Cam núi - Trừ phong thấp, giảm đau
Cam núi là cây nhỡ hay cây gỗ nhỏ, thường mọc ở rừng thưa, ở bờ đường, ở dốc núi, hẽm núi từ Lào Cai, Ninh Bình tới Quảng Trị, đến cực Nam Trung Bộ, dùng trị lỵ, bệnh đau bụng, khó tiêu hóa, thấp khớp, đòn ngã tổn thương, đau dạ dày,... Để biết thêm công dụng trong y học của cây Cam núi mời bạn đọc cùng eLib.VN tham khảo bài viết dưới đây.
Mục lục nội dung
Cam núi, Dây nhiên, Dây cám, Lang cây - Toddalia asiatica (L.) Lam (T. aculeata Pers.), thuộc họ Cam - Rutaceae.
1. Mô tả
Cây nhỡ hay cây gỗ nhỏ, có cành non bò dài có thể tới 5 - 10m; cuống lá và gân các lá có gai nhiều và cong ở đầu. Lá mọc so le, có cuống, có 3 lá chét có điểm tuyến, có gân giữa rất rõ. Hoa khác gốc, nhiều, nhỏ, màu trắng, thành chùm đơn ở nách các lá, dài 3 - 4cm. Quả dạng quả mọng, hình cầu cỡ 1cm, có u nẫn, màu vàng cam, dẹp, có 5 ô chứa mỗi ô 1 hạt hình thận, có vỏ dày, dài, màu nâu sẫm hay đen đen, có mùi Chanh, có vị cay thơm.
2. Bộ phận dùng
Rễ - Radix Toddaliae Asiaticae, chủ yếu là dùng vỏ rễ. Người ta cũng dùng lá, quả và cả thân cây.
3. Nơi sống và thu hái
Cây của Á - Phi châu nhiệt đới, phân bố ở Ân Độ, Nam Trung Quốc, Madagascar, đảo Remion, Maurice, Thái Lan và các nước Đông Dương. Thường mọc ở rừng thưa, ở bờ đường, ở dốc núi, hẽm núi từ Lào Cai, Ninh Bình tới Quảng Trị, đến cực Nam Trung Bộ. Thu hái rễ quanh năm, rửa sạch rồi phơi hay sấy khô. Rễ rất dài, có đường kính 3 - 4cm, với lớp vỏ dày 2mm, lớp ngoài xốp như bần mềm, màu vàng sẫm, nhân dọc, lớp giữa mỏng màu vàng và một lớp vỏ có màu nâu và libe. Thu hái lá vào mùa hè thu.
4. Thành phần hóa học
Rễ chứa tinh dầu gồm một hỗn hợp ether methylic, acid benzoic, eugenol và citronellol và một chất nhựa trắng và se. Từ vỏ rễ đã tách được 2 alcaloid là chelerythrin (toddalin) và dihydrochelerythrin (toddalinin), một lacton, một nhựa, một dầu cố định và một glucosid là dio smin. Lá chứa một alcaloid có tác dụng đối với tim như kiểu pyridin và các hợp chất quinolinic.
5. Tính vị, tác dụng
Vỏ rễ có vị cay ngọt và rất đắng, mùi thơm, tính hơi nóng, có tác dụng trừ phong thấp, cầm máu, giảm đau, dãn gân. Người ta biết là chất nhựa đắng trong rễ có tính gây sẩy thai. Alcaloid toddalin không làm hạ nhiệt mà kích thích các màng nhầy và các mô dưới da. Với liều thấp, nó nâng cao áp huyết. Nó kích thích các cơ tròn của họng, của các mạch máu, của ruột và bàng quang; nó tăng độ dịu của các cơ thắt, và cũng làm tăng nước bọt.
6. Công dụng, chỉ định và phối hợp
Từ lâu, rễ Cam núi đã được sử dụng ở Ấn Độ như thuốc trị lỵ, điều kinh và dùng trong sự suy yếu do thể trạng và dưỡng sức sau cơn sốt. Lá được dùng chữa bệnh đau bụng. Quả cũng cay như hồ tiêu, nên cũng dùng làm gia vị. Ở Đảo Rêunion, người ta dùng thân cây làm thuốc giải nhiệt. Ở Đông Phi Châu, quả được dùng trị ho và rễ dùng trong các trường hợp khó tiêu hoá. Ở nước ta, người ta dùng quả để ăn, khá ngon khi thật chín và lá cũng dùng ăn được vào sáng sớm lúc đói, để trị bệnh về phổi.
Ở Trung Quốc, người ta sử dụng để trị: 1. Thấp khớp, đòn ngã tổn thương; 2. Đau dạ dày, đau nhức xương, đau khớp xương; 3. Kinh nguyệt không đều, thống kinh, vô kinh; 4. Nôn ra máu, chảy máu cam, chảy máu tử cung. Dùng vỏ rễ 10 - 15g, dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu. Không dùng cho người có thai. Dùng ngoài để bó gãy xương và chữa vết thương chảy máu.
Giã vỏ rễ tươi hoặc nghiền bột đắp ngoài.
Lá dùng ngoài trị mụn nhọt và bệnh viêm mủ da, vết rắn cắn; nhai và đắp. Quả có độc và gây choáng váng nếu ăn quá nhiều.
7. Đơn thuốc
Vô kinh, đau dạ dày, dùng vỏ rễ Cam núi 10 - 15g sắc uống.
Trên đây là một số thông tin về cây Cam núi mà eLib.VN đã tổng hợp, bài viết chỉ mang tính tham khảo. eLib.VN không khuyến khích bạn đọc tự chẩn đoán bệnh hay thực hiện các phương pháp điều trị tại nhà.