó thở, tức ngực, sưng miệng, mặt, môi hoặc lưỡi); tiểu khó; khô miệng; đau mắt; sốt;  khô da; nhịp tim nhanh; đứng không vững trên đôi chân của bạn.

Không phải ai cũng gặp các tác dụng phụ như trên. Có thể có các tác dụng phụ khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

4. Thận trọng trước khi dùng

Trước khi dùng thuốc homatropine bạn nên biết những gì ?

Trước khi dùng homatropine, bạn nên báo với bác sĩ hoặc dược sĩ nếu:

Bạn bị dị ứng với homatropine hoặc bất kỳ loại thuốc, thảo dược nào khác; Bạn đang mắc bệnh tăng nhãn áp hoặc có nguy cơ bị bệnh tăng nhãn áp; Bạn đang dùng bất kỳ thuốc, thảo dược hoặc thực phẩm chức năng; Bạn đang mang thai, dự định có thai hoặc đang cho con bú.

Những điều cần lưu ý nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú

Vẫn chưa có đầy đủ các nghiên cứu để xác định rủi ro khi dùng thuốc này trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú. Trước khi dùng thuốc, hãy luôn hỏi ý kiến bác sĩ để cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ.

Theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), thuốc này thuộc nhóm thuốc C đối với thai  kỳ. Bạn có thể tham khảo bảng phân loại thuốc dùng cho phụ nữ có thai dưới đây:

A= Không có nguy cơ; B = Không có nguy cơ trong vài nghiên cứu; C = Có thể có nguy cơ; D = Có bằng chứng về nguy cơ; X = Chống chỉ định; N = Vẫn chưa biết.

5. Tương tác thuốc

Thuốc homatropine có thể tương tác với thuốc nào?

Tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Tài liệu này không bao gồm đầy đủ các tương tác thuốc có thể xảy ra. Tốt nhất là bạn viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Không được tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.

Bạn không nên ngừng dùng hoặc thay đổi liều lượng của bất kỳ loại thuốc nào mà không có sự chấp thuận của bác sĩ, đặc biệt là:

Thuốc kháng histamin (ví dụ như diphenhydramine), thuốc trị bệnh Parkinson (ví dụ như benztropine), thuốc chống trầm cảm (ví dụ như amitriptyline) – vì các thuốc này có thể làm tăng nguy cơ tác dụng phụ của hormatropine

Thức ăn và rượu bia có tương tác với thuốc homatropine không?

Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá.

Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến thuốc homatropine?

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, đặc biệt là:

Nếu bạn đang mang thai, dự định có thai, hoặc đang cho con bú; Nếu bạn bị dị ứng với thuốc, thực phẩm hoặc các chất khác; Nếu bạn có cảm giác tê do tổn thương thần kinh, các vấn đề tuyến tiền liệt hoặc khó tiểu; Nếu bạn có vấn đề về giác mạc hoặc hội chứng Down.

6. Trường hợp khẩn cấp/quá liều

Bạn nên làm gì trong trường hợp khẩn cấp hoặc dùng quá liều?

Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.

Các triệu chứng khi bạn dùng quá liều homatropine bao gồm: đau đầu, nhịp tim nhanh, khô miệng hoặc khô da, buồn ngủ bất thường hoặc đỏ bừng.

Bạn nên làm gì nếu quên một liều?

Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.

Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo. Bạn nên tham khảo thêm ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ để có phương pháp điều trị tốt nhất 

Ngày:25/09/2020 Chia sẻ bởi:Phuong

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM