Chua ngút đốm - Làm thuốc trừ giun
Chua ngút đốm là cây bụi, nhánh non có lông sát, thuộc họ Đơn nem, gặp ở Đồng Nai (Phước Thành) và Bà Rịa - Vũng Tàu (Núi Dinh), được dùng làm thuốc trừ giun, chữa đau răng. Để biết được công dụng trong y học của cây Chua ngút đốm mời bạn đọc cùng eLib.VN tham khảo bài viết dưới đây.
Mục lục nội dung
Chua ngút đốm - Embelia picta A. DC (E. tseriam cottam A. DC.), thuộc họ Đơn nem - Myrsinaceae.
1. Mô tả
Cây bụi cao 2m, nhánh non có lông sát. Lá có phiến bầu dục, dài 6 - 10cm, rộng 4,5 - 5,5cm, mỏng, mép có răng mịn ở phần trên, nâu đen mặt trên lúc khô; cuống 1cm. Chùm hoa ở nách lá, dài 4 - 6cm; hoa trắng; cánh hoa có đốm, cao 2mm, dính nhau ở gốc; nhị 5 đính với cành hoa. Quả tròn, đường kính 3 - 4mm, màu đỏ.
Ra hoa tháng 5 - 8.
2. Bộ phận dùng
Quả, vỏ rễ - Fructus et Cortex Radicis Embeliae Pictae.
3. Nơi sống và thu hái
Loài phân bố ở Ấn Độ và Việt Nam. Ở nước ta có gặp ở Đồng Nai (Phước Thành) và Bà Rịa - Vũng Tàu (Núi Dinh).
4. Thành phần hoá học
Quả khô chứa 1,6% embelin, 0,15% oxalat potassium hydrogen và 7,5% chất béo.
5. Tính vị, tác dụng
Quả có tác dụng kháng sinh, làm thông hơi và trừ giun.
6. Công dụng, chỉ định và phối hợp
Ở Ấn Độ, người ta cũng dùng quả làm thuốc trừ giun và vỏ rễ khô dùng sắc nước ngậm chữa đau răng.
Trên đây là một số thông tin về cây Chua ngút đốm mà eLib.VN đã tổng hợp, hy vọng bài viết sẽ hữu ích với bạn. Để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn khi dùng, bạn đọc nên tham khảo và thực hiện theo hướng dẫn của lương y.