Điện tâm đồ và bệnh lý
Điện tâm đồ thường gọi tắt là ECG là đồ thị ghi lại hoạt động của dòng điện trong tim, có vai trò quan trọng trong chẩn đoán các bệnh tim mạch như rối loạn nhịp tim, suy tim, nhồi máu cơ tim,...Điện tâm đồ giúp bác sĩ theo dõi hiệu quả điều trị, phản ứng của người bệnh với điều trị bằng thuốc và theo dõi tác dụng phụ của thuốc v.vMục lục nội dung
1. Điện tâm đồ là gì?
Điện tâm đồ viết tắt là ECG, là phương pháp theo dõi hoạt động, tốc độ cũng như nhịp điệu của tim. Khi tim hoạt động, tim co bóp sẽ phát ra các biến thiên của dòng điện, lúc này điện tâm đồ là một đường cong có chức năng ghi lại các biến thiên đó. Thông qua đọc điện tim, ta có thể biết được khả năng tống máu của tim, biết được nhịp điệu và tốc độ của tim.
Điện tâm đồ là một phương pháp để theo dõi hoạt động điện của tim rất phổ biến hiện nay, hầu như các cơ sở khám chữa bệnh đều sử dụng điện tâm đồ như một phương tiện chẩn đoán chính cho các bệnh lý tim mạch. Vậy xét nghiệm điện tâm đồ để làm gì, việc đọc điện tim sẽ phát hiện được bệnh lý nào?
2. Cơ chế hoạt động của điện tâm đồ
Tim người có 4 buồng để chứa và bơm máu, 2 phần nhỏ ở phía trên gọi là tâm nhĩ, 2 phần dưới lớn hơn gọi là tâm thất.
Máu theo tĩnh mạch từ các cơ quan trong cơ thể trở về tâm nhĩ phải, máu từ phổi trở về tâm nhĩ trái. Tâm nhĩ trái bóp sẽ bơm máu vào tâm thất trái, tâm nhĩ phải đưa máu vào tâm thất phải. Sau đó tâm thất phải sẽ bóp để bơm máu theo động mạch lên phổi và tâm thất trái bóp để bơm máu xuống cơ quan cơ thể. Tim có khả năng hoạt động đều đặn và thứ tự như thế là nhờ vào hệ thống các tế bào dẫn điện đặc biệt nằm trong cơ tim.
Trong tâm nhĩ phải có nút xoang gồm các tế bào có khả năng phát ra xung điện. Xung điện này truyền ra các cơ xung quanh làm co bóp hai tâm nhĩ (tạo nên sóng P trên điện tâm đồ). Sau có dòng điện tiếp tục truyền theo một chuỗi tế bào đặc biệt đến nút nhĩ thất nằm gần vách liên thất, rồi theo chuỗi tế bào sợi Purkinje chạy dọc vách liên thất lan vào các cơ xung quanh (tạo ra loạt sóng QRS) làm hai tâm thất co bóp. Sau đó, các xung điện giảm đi, tâm thất giãn ra (tạo nên sóng T).
Tóm lại, cơ chế hoạt động điện tâm đồ như sau: các tế bào trong buồng tim sẽ tạo ra một xung điện khi tim hoạt động, những xung điện này đi qua tim theo một hệ thống dẫn truyền và được điện tâm đồ ghi lại thành các tín hiệu điện. Một số bệnh như rối loạn nhịp tim, đau thắt ngực có thể được phát hiện sau khi tiến hành điện tâm đồ. Do đó, điện tâm đồ có vai trò rất quan trọng và thường xuyên được tiến hành trong bệnh viện.
3. Xét nghiệm điện tâm đồ để làm gì?
Xét nghiệm điện tâm đồ ghi lại các biến đổi của dòng điện dẫn truyền trong tim, từ đó giúp các bác sĩ chẩn đoán các bệnh lý như: rối loạn nhịp tim và rối loạn dẫn truyền trong tim, nhồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim, suy tim, tràn dịch màng ngoài tim, viêm màng ngoài tim cấp, tâm phế mạn, rối loạn các chất điện giải trong máu, dày thành cơ tim...
Cụ thể cách đọc điện tim như sau:
- Chẩn đoán nhồi máu cơ tim: khi cơ tim bị thiếu máu và dưỡng khí dễ dẫn đến bị tổn thương hay hoại tử, khả năng dẫn truyền điện của cơ tim sẽ thay đổi và ghi nhận được trên điện tâm đồ, đây là một trong những chẩn đoán giá trị nhất của phương pháp cận lâm sàng này;
- Chẩn đoán thiếu máu cơ tim: cơ tim khi bị thiếu máu sẽ cho thấy hình ảnh sóng T trên điện tâm đồ dẹt, âm;
- Chẩn đoán và theo dõi rối loạn nhịp tim: bất thường tại vị trí phát ra nhịp (nút xoang, nút nhĩ nhất, cơ tim) và bất thường dẫn truyền một chiều của tim sẽ cho hình ảnh nhịp tim bất thường trên điện tâm đồ;
- Chẩn đoán và theo dõi rối loạn dẫn truyền nhịp tim do hệ thống dẫn truyền: việc tổn thương hay mất mạch lạc dẫn truyền cho thấy các bất thường về nhánh điện học của tim trên điện tâm đồ (Blốc nhĩ thất, Blốc nhánh tim);
- Chẩn đoán các chứng tim lớn khi cơ tim dày hay dãn: quá trình khử cực, tái cực của cơ tim sẽ thay đổi, qua đó trên giấy ghi điện tâm đồ sẽ cho những gợi ý nhất định về tình trạng buồng tim lớn, tuy nhiên giá trị của ECG không ưu thế trong trường hợp này vì tiêu chuẩn thay đổi nhiều phụ thuộc vào chủng tộc, nhiều yếu tố gây nhiễu và độ nhạy kém, y học cũng có nhiều công cụ chẩn đoán tim to tốt hơn;
- Chẩn đoán một số thay đổi sinh hóa máu: điện tim là do sự di chuyển của các ion (natri, kali, canxi...). Khi có sự thay đổi nồng độ các chất này, điện tâm đồ có khả năng thay đổi;
- Chẩn đoán một số ngộ độc thuốc: digoxin làm thay đổi đoạn ST của mọi cực, thuốc chống trầm cảm 3 vòng làm dài đoạn QT;
Điện tâm đồ được chỉ định trong nhiều trường hợp: người cao tuổi (có nguy cơ bệnh lý tim mạch cao), người bị tăng huyết áp, mắc các rối loạn chuyển hóa lipid máu (tăng mỡ máu), đái tháo đường, hút thuốc lá, đau thắt ngực, có triệu chứng hồi hộp trống ngực, khó thở, tiền sử có ngất hoặc nhập viện cấp cứu vì bất kể nguyên nhân gì... Nhiều trường hợp bệnh lý tim mạch được phát hiện tình cờ qua điện tâm đồ (mặc dù người bệnh không có triệu chứng như đau ngực, hồi hộp hay khó thở...).
4. Đo điện tâm đồ như thế nào?
Bác sĩ sẽ đính 10 điện cực với miếng dính vào da ngực, cánh tay và chân của người được đo. Nếu nam giới có lông ngực có thể cần phải cạo (một ít) để kết nối điện cực tốt hơn. Trong quá trình đo, người được đo nằm ngửa, máy tính sẽ tạo ra một đồ thị trên giấy, vẽ các xung điện di chuyển qua tim hoặc kiểm tra tim trong khi tập thể dục (điện tâm đồ gắng sức).
Có thể mất khoảng 10 phút để gắn các điện cực và hoàn thành xét nghiệm nhưng việc ghi đồ thị thực sự chỉ mất vài giây. Bên cạnh đo điện tâm đồ tiêu chuẩn, bác sĩ có thể thực hiện các loại khác phục vụ cho mục đích chẩn đoán như: điện tâm đồ di động (kiểm tra hoạt động điện của tim trong 1 - 2 ngày, 24 giờ/ngày).
Sau khi đo điện tâm đồ, bác sĩ sẽ đọc sóng đồ thị đã được ghi lại trong quá trình kiểm tra để phát hiện các xung động có bình thường hay không. Thường cho bệnh nhân biết kết quả trong cùng ngày thực hiện hoặc vào lịch hẹn tái khám tiếp theo. Nếu kết quả có sự bất thường ở tim, bệnh nhân có thể phải làm thêm các loại điện tâm đồ khác hoặc thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán khác như siêu âm tim...tùy theo đánh giá của bác sĩ.
Bệnh nhân có thể tiếp tục các hoạt động bình thường sau khi thực hiện đo điện tâm đồ. Kết quả xét nghiệm điện tâm đồ đòi hỏi phải do bác sĩ có chuyên môn đọc và đưa ra kết luận, vì vậy vai trò chuyên môn của bác sĩ trong việc đo điện tim là rất quan trọng.
5. Lưu ý khi thực hiện điện tâm đồ
- Người bệnh sẽ được nhân viên y tế giải thích về kỹ thuật và hướng dẫn các thủ tục trước khi tiến hành xét nghiệm;
- Trước khi thực hiện điện tâm đồ, người bệnh cần liệt kê đầy đủ triệu chứng chính và cả những triệu chứng đi kèm, các thông tin quan trọng (tiền sử bệnh, tiền sử gia đình), các yếu tố nguy cơ tim mạch (tăng huyết áp, đái tháo đường, đột quỵ, rối loạn nhịp tim) kể cả những lo lắng, căng thẳng hoặc những thay đổi gần đây trong cuộc sống, tất cả những thuốc, thực phẩm chức năng, vitamin đang dùng và liều lượng cũng cần khai báo với bác sĩ;
- Đo điện tim là xét nghiệm an toàn, không gây tổn hại đến sức khỏe, có thể làm bất kỳ thời điểm nào, không liên quan đến bữa ăn, không phải nhịn đói khi làm điện tâm đồ;
- Để tránh gây nhiễu cho các điện cực ghi điện tim, khi tiến hành đọc điện tim, người bệnh cần nằm yên tĩnh, tháo các vật dụng bằng kim loại ra khỏi cơ thể (đồng hồ, thắt lưng, chìa khóa...), cởi nút áo bộc lộ vùng ngực, hai tay đặt song song thân người, hai chân duỗi thẳng. Người bệnh cần thả lỏng và tuân thủ theo sự hướng dẫn của nhân viên y tế trong quá trình đo;
- Tùy thuộc vào diễn biến của bệnh mà bác sĩ sẽ quyết định có thể làm điện tâm đồ nhiều lần trong các khoảng thời gian khác nhau;
- Cách đọc điện tâm đồ rất phức tạp, đòi hỏi phải có chuyên môn về Tim mạch và được đào tạo bài bản. Dựa trên kết quả được ghi lại, bác sĩ chuyên khoa có thể xác định được có triệu chứng lâm sàng rối loạn tim gây ra hay không. Người bệnh có thể hiểu điện tâm đồ cơ bản qua phần kết luận của phiếu xét nghiệm, muốn hiểu được sâu hơn cần trao đổi với bác sĩ.
Điện tâm đồ có nhiều ý nghĩa trong lâm sàng, được sử dụng để chẩn đoán bệnh tim, theo dõi hiệu quả điều trị, phản ứng của người bệnh với điều trị bằng thuốc và theo dõi tác dụng phụ của thuốc,... Cùng eLib tham khảo thêm các tài liệu về điện tâm đồ và chẩn đoán nhịp tim, chẩn đoán cấu trúc tim để phục vụ cho quá trình học tập, nghiên cứu và làm việc của bạn nhé! Chúc các bạn thành công!
Tham khảo thêm
- Đau thắt ngực không ổn định: hình ảnh điện tâm đồ
- Nhịp nhanh trên thất
- Rung nhĩ ngấm digoxin
- Nhồi máu cơ tim bán cấp vùng thành trước
- Block nhĩ thất cấp 3
- Nhồi máu cơ tim cũ
- Phụ nữ có thai
- Điện tâm đồ thể hiện nhịp tim nhanh qua trung gian máy điều hòa nhịp tim
- Điện tâm đồ thể hiện tạo nhịp tim an toàn
- Điện tâm đồ thể hiện nhiễu xuyên âm máy điều hòa nhịp tim