Dược lý học đại cương
Dược lý học là môn khoa học nghiên cứu về thuốc, cụ thể trên 2 lĩnh vực chính: Dược lý cơ bản - mối liên quan giữa thuốc và cơ thể và dược lý áp dụng - cách vận dụng dược lý cơ bản trong điều trị. Cùng eLib.VN tìm hiểu một số nội dung cơ bản của Dược lý học nhé.Mục lục nội dung
1. Dược lý học là gì?
Dược lý học (pharmacology) là môn học nghiên cứu về sự tác động giữa thuốc và cơ thể. Khi thuốc vào trong cơ thể, thuốc được cơ thể tiếp nhận như thế nào và cơ thể đã phản ứng ra sao dưới tác dụng của thuốc.
Dược lý học được chia thành 2 phần:
- Dược động học (pharmacokinetics): nghiên cứu về sự tiếp nhận của cơ thể đối với thuốc. Đó là sự hấp thu, phân phối, chuyển hóa và thải trừ thuốc.
- Dược lực học (pharmacodynamics): nghiên cứu về sự tác động của thuốc đối với cơ thể sinh vật. Thuốc có thể tác động trên các tổ chức, cơ quan hoặc hệ thống của cơ thể theo các cơ chế khác nhau để cho hiệu quả điều trị hoặc thể hiện các tác dụng không mong muốn.
2. Vị trí
Dược lý là môn học tích hợp, liên quan mật thiết với những môn y dược khác: hóa dược, dược liệu, sinh hóa, giải phẫu - sinh lý, sinh lý bệnh, vi sinh, miễn dịch, điều trị học, tổ chức học
3. Một số nội dung chính
3.1 Hành trình của thuốc trong cơ thể
Thuốc có thể được đưa vào cơ thể theo các đường khác nhau như đường uống, đường tiêm, đường truyền dịch. Dù cho dùng đường nào chăng nữa, thuốc cũng được hấp thu vào máu đồng thời hoặc tuần tự qua các quá trình phân bố, chuyển hóa và thải trừ thuốc. Các quá trình này chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố: cấu trúc hóa học và lý hóa tính của thuốc, dạng bào chế, đường dùng, trạng thái bệnh lý và yếu tố cá thể người bệnh.
Hấp thu
Hấp thu là sự xâm nhập của thuốc vào vòng tuần hoàn chung của cơ thể. Để lựa chọn đường đưa thuốc vào cơ thể phù hợp cần căn cứ vào mục đích điều trị, tính chất của thuốc, dạng bào chế, trạng thái bệnh lý của người bệnh... Có nhiều đường đưa thuốc vào cơ thể, đó là đường tiêu hóa, đường tiêm, đường hô hấp và qua da.
Phân bố
Sau khi được hấp thu, thuốc vào máu để được vận chuyển tới các nơi tác dụng. Trong máu, thuốc có thể tồn tại dưới 2 dạng là:
- Dạng tự do
- Dạng kết hợp với protein của huyết tương
Một số thuốc có thể bị phân huỷ một phần ngay trong máu.
Chuyển hóa
Chuyển hóa là quá trình biến đổi của thuốc trong cơ thể nhờ tác dụng của các enzym. Qua chuyển hóa, phần lớn các thuốc thường bị giảm hoặc mất tác dụng và giảm hoặc hết độc tính. Khi thuốc theo máu đi khắp nơi và đến gan thì được chuyển hóa. Gan là cơ quan chính cho việc chuyển hóa thuốc.
Thải trừ
Thải trừ thuốc là quá trình dẫn đến sự giảm nồng độ thuốc trong cơ thể. Các cơ quan chính liên quan đến việc loại bỏ thuốc là gan và thận. Về cơ bản, những cơ quan này sẽ sàng lọc ra các thuốc được xem là độc hại.
3.2 Tác dụng của thuốc
Tác dụng tại chỗ và tác dụng toàn thân:
- Tác dụng tại chỗ là tác dụng của thuốc ngay tại nơi thuốc tiếp xúc.
- Tác dụng toàn thân là tác dụng xảy ra sau khi thuốc đã được hấp thu vào máu qua đường hô hấp, đường tiêu hóa hay đường tiêm...
Tác dụng chính và tác dụng phụ
- Tác dụng chính của thuốc là tác dụng để điều trị bệnh.
- Ngoài tác dụng điều trị, thuốc còn có thể gây nên nhiều tác dụng khác còn gọi là các tác dụng không mong muốn hay tác dụng phụ do thuốc gây ra.
Tác dụng hồi phục và không hồi phục
- Sau khi vào cơ thể làm xong "nhiệm vụ" của mình thuốc bị thải trừ. Khi đó chức phận của cơ quan lại trở về bình thường. Đó là tác dụng hồi phục của thuốc.
- Tác dụng không hồi phục nghĩa là thuốc làm mất hoàn toàn chức phận của tế bào, cơ quan.
Tác dụng chọn lọc là tác dụng điều trị xảy ra sớm nhất, rõ rệt nhất.
3.3 Thuốc tác dụng trên hệ thần kinh trung ương
Thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương: Thuốc mê, thuốc an thần, thuốc giảm đau - hạ sốt - chống viêm
Thuốc kích thích hệ thần kinh trung ương: Nikethamide (Coramin), Amphetamine Suphate, Cafein, Strychnine, Camphore
Thuốc tác động trên dây thần kinh ngoại biên: Thuốc tê
Thuốc tác dụng lên hệ thần kinh tự trị: Thuốc kích thích dây thần kinh giao cảm Adrenaline, thuốc liệt giao cảm, thuốc kích thích phó giao cảm, thuốc liệt phó giao cảm
3.4 Thuốc kháng sinh
Kháng sinh là thuốc tiêu diệt hoặc kiềm hãm sự phát triển của vi khuẩn, từ đó giảm đáp ứng viêm gây ra bởi vi khuẩn. Kháng sinh có tác dụng khác nhau trên từng loại vi khuẩn, một số kháng sinh có tác dụng trên nhiều chủng vi khuẩn được gọi là kháng sinh phổ rộng, một số loại khác tác dụng trên một số chủng vi khuẩn nhất định được gọi là phổ hẹp.
Kháng sinh nhóm Betalactam
Nhóm beta - lactam là một họ kháng sinh rất lớn, bao gồm các kháng sinh có cấu trúc hóa học chứa vòng beta-lactam. Khi vòng này liên kết với một cấu trúc vòng khác sẽ hình thành các phân nhóm lớn tiếp theo: nhóm penicilin, nhóm cephalosporin và các beta-lactam khác.
Kháng sinh nhóm Aminoglycosid
Các aminosid có thể là sản phẩm tự nhiên phân lập từ môi trường nuôi cấy các chủng vi sinh, cũng có thể là các kháng sinh bán tổng hợp. Các kháng sinh nhóm aminoglycosid có phổ kháng khuẩn chủ yếu tập trung trên trực khuẩn Gram-âm, tuy nhiên phổ kháng khuẩn của các thuốc trong nhóm không hoàn toàn giống nhau.
Kháng sinh nhóm Macrolid
Các macrolid có thể là sản phẩm tự nhiên phân lập từ môi trường nuôi cấy các chủng vi sinh, cũng có thể là các kháng sinh bán tổng hợp. Macrolid có phổ kháng khuẩn hẹp, chủ yếu tập trung vào một số chủng vi khuẩn Gram - dương và một số vi khuẩn không điển hình.
Kháng sinh nhóm Lincosamid
Nhóm kháng sinh này bao gồm hai thuốc là lincomycin và clindamycin, trong đó lincomycin là kháng sinh tự nhiên, clindamycin là kháng sinh bán tổng hợp từ lincomycin.
Kháng sinh nhóm Phenicol
Nhóm kháng sinh này bao gồm hai thuốc là cloramphenicol và thiamphenicol, trong đó cloramphenicol là kháng sinh tự nhiên, còn thiamphenicol là kháng sinh tổng hợp. Kháng sinh nhóm phenicol có phổ kháng khuẩn rộng, bao gồm các cầu khuẩn Gram-dương, một số vi khuẩn Gram-âm
Kháng sinh nhóm Cyclin
Các thuốc nhóm này gồm cả các kháng sinh tự nhiên và kháng sinh bán tổng hợp. Các kháng sinh nhóm cyclin có phổ kháng khuẩn rộng trên cả các vi khuẩn Gram-âm và Gram-dương, cả vi khuẩn hiếu khí và kỵ khí.
Kháng sinh nhóm Peptid
Các kháng sinh thuộc nhóm này có cấu trúc hóa học là các peptid. Dùng trong lâm sàng hiện nay có các phân nhóm: Glycopeptid (vancomycin, teicoplanin), Polypetid (polymyxin, colistin), Lipopeptid (daptomycin).
Kháng sinh nhóm Quinolon
Các kháng sinh nhóm quinolon không có nguồn gốc tự nhiên, toàn bộ được sản xuất bằng tổng hợp hóa học. Các kháng sinh trong cùng nhóm quinolon nhưng có phổ tác dụng không hoàn toàn giống nhau.
Các nhóm kháng sinh khác: Nhóm Co-trimoxazol, nhóm Oxazolidion, kháng sinh nhóm 5-nitro imidazol....
....
Trên đây là một số thông tin tổng quát về Dược lý học đại cương mà eLib.VN đã tổng hợp. Để tìm hiểu chi tiết các nội dung của Dược lý học, mời bạn đọc tham khảo các bài viết trong bộ tài liệu Dược lý học đại cương nhé.