Công nghệ 10 Bài 18: Thực hành: Pha chế dung dịch Boóc đô phòng trừ sâu hại

Dung dịch Boóc-đô được sử dụng rộng rãi trong việc bảo vệ thực vật để phòng trừ các bệnh có nguồn gốc từ nấm và vi khuẩn. Vậy phải pha chế để sử dụng như thế nào là đúng cách? Mời các bạn cùng theo dõi nội dung Bài 18: Thực hành pha chế dung dịch Boóc đô phòng, trừ nấm hại để hiểu rõ hơn về qui trình pha chế.

1. Tóm tắt lí thuyết

Giới thiệu thuốc Boóc đô

- Thuốc điều chế từ hỗn hợp dung dịch đồng sunfat với vôi, được Milađê (P.M.A. Millardet; 1838 - 1902) phát minh năm 1885 ở vùng Boocđô (Bordeaux; Pháp) để trừ bệnh hại nho do nấm mốc sương gây ra.
- Tên thông dụng: phèn xanh vô.
- Là hoạt chất hydroxit đồng.
- Là loại thuốc trừ nấm gốc vô cơ, có tác dụng tiếp xúc.
- Nước thuốc có màu lam nhạt, không mùi. Sử dụng để phòng trừ nhiều loại bệnh ở cây trồng do nấm và vi khuẩn.
- Ít độc đối với người, gia súc và gia cầm, không độc đối với ong mật, độc đối với cá.

2. Quy trình thực hành

a. Chuẩn bị thí nghiệm

  • Đồng sunfat CuSO4.5H2O.
  • Vôi tôi.
  • Que tre hoặc que gỗ để khuấy dung dịch.
  • Cốc chia độ hoặc ống hình trụ dung tích 1000ml.
  • Chậu men hoặc chậu nhựa.
  • Cân kỹ thuật.
  • Nước sạch.
  • Giấy quỳ, thanh sắt (chiếc đinh) được mài sạch.

b. Các bước tiến hành

Bước 1: Cân 10 gam đồng sunfat, 15 gam vôi tôi.

Hình 1. Cân 10 gam đồng sunfat, 15 gam vôi tôi

Bước 2: Hoà 15 gam vôi tôi với 200ml nước, chắt bỏ sạn sau đó đổ vào chậu.

Hình 2. Hoà 15 gam vôi tôi với 200ml nước, chắt bỏ sạn sau đó đổ vào chậu

Bước 3: Hòa 10g đồng sunfat trong 800ml nước.

Hình 3. Hòa 10g đồng sunfat trong 800ml nước

Bước 4: Đổ từ từ dung dịch đồng sunfat vào dung dịch vôi (bắt buộc phải theo trình tự này), vừa đổ vừa khuấy đều.

Hình 4. Đổ từ từ dung dịch đồng sunfat vào dung dịch vôi vừa đổ vừa khuấy đều

Bước 5: Kiểm tra chất lượng sản phẩm.

- Dùng giấy quỳ để thử pH và dùng thanh sắt để kiểm tra lượng đồng, quan sát màu sắc dung dịch.
- Sản phẩm thu được phải có màu xanh nước biển và có phản ứng (pH) kiềm.
- Dung dịch thu được là dung dịch Boóc đô 1% dùng để phòng, trừ nấm.

Hình 5. Kiểm tra chất lượng sản phẩm

Giới thiệu một số kết quả khi làm sản phẩm pha chế thuốc boóc đô:

Hình 6. Một số kết quả khi làm sản phẩm pha chế thuốc boóc đô

Hình 7. Màu nước đạt tiêu chuẩn

Một số lưu ý:

- Cần dự trù lượng thuốc sử dụng vừa đủ trong ngày. Không nên pha chế quá nhiều, để qua ngày sau thuốc sẽ mất phẩm chất. Tốt nhất là dùng đến đâu pha thuốc đến đó.
- Không phun thuốc vào lúc trời mưa, nhiều sương, ẩm ướt, trời nắng gắt hoặc lúc cây đang ra hoa. Tốt nhất là phun vào buổi sáng và chiều khi trời đã dịu nắng.
- Không nên phun cho những cây mẫn cảm với thuốc…

Một số hình ảnh cây bệnh nấm cần sử dụng thuốc boóc đô:

Hình 8. Một số hình ảnh cây bệnh nấm cần sử dụng thuốc boóc đô

3. Báo cáo kết quả thực hành của các nhóm

Mẫu báo cáo

Họ và tên ………….
Lớp …………………

Bảng báo cáo kết quả thực hành

4. Kết luận

- Sau khi học xong bài này học sinh phải:

  • Trình bày được quy trình và pha chế được dung dịch Booc đô phòng trừ nấm hại.
  • Rèn luyện đức tính cẩn thận, tỉ mỉ, phương pháp làm việc khoa học đảm bảo vệ sinh môi trường.
  • Áp dụng được kiến thức, kỹ năng vào chăm sóc và bảo vệ cây trồng tại gia đình và địa phương.
Ngày:29/07/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM