Bời lời nhớt - Tác dụng tiêu viêm
Cây Bời lời nhớt Litsea glutinosa thuộc họ Lauraceae, thường mọc ở những khu rừng thứ cấp, độ cao thấp và trung bình, ở Phi luật Tân. Mời bạn cùng eLib.VN tham khảo bài viết dưới đây để biết thông tin về dược liệu bời lời nhớt nhé!
Mục lục nội dung
Bời lời nhớt, Bời lời dầu - Litsea glutinosa (Lour.) C.B. Rob. thuộc họ Long não - Lauraceae.
1. Mô tả
Cây nhỡ thường xanh hay cây gỗ cao 3 - 15m; cành non có góc, có lông;
Cành già hình trụ nhẵn. Lá mọc so le, thường tụ họp ở đầu cành, hơi dai, màu lục sẫm, mặt trên sáng bóng, mặt dưới có lông nhiều hay ít; phiến lá hình bầu dục hoặc thuôn, tròn hay nhọn ở gốc, có mũi nhọn hay tù ở đầu. Hoa xếp 3 - 6 cái thành tán trên một cuống hoa chung ở nách lá.
Quả mọng hình cầu, màu đen, to bằng hạt đậu dính trên những cuống quả phồng lên.
Ra hoa tháng 5 - 7.
2. Bộ phận dùng
Rễ, vỏ lá - Radix, Cortex et Folium Litseae Glutinosae.
3. Nơi sống và thu hái
Loài của Ân Độ, Trung Quốc, Philippin, Việt Nam. Ở nước ta, cây mọc ở bờ rào, rừng còi, khắp nơi từ Lạng Sơn đến An Giang.
Có thể thu hái vỏ cây và lá quanh năm nhất là vào mùa hè - thu. Rễ đào về, rửa sạch, thái nhỏ rồi phơi khô; vỏ cây và lá thường dùng tươi.
4. Thành phần hoá học
Tất cả các bộ phận của cây đều chứa một chất nhầy.
5. Tính vị, tác dụng
Bời lời có vị ngọt, đắng, se, tính mát; có tác dụng tiêu viêm, chống sưng, cầm máu, giảm đau.
6. Công dụng
Rễ dùng trị: 1. ỉa chảy, viêm ruột; 2. Viêm tuyến mang tai, nhọt ở da đầu; 3. Chấn thương bầm giập; 4. Đái tháo đường. Liều dùng rễ 15 - 30g, dạng thuốc sắc. Vỏ và lá dùng giã nát đắp trị viêm tuyến mang tai, đinh nhọt, viêm mủ da, viêm vú, ngoại thương và vết thương chảy máu. Vỏ cũng có thể dùng như rễ để chữa lỵ, đi tả và dùng ngoài chữa sưng vú, sưng bắp chuối.
Trên đây là hình ảnh, đặc điểm tự nhiên và công dụng làm thuốc của cây bời lời nhớt mà eLib.VN đã tổng hợp được. Ngoài ra, để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn khi dùng, nên tham khảo và thực hiện bài thuốc theo hướng dẫn của lương y.