Chiêu liêu - Trị lỵ, tiêu chảy

Chiêu liêu là cây to, thuộc họ Bàng, mọc hoang ở rừng thưa, rừng thứ sinh ở các tỉnh phía Nam nước ta, có tác dụng trừ ho, sát trùng đường ruột, được dùng chữa đi ỉa lỏng lâu ngày, chữa lỵ kinh niên, ho mất tiếng, trĩ,... Để nắm được đặc điểm và cách sử dụng của vị thuốc này, mời các bạn cùng tham khảo bài viết của eLib.VN nhé.

Chiêu liêu - Trị lỵ, tiêu chảy

Chiêu liêu, Chiêu liêu hồng, Xàng, Tiếu - Terminalia chebula Retz., Thuộc họ Bàng - Combreta-ceae.

1. Mô tả

Cây to, cao 15 - 20m. Cành non có lông. Vỏ thân màu xám nhạt, có vách nứt dọc. Lá mọc so le, đầu nhọn, 15 - 20cm, có lông mềm, sau nhẵn. Ở đầu cuống lá có 2 tua nhỏ. Hoa nhỏ, màu trắng vàng vàng, thơm, xếp thành chùy ở nách lá hay ở ngọn, phủ lông màu đồng. Quả hình trứng thuôn dài 3 - 4cm, rộng 22 - 25mm, tù hai đầu, không có cánh,ốc 5 cạnh dọc, màu nâu vàng nhạt, có thịt đen. Hạch chứa một hạt dày 4mm, có lá mầm cuộn.

Cây ra hoa tháng 5 - 6, có quả tháng 8 - 9 trở đi.

2. Bộ phận dùng

Quả khô - Fructus Chebulae, thường gọi Kha tử. Có khi dùng cả vỏ cây.

3. Nơi sống và thu hái

Cây của miền Đông Dương và Ấn Độ mọc hoang ở rừng thưa, rừng thứ sinh ở các tỉnh phía Nam nước ta. Thu hái quả vào mùa quả chín (tháng 9 - 11), phơi khô. Khi dùng sao qua, bỏ hạt. Bảo quản nơi khô ráo.

4. Thành phần hoá học

Trong quả có khoảng 30% chất săn da mà chất đặc trưng là acid chebulinic, chebulin, acid chebulagic terchebin, acid shikimic; còn có 20 - 40% tanin với acid ellagic, acid gallic, acid quinic; sennoside A và tanase. Trong nhân có 3 - 7% chất dầu màu vàng, trong suốt, nửa khô.

5. Tính vị, tác dụng

Vị chát, nhạt, hơi chua, tính mát; có tác dụng trừ ho, sát trùng đường ruột. Quả xanh chứa một hoạt chất làm săn da, có tính gây trung tiện, và cũng gây xổ, quả già gây xổ mạnh. Hợp chất chebulin trong quả có tác dụng chống co thắt tương tự papaverin. Vỏ cây có tác dụng lợi tiểu và cường tim.

6. Công dụng, chỉ định và phối hợp

Quả Chiêu liêu hay Kha tử là một vị thuốc chuyên dùng chữa đi ỉa lỏng lâu ngày, chữa lỵ kinh niên; còn dùng chữa ho mất tiếng, di tinh, ra mồ hôi trộm, trĩ, xích bách đới. Ngày dùng 3 - 6g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc viên 3 - 6 quả loại trung bình đủ để xổ, do vậy không dùng quá liều. Những lá bị sâu chích và tạo ra những mụn lỗi dạng sừng, dẹp và rỗng có thể dùng trị ỉa chảy và lỵ của trẻ em. Trẻ nhỏ 1 tuổi dùng liều 0,05g; cứ 3 giờ uống một lần.

7. Đơn thuốc

Xích bạch lỵ: 12 quả Kha tử, 6 quả để sống, 6 quả nướng bỏ hạt, sao vàng và tán nhỏ. Nếu lỵ ra máu thì dùng nước sắc Cam thảo mà chiêu thuốc; nếu lỵ ra mùi, thì dùng nước sắc Cam thảo chích.

Ho lâu ngày: dùng Kha tử, Đảng sâm mỗi vị 4g sắc với 400ml, còn 1/2 chia uống 3 lần.

Ỉa chảy lâu ngày: Kha tử 10g, tán bột, hoà với cháo ăn.

Trên đây là một số thông tin về cây Chiêu liêu mà eLib.VN đã tổng hợp, hy vọng bài viết sẽ hữu ích với bạn. Để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn khi dùng, bạn đọc nên tham khảo và thực hiện theo hướng dẫn của lương y. 

Ngày:21/10/2020 Chia sẻ bởi:Denni Trần

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM