Chó đẻ thân xanh - Làm thuốc thông tiểu, thông sữa

Chó đẻ thân xanh là cây thảo thuộc họ Thầu dầu, mọc hoang dại trên các đất hoang, ruộng vườn, khá phổ biến ở nhiều nơi, có vị hơi đắng, tính mát, có tác dụng tiêu độc, sát trùng, được dùng làm thuốc thông tiểu thông sữa, chữa lở ngứa ngoài da, rắn rết cắn, bệnh lậu, vàng da,... Để nắm được đặc điểm và cách sử dụng của vị thuốc này, mời các bạn cùng tham khảo bài viết của eLib.VN nhé.

Chó đẻ thân xanh - Làm thuốc thông tiểu, thông sữa

Chó đẻ thân xanh, Chó đẻ răng cưa - Phyllanthus amarus Schum et Thonn., thuộc họ Thầu dầu - Euphorbiaceae.

1. Mô tả

Cây thảo cao 10 - 40cm, ít khi chia nhánh. Lá dạng màng, màu lục sẫm ở trên, màu xanh mốc mốc ở mặt dưới, nguyên, xếp hai dây, có mũi nhọn, nhẵn; mỗi cành nom như một lá kép lông chim gồm nhiều lá chét. Hoa đơn tính, ở nách lá, màu lục nhạt, không có cánh hoa. Hoa đực có cuống ngắn, sắp xếp ở phía dưới các hoa cái. Hoa cái có cuống dài hơn hoa đực. Quả nang nhẵn, hình cầu, dẹp, đường kính 2mm, có đài tồn tại, chia thành 3 mảnh vỏ, mỗi mảnh có 2 van chứa 2 hạt. Hạt hình tam giác, đường kính 1mm, có cạnh dọc và lằn ngang.

2. Bộ phận dùng

Toàn cây - Herba Phyllanthi Amari.

3. Nơi sống và thu hái

Loài cây liên nhiệt đới, có phân bố ở Ấn Độ, các nước Đông Dương.. Ở nước ta, cây mọc hoang dại trên các đất hoang, ruộng vườn, khá phổ biến ở nhiều nơi. Thu hái toàn cây vào mùa hè, rửa sạch, dùng tươi hoặc phơi khô trong râm để dùng dần.

4. Thành phần hoá học

Lá chứa một chất đắng là phyllanthin; không có quinine hoặc một alcaloid khác. Lá khô chứa những chất đắng hypophyllanthin (0,05%) và phyllanthin (0,35%) có độc với cá và ếch. Trong cây còn có niranthin, nirtetralin và phylteralin.

5. Tính vị, tác dụng

Cây có vị hơi đắng, tính mát, có tác dụng tiêu độc, sát trùng, tán ứ, thông huyết. Cũng có người cho là nó có tính nóng, điều kinh, hạ huyết nghịch, tan huyết ứ, trừ được sốt rét.

Chó đẻ thân xanh làm tăng mãnh liệt sự bài tiết nước tiểu cũng như kinh nguyệt nhưng không gây hại gì.

Ở nhiều nước Viễn Đông cũng đã sử dụng tính chất này của cây. Tác dụng lợi tiểu của cây là do có một tỷ lệ cao chất Kalium.

6. Công dụng, chỉ định và phối hợp

Thường dùng làm thuốc thông tiểu, thông sữa, điều kinh sửa huyết và thông kinh trục ứ. Dùng ngoài đắp mụn nhọt lở ngứa ngoài da, rắn rết cắn. Các công dụng khác cũng như Chó đẻ. Ngày dùng 8 - 16g cây khô sắc uống, hoặc vò cây tươi và giã nát lấy nước uống. Dùng ngoài, giã đắp hoặc lấy nước cốt bôi.

Ở Ấn Độ, người ta dùng toàn cây làm thuốc lợi tiểu, tiêu bệnh phù, bệnh lậu và những rối loạn của đường niệu dục. Nước sắc các chồi non dùng trị lỵ; rễ tươi làm thuốc vàng da; lá làm thuốc lợi tiêu hoá, dịch lá dùng đắp vỡ loét. Người ta còn dùng lá và rễ phơi khô nghiền thành bột trộn với nước vo gạo dùng làm thuốc đắp các vết sưng, phù loét. Hiện nay nó là cây thuốc quan trọng trong các bài thuốc chữa viêm gan siêu vi B ở Ấn Độ.

Trên đây là một số thông tin về cây Chó đẻ thân xanh mà eLib.VN đã tổng hợp, bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn khi dùng, bạn đọc nên tham khảo và thực hiện theo hướng dẫn của lương y. eLib.VN không khuyến khích tự chẩn đoán bệnh hay thực hiện các phương pháp điều trị tại nhà.

Ngày:21/10/2020 Chia sẻ bởi:ngan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM