Sinh học 8 Bài 4: Mô

Trong bài học này các em được biết kiến thức về mô như: khái niệm mô, các loại mô, đặc điểm và vai trò của mỗi loại. Nhận biết được các loại mô thông qua hình vẽ. Nội dung chi tiết tham khảo tại đây!

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Khái niệm mô

- Trong quá trình phát triển phôi, các phôi bào có sự phân hóa để tạo thành các cơ quan khác nhau thực hiện những chức năng khác nhau nên tế bào có cấu trúc và hình dạng khác nhau. - Một tập hợp các tế bào chuyên hóa, có cấu tạo giống nhau, đảm nhân chức năng nhất định gọi là mô.

- Hay nói cách khác: Mô là một tập hợp gồm các tế bào chuyên hóa có cấu tạo giống nhau, đảm nhận chức năng nhất định.

- Ví dụ: Mô biểu bì, mô liên kết …

Các loại mô

1.2. Các loại mô

Cơ thể người và động vật gồm bốn loại mô chính: Mô biểu bì, mô liên kết, mô cơ và mô thần kinh.

a. Mô biểu bì

- Gồm các tế bào xếp sít nhau, phủ ngoài cơ thể, lót trong các cơ quan rỗng như ống tiêu hóa, dạ con, bóng đái... có chức năng bảo vệ, hấp thụ và tiết.

- Có hai loại mô biểu bì:

  • Biểu bì bao phủ: thường có một hay nhiều lớp tế bào có hình dáng giống nhau hoặc khác nhau. Nó thường ở bề mặt ngoài cơ thể (da) hay lót bên trong các cơ quan rỗng như ruột, bóng đái, thực quản, khí quản, miệng.
  • Biểu bì tuyến: nằm trong các tuyến đơn bào hoặc đa bào. Chúng có chức năng tiết các chất cần thiết cho cơ thể (tuyến nội tiết, tuyến ngoại tiết) hay bài tiết ra khỏi cơ thể những chất không cần thiết (tuyến mồ hôi).

Cấu tạo mô biểu bì

b. Mô liên kết

- Thành phần chủ yếu của mô liên kết là chất phi bào, trong đó có các tế bào nằm rải rác.

- Có hai loại mô liên kết:

+ Mô liên kết dinh dưỡng: máu, bạch huyết có chức năng vận chuyển các chất dinh dưỡng nuôi cơ thể.

+ Mô liên kết đệm cơ học: mô sợi, mô sụn, mô xương.

  • Mô sợi có ở hầu hết các cơ quan, có chức năng làm đệm cơ học, đồng thời cũng dẫn các chất dinh dưỡng (mô mỡ, dây chằng, gân cũng là loại mô sợi đã được biến đổi).
  • Mô sụn thường nằm ở các đầu xương, có cấu tạo đặc biệt, yếu tố phi bào rất phát triển.
  • Mô xương gồm có hai loại: mô xương xốp và mô xương cứng.

Cấu tạo mô liên kết

c. Mô cơ

- Là thành phần của hệ vận động, có chức năng co giãn.

- Có ba loại mô cơ: mô cơ vân, mô cơ trơn, mô cơ tim.

  • Mô cơ vân là phần chủ yếu của cơ thể, màu hồng, gồm nhiều sợi cơ có vân ngang xếp thành từng bó trong bắp cơ (bắp cơ thường bám vào hai đầu xương, dưới sự kích thích của hệ thần kinh, các sợi cơ co lại và phình to ra làm cho cơ thể cử động).
  • Mô cơ trơn là những tế bào hình sợi, thuôn, nhọn hai đầu. Trong tế bào cơ trơn có chất tế bào, một nhân hình que và nhiều tơ cơ xếp dọc theo chiều dài tế bào, có màu nhạt, co rút chậm hơn cơ vân. Cơ trơn cấu tạo nên thành mạch máu, các nội quan, cử động ngoài ý muốn của con người.
  • Mô cơ tim chỉ phân bố ở tim, có cấu tạo giống như cơ vân, nhưng tham gia vào cấu tạo và hoạt động co bóp của tim nên hoạt động giống như cơ trơn, ngoài ý muốn của con người.

Cấu tạo mô cơ

d. Mô thần kinh

Gồm các tế bào thần kinh gọi là nơron và các tế bào thần kinh đệm có chức năng tiếp nhận kích thích, xử lý thông tin và điều kiển sự hoạt động các cơ quan và trả lời kích thích của môi trường.

Cấu tạo mô thần kinh

2. Bài tập minh họa

Câu 1: Em hãy xác định trên chiếc chân giò lợn có những loại mô nào?

Hướng dẫn giải

Chân giò lợn gồm:

- Mô biểu bì (da)

- Mô liên kết: mô sụn, mô xương, mô mỡ, mô sợi, mô máu 

- Mô cơ vân 

- Mô thần kinh

Câu 2: Máu thuộc loại mô gì? Vì sao máu được xếp vào loại mô đó? 

Hướng dẫn giải

- Máu được xếp vào mô liên kết (thuộc loại mô liên kết lỏng) vì máu gồm huyết tương là dịch lỏng và các tế bào máu.

- Huyết tương của máu là chất nền (chất gian bào). Các tế bào máu được tạo ra từ các tế bào gốc trong tuỷ xương. 

Câu 3: Hệ cơ ở người được phân chia thành mấy loại mô?

Hướng dẫn giải

Cơ thể người và động vật gồm 4 loại mô chính: mô biểu bì, mô liên kết, mô thần kinh, mô cơ.

Câu 4: Tế bào cơ trơn và tế bào cơ tim giống nhau ở đặc điểm nào sau đây?

Hướng dẫn giải

- Tế bào cơ trơn và tế bào cơ vân đều thuộc mô cơ.

- Mô cơ là thành phần của hệ vận động, có chức năng co giãn, tạo nên sự vận động, tạo nhiệt cho cơ thể.

Câu 5: Trong cơ thể người, loại mô nào có chức năng nâng đỡ và là cầu nối giữa các cơ quan?

Hướng dẫn giải

Mô liên kết phân bố rải rác khắp các bộ phận của cơ thể

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Phân biệt mô biểu bì và mô liên kết về vị trí của chúng trong cơ thể và sắp xếp tế bào trong hai loại mô đó?

Câu 2: Cơ vân, cơ trơn, cơ tim có gì khác nhau về đặc điểm cấu tạo, sự phân bố trong cơ thể và khả năng co giãn?

Câu 3: Ghép ý cột 1 với các ý cột 2 để được định nghĩa về các loại mô:

Cột 1

1. Cơ vân

2. Cơ trơn

3. Cơ tim 

Cột 2

A. Là loại cơ mà trong chất tế bào không có vân ngang.

B. Là cơ có vân ngang, tham gia cấu tạo cơ quan của hệ tuần hoàn.

C. Là loại cơ có nhiều tơ cơ dày và tơ cơ mảnh xếp xen kẽ nhau tạo thành vân ngang, có thể quan sát được dưới kính hiển vi. 

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Mô là gì?

A. Là tập hợp các cấu trúc có cùng chức năng.

B. Là tập hợp các cấu trúc trong tế bào có cấu tạo gần giống nhau.

C. Là tập hợp các tế bào chuyên hoá, có cấu tạo giống nhau và đảm nhận những chức năng nhất định.

D. Là tập hợp các tế bào có chức năng bảo vệ. 

Câu 2: Mô biếu bì gồm

A. Các cấu trúc có cùng chức năng.

B. Các cấu trúc trong tế bào có cấu tạo gần giống nhau.

C. Các tế bào chuyên hoá, có cấu tạo giống nhau và đảm nhận những chức năng nhất định.

D. Các tế bào xếp sít nhau có chức năng bảo vệ, hấp thụ và tiết. 

Câu 3: Mô liên kết gồm

A. Các tế bào liên kết rải rác trong chất nền, có chức năng tạo ra bộ khung cơ thể, neo giữ các cơ quan.

B. Các cấu trúc trong tế bào có cấu tạo gần giống nhau.

C. Các tế bào chuyên hoá, có cấu tạo giống nhau và đảm nhận những chức năng nhất định.

D. Các tế bào xếp sít nhau có chức năng bảo vệ, hấp thụ và tiết. 

Câu 4: Mô cơ gồm

A. Các mô cơ vân.

B. Các mô cơ trơn.

C. Các mô cơ tim.

D. Cả A, B và C. 

Câu 5: Mô thần kinh gồm

A. Các cấu trúc có cùng chức năng.

B. Các tế bào thần kinh gọi là nơron và các tế bào thần kinh đệm.

C. Các tế bào chuyên hoá, có cấu tạo giống nhau và đảm nhận những chức năng nhất định.

D. Các tế bào xếp sít nhau có chức năng bảo vệ, hấp thụ và tiết. 

4. Kết luận

Sau khi học xong bài này các em cần:

- Trình bày được khái niệm mô.

- Phân biệt được các loại mô chính và chức năng của các loại mô.

Ngày:15/07/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM