Đa đa - Trị ỉa chảy, kiết lỵ
Đa đa là cây nhỏ mọc trườn thuộc họ Thanh thất, gai hình chùy, mọc ở rừng thưa và ven rừng già, tới độ cao 900m, ở nhiều nơi, nhất là ở các tỉnh Tây Nguyên, có vị đắng, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, được dùng chữa ỉa chảy, kiết lỵ, sốt rét, đau nhức xương, nhọt ở gan bàn chân, làm thuốc hạ sốt, đoeèi kinh. Cùng eLib.VN tìm hiểu thông tin về vị thuốc này qua bài viết dưới đây nhé.
Mục lục nội dung
Đa đa, Cò cưa, Xân - Harrisonia perforata (Blanco) Merr, thuộc họ Thanh thất - Simaroubaceae.
1. Mô tả
Cây nhỏ mọc trườn, gai hình chuỳ. Lá do 9 - 15 lá chét bất xứng không lông hay có lông ở gân, mép có răng. Cụm hoa chùm hay chuỳ. Hoa trắng; cánh hoa dài 6 - 8mm, có lông; 10 nhị; 1 vòi nhuỵ. Quả hạch đỏ, to 2 - 2,5cm, chứa 3 - 5 nhân.
Ra hoa quả quanh năm.
2. Bộ phận dùng
Rễ, vỏ thân, cành lá và quả - Radix, Cortex, Folium et - Fructus Harrisoniae.
3. Nơi sống và thu hái
Loài cổ nhiệt đới, phân bố ở Nam Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, bán đảo Malaixia, Inđônêxia, Philippin. Ở nước ta, thường gặp mọc ở rừng thưa và ven rừng già, tới độ cao 900m, ở nhiều nơi, nhất là ở các tỉnh Tây Nguyên. Thu hái các bộ phận của cây quanh năm.
4. Thành phần hoá học
Trong lá có các limonoid (perforatin, períbratinolon và các chất khác).
5. Tính vị, tác dụng
Rễ và các bộ phận có vị đắng, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt giải độc.
6. Công dụng, chỉ định và phối hợp
Người ta thường dùng vỏ thân, cành lá sắc uống chữa ỉa chảy, kiết lỵ, sốt rét. Cũng dùng chữa đau nhức xương và làm thuốc điều kinh.
Ở Campuchia, người ta dùng quả để trị nhọt ở gan bàn chân. Ở Trung Quốc, người ta dùng rễ để chế thành dạng xi rô dùng uống trị sốt rét. Ở Thái Lan, rễ cũng dùng làm thuốc hạ sốt.
Trên đây là một số thông tin về cây Đa đa mà eLib.VN đã tổng hợp, hy vọng bài viết sẽ hữu ích với bạn. Để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn khi dùng, bạn đọc nên tham khảo và thực hiện theo hướng dẫn của lương y.