Chân chim - Chữa sổ mũi, cảm cúm phát sốt

Chân chim là cây nhỡ thuộc họ Nhân sâm, mọc ở ven rừng, chân núi, sườn đồi, đất hoang từ 100 - 1500m, vùng núi từ Lạng Sơn đến Lâm Đồng (Đà Lạt), có vị đắng, chát, hơi thơm, tính mát, dùng chữa sổ mũi, cảm cúm phát sốt, đau họng, tê liệt, gân xương co quắp,... Bài viết dưới đây của eLib.VN sẽ cung cấp cho bạn một cái nhìn chi tiết hơn về những lợi ích và cách sử dụng của loại cây này.

Chân chim - Chữa sổ mũi, cảm cúm phát sốt

Chân chim, Ngũ gia bì chân chim, Cây đáng, Cây lằng - Schefflera octophylla (Lour.) Harms, thuộc họ Nhân sâm - Araliaceae.

1. Mô tả

Cây nhỡ cao 5 - 10m hay cây to cao đến 15m, có ruột xốp. Vỏ cây màu xám, cành nhỏ có lỗ bì. Lá mọc so le, có cuống dài, kép chân vịt, thường có 8 lá chét mép nguyên, hình bầu dục nhọn hai đầu, hơi thon hẹp hoặc tròn ở gốc, dài 7 - 17cm, rộng 3 - 6cm. Hoa nhỏ, màu trắng, tụ họp thành chuỳ hoặc chùm tán ở đầu cành; trên cuống phụ của cụm hoa, đôi khi có những bông hoa đứng riêng lẻ. Quả mọng, hình cầu, đường kính 3 - 4mm, khi chín màu tím đen, chứa 6 - 8 hạt. Toàn cây có mùi thơm đặc biệt.

Hoa tháng 2 - 3, quả tháng 4 - 5.

2. Bộ phận dùng

Vỏ thân, vỏ rễ, rễ và lá. Cortex, Cortex Radicis, Radix et Folium Schefflerae Octophyllae.

3. Nơi sống và thu hái

Loài đặc hữu của Đông Dương, mọc hoang, thường mọc ở ven rừng, chân núi, sườn đồi, đất hoang từ 100 - 1500m, vùng núi từ Lạng Sơn đến Lâm Đồng (Đà Lạt). Thu hái vỏ thân, vỏ rễ và rễ nhỏ vào mùa xuân, mùa thu, cạo sạch lớp vỏ bẩn bên ngoài, đồ qua, thái miếng, ủ cho thơm rồi phơi trong râm tới khô. Lá thu hái quanh năm, rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô.

4. Thành phần hoá học

Vỏ thân chứa 0,9 - 1% tinh dầu; vỏ cành và vỏ rễ chứa saponin triterpen khi thuỷ phân cho acid oleanic.

5. Tính vị, tác dụng

Chân chim có vị đắng, chát, hơi thơm, tính mát, có tác dụng giải nhiệt, làm ra mồ hôi, kháng viêm, tiêu sưng và làm tan máu ứ. Dịch chiết vỏ cây có tác dụng tăng lực, kích thích thần kinh rõ rệt, chống lạnh, hạ đường huyết. Người ta xem Chân chim như vị thuốc có tác dụng kích thích tiêu hoá, ăn ngon cơm, ngủ ngon, làm thuốc bổ.

6. Công dụng, chỉ định và phối hợp

Lá thái nhỏ thành sợi, phơi khô để nấu canh cá, canh tôm. Khi nấu cá tôm chín, nêm mắm muối rồi, người ta nhắc nồi xoong xuống mới cho rau lằng vào, vì nếu nấu không thì canh rất đắng, khó ăn.

Vỏ thân và vỏ rễ dùng chữa: 1. Sổ mũi, cảm cúm phát sốt, đau họng; 2. Phong thấp đau nhức xương, té ngã tụ máu sưng đau, tê liệt hoặc gân xương co quắp; 3. Viêm hạch bạch huyết cấp, viêm tinh hoàn, đàn ông liệt dương, đàn bà ngứa âm hộ; 4. Phù thũng; 5. Giải độc lá ngón hay say sắn.

Rễ dùng làm thuốc bổ, thuốc mát, thông tiểu tiện, thường gọi là Sâm nam hay Nam sâm.

Lá dùng ngoài trị viêm da dị ứng, eezema, bỏng.

7. Cách dùng

Dùng vỏ thân 10 - 20g, vỏ rễ 6 - 12g dạng thuốc sắc. Rễ dùng pha hoặc sắc lấy nước uống, có thể phối hợp với các vị thuốc khác. Lá đun sôi lấy nước rửa, tắm. Người ta dùng vỏ chế dạng rượu ngọt. 1ml chứa 0,2g bột dược liệu khô với tên Langtonic (chai 500ml ngày uống hai lần, mỗi lần 15 - 30ml) và dạng elixia (1ml chứa 2g bột dược liệu khô) với tên Langosin (lọ 150ml, ngày uống 5ml). Phụ nữ có thai không dùng được.

8. Đơn thuốc

Sổ mũi, đau họng: Rễ Chân chim 15g, Cúc hoa vàng (toàn cây) 35g sắc uống.

Phong thấp đau nhức xương: Vỏ rễ Chân chim 180g ngâm trong 500ml rượu, hàngngày uống 2 lần, mỗi lần 40ml.

Giải độc lá ngón, say sắn: Vỏ Chân chim giã nát, sắc nước uống.

Bệnh cước khí, chân sưng đau: Chân chim, Lõi thông, Hạt cau, Hương phụ, Tử tô, Chỉ xác, Ké đầu ngựa, mỗi vị 8 - 16g sắc uống (Nam dược thần hiệu).

Trên đây là một số thông tin về cây Chân chim mà eLib.VN đã tổng hợp, bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn khi dùng, bạn đọc nên tham khảo và thực hiện theo hướng dẫn của lương y. eLib.VN không khuyến khích tự chẩn đoán bệnh hay thực hiện các phương pháp điều trị tại nhà.

Ngày:18/10/2020 Chia sẻ bởi:Denni Trần

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM