Công nghệ 10 Bài 26: Sản xuất giống trong chăn nuôi và thủy sản
Qua nội dung Bài 26: Sản xuất giống trong chăn nuôi và thủy sản. Giúp các em tìm hiểu làm thế nào để số lượng đàn giống tăng lên nhanh chóng và phát triển vượt trội. Đáp án chính là nhờ vào các khâu kỹ thuật sản xuất con giống trong chăn nuôi gia súc và thủy sản.
Mục lục nội dung
1. Tóm tắt lý thuyết
1.1. Hệ thống nhân giống vật nuôi
a. Tổ chức các đàn giống trong hệ thống nhân giống.
- Dựa vào giá trị của các đàn giống, phân chia các đàn vật nuôi trong hệ thống nhân giống vật nuôi thành các đàn khác nhau theo giá trị của nó:
+ Đàn hạt nhân là đàn giống có phẩm chất cao nhất, được nuôi dưỡng trong điều kiện tốt nhất, chọn lọc khắt khe nhất và có tiến bộ di truyền lớn nhất. Số lượng vật nuôi trong đàn hạt nhân không nhiều.
+ Đàn nhân giống do đàn hạt nhân sinh ra để nhân giống đàn càng nhanh càng tốt. Đàn nhân giống có năng suất, mức độ nuôi dưỡng, chọn lọc và có tiến bộ di truyền thấp hơn đàn hạt nhân nhưng có số lượng vật nuôi nhiều hơn.
+ Đàn thương phẩm do đàn nhân giống sinh ra để sản xuất ra các con vật thương phẩm như: lợn để nuôi thịt, bò để nuôi thịt hoặc sữa,… Đàn thương phẩm có năng suất, mức độ nuôi dưỡng và chọn lọc thấp nhưng số lượng vật nuôi nhiều.
b. Đặc điểm hệ của hệ thống nhân giống hình tháp
- Chỉ trong trường hợp cả ba đàn giống là thuần chủng thì năng suất của chúng mới xếp theo thứ tự trên. Nếu các đàn nhân giống và thương phẩm là con lai thì năng suất của đàn nhân giống cao hơn đàn hạt nhân và đàn thương phẩm cao hơn đàn nhân giống do ưu thế lai
- Trong hệ thống nhân giống hình tháp, chỉ được phép đưa con giống từ đàn hạt nhân xuống đàn nhân giống và từ đàn nhân giống xuống đàn thương phẩm, không làm ngược lại.
1.2. Quy trình sản xuất con giống
a. Quy trình sản xuất gia súc giống
Bước 1: Chọn lọc và nuôi dưỡng gia súc bố mẹ
- Nuôi dưỡng gia súc bố mẹ phải: đầy đủ dinh dưỡng, cho vật nuôi vận động hợp lí, sử dụng con bố(phối giống) và con mẹ(sinh đẻ) hợp lí.
- Phải tạo môi trường sống thích hợp cho vật nuôi sinh sản.
Bước 2: Phối giống và nuôi dưỡng gia súc mang thai
- Mục đích:
- Duy trì sự sống bình thường và nuôi thai của con mẹ.
- Giúp con mẹ dự trữ năng lượng chuẩn bị tiết sữa.
- Nuôi dưỡng gia súc mang thai cần phải:
- Con đực và con cái phải phù hợp về thể trọng, phải thành thục sinh dục, con cái phải có biểu hiện động dục.
- Phải kiểm tra chất lượng tinh dịch trước khi đem phối.
- Thời gian và môi trường phối phải phù hợp với từng loại gia súc.
- Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng theo tiêu chuẩn khẩu phần ăn từng loại gia súc, chú ý vận động, vệ sinh sạch sẽ, dự kiến ngày đẻ để hỗ trợ lúc gia súc đẻ.
Bước 3: Nuôi dưỡng gia súc đẻ, nuôi con & gia súc non
- Trong khâu kỹ thuật này cần chú ý đến việc vệ sinh cho con mẹ sau khi sinh, nên vắt sữa đầu hoặc cho con non bú sữa đầu của mẹ, không nên để lãng phí sữa đầu.
- Sau khi đẻ nên cho con mẹ uống nước cháo ấm, có pha thêm muối…với gia súc mẹ nuôi con, phải chú ý đến dinh dưỡng và môi trường nuôi dưỡng con non.
- Với con non cần chú ý đến vệ sinh phòng bệnh và dinh dưỡng…
Bước 4: Cai sữa & chọn lọc để chuyển sang giai đoạn sau tùy mục đích
- Cai sữa để giúp con non tách khỏi sự phụ thuộc sự chăm sóc của mẹ, thích nghi nhanh với chế độ dinh dưỡng nuôi vỗ của con người phục vụ cho các mục đích chăn nuôi.
- Sau khi cai sữa cần chọn lọc những con non chất lượng tốt nhất để chuyển sang giai đoạn nuôi sau đó, tùy theo mục đích chăn nuôi, có thể nuôi lấy thịt, lấy sữa, hoặc làm giống…
- Tùy loài mà có thời gian cai sữa khác nhau.
+ Ví dụ: lợn cai sữa sau 42 – 60 ngày tuổi ; trâu bò cai sữa sau 3 – 4 tháng tuổi.
b. Quy trình sản xuất cá giống:
Bước 1: Chọn lọc và nuôi dưỡng cá bố mẹ.
- Cá bố mẹ phải chọn những con có ngoại hình đẹp, béo khỏe, khả năng sinh sản tốt, …
- Tùy theo loài mà có cách chọn lọc và nuôi dưỡng cá bố mẹ khác nhau.
- Sau khi chọn lọc thì nuôi vỗ từ tháng 10 theo 2 giai đoạn:
+ Giai đoạn vỗ thành thục: từ tháng 12 – 2 năm sau, chỉ nuôi ở mức bình thường .
+ Giai đoạn nuôi vỗ tích cực: từ tháng 10 – 12, cần cho cá ăn nhiều thức ăn chất lượng tốt, đến khi quan sát thấy cá cái có buồng trứng.
Bước 2: Cho cá đẻ (tự nhiên hoặc nhân tạo).
- Trước khi cho cá đẻ phải kiểm tra độ chín của trứng và chất lượng của tinh dịch, phải chuẩn bị ao đẻ cho cá phù hợp với từng loại cá…
+ Ví dụ : Ao đẻ của cá chép thì phải nhiều cây thủy sinh ao đẻ của rô phi thì phải có đáy bùn tốt để cá có thể đào lỗ đẻ.
Bước 3: Ấp trứng và ương cá bột, cá hương, cá giống.
- Trứng cá phải được ấp trong ao ương, ấp trứng phù hợp về diện tích và môi trường ấp của từng loài cá. Ao ấp trứng phải được diệt trùng, và có điều kiện nhiệt độ thích hợp.
+ Cá bột: là giai đoạn đầu tiên của cá từ lúc thoát khỏi vỏ trứng đến khi hết khối noãn hoàng, sống chủ yếu nhờ khối noãn hoàng, trôi nổi theo dòng nước, giai đoạn này cá chưa có cấu tạo hoàn chỉnh, chưa phân hóa rõ chức năng. Thời gian của giai đoạn này túy theo loài, khoảng 3-8 ngày.
+ Cá hương: là cá phát triển ở giai đoạn trung gian từ cá bột đến cá giống, cấu tạo chưa hoàn chỉnh, nhưng nếu quan sát thì cũng phân biệt được các loài. Cá hương đã biết tìm thức ăn, bơi chậm, trốn tránh kẻ thù kém.
+ Cá giống: có cấu tạo hình thái hoàn chỉnh, bơi nhanh, phản xạ kẻ thù nhanh. Cá giống thì người ta cũng chia thành các giai đoạn: giống cấp 1, 2, 3 có những đặc điểm khác nhau.
Bước 4: Chọn lọc và chuyển sang giai đoạn sau tùy mục đích.
- Chọn lọc những con giống chất lượng tốt để chuyển sang nuôi ở giai đoạn tiếp theo tùy theo mục đích.
2. Bài tập minh họa
Bài 1: Đặc điểm của đàn hạt nhân là (trường hợp cả 3 đàn đều thuần chủng):
A. Số lượng nhiều nhất.
B. Có tiến bộ di truyền cao hơn đàn nhân giống.
C. Số lượng nhiều hơn đàn thương phẩm.
D. Có năng suất thấp nhất.
Hướng dẫn giải:
- Đáp án: B. Có tiến bộ di truyền cao hơn đàn nhân giống
- Giải thích: Đặc điểm của đàn hạt nhân là: Có tiến bộ di truyền cao hơn đàn nhân giống. – SGK trang 77
Bài 2: Đặc điểm của đàn thương phẩm là (trường hợp cả 3 đàn đều thuần chủng):
A. Số lượng ít hơn đàn hạt nhân.
B. Có tiến bộ di truyền cao hơn đàn nhân giống.
C. Số lượng nhiều nhất.
D. Có năng suất cao nhất.
Hướng dẫn giải:
- Đáp án: C. Số lượng nhiều nhất.
- Giải thích: Đặc điểm của đàn thương phẩm là: Số lượng nhiều nhất. – SGK trang 77
Bài 3: Em hãy trình bày cách tổ chức hệ thống nhân giống vật nuôi.
Hướng dẫn giải:
- Hệ thống nhân giống vật nuôi được tổ chức như sau:
- Vật nuôi giống được phân thành các loại dựa trên giá trị của nó.
- Đàn hạt nhân là những vật nuôi giống tốt nhất, số lượng ít, được nuôi trong những điều kiện tốt nhất.
- Đàn nhân giống: Số lượng nhiều hơn đàn hạt nhân, nhưng phẩm chất kém đàn hạt nhân.
- Đàn thương phẩm: Số lượng nhiều nhất, mức độ chọn lọc thấp nhất.
- Cách tổ chức này được gọi là mô hình hệ thống nhân giống hình tháp.
3. Luyện tập
3.1. Bài tập tự luận
Câu 1: Trình bày các công đoạn của quy trình sản xuất gia súc giống.
Câu 2: Trình bày các công đoạn của quy trình sản xuất cá giống.
Câu 3: Trình bày đặc điểm hệ của hệ thống nhân giống hình tháp
3.2. Bài tập trắc nghiệm
Câu 1: Bước thứ 3 trong quy trình sản xuất cá giống là :
A. Chọn lọc và nuôi dưỡng cá bố mẹ.
B. Chọn cá đẻ (tự nhiên và nhân tạo)
C. Chọn lọc và chuyển sang nuôi giai đoạn sau
D. Ấp trứng và ương nuôi cá bột, cá hương, cá giống
Câu 2: Có bao nhiêu công đoạn trong quy trình sản xuất gia súc giống?
A. 2
B. 4
C. 3
D. 5
Câu 3: Điều kiện chọn lọc và nuôi dưỡng gia súc bố mẹ :
A. Đầy đủ dinh dưỡng
B. Cho vật nuôi vận động hợp lí
C. Sử dụng con bố(phối giống) và con mẹ(sinh đẻ) hợp lí
D. Tất cả đáp án trên
Câu 4: Dựa vào giá trị của các đàn giống, phân chia các đàn vật nuôi trong hệ thống nhân giống vật nuôi thành:
A. Đàn hạt nhân, đàn nhân giống, đàn thương phẩm.
B. Đàn hạt nhân, đàn thuần chủng, đàn thương phẩm.
C. Đàn hạt nhân, đàn nhân giống, đàn thuần chủng
D. Tất cả đều sai
Câu 5: Thời gian cai sữa của trâu, bò là:
A. 1 – 2 tháng tuổi
B. 3 – 4 tháng tuổi
C. 5 – 6 tháng tuổi
D. 9 – 10 tháng tuổi
3.3. Trắc nghiệm Online
Các em hãy luyện tập bài trắc nghiệm Sản xuất giống trong chăn nuôi và thủy sản Công nghệ 10 sau để nắm rõ thêm kiến thức bài học.
4. Kết luận
- Sau khi học xong bài này các em cần nắm vững các nội dung trọng tâm sau:
- Hiểu được cách tổ chức và đặc điểm của hệ thống nhân giống vật nuôi.
- Hiểu được quy trình sản xuất con giống trong chăn nuôi và thủy sản
Tham khảo thêm
- doc Công nghệ 10 Bài 22: Quy luật sinh trưởng phát dục của vật nuôi
- doc Công nghệ 10 Bài 23: Chọn giống vật nuôi
- doc Công nghệ 10 Bài 24: Thực hành: Quan sát, nhận dạng ngoại hình giống vật nuôi
- doc Công nghệ 10 Bài 25: Các phương pháp nhân giống vật nuôi và thủy sản
- doc Công nghệ 10 Bài 27: Ứng dụng tế bào trong công tác giống
- doc Công nghệ 10 Bài 28: Nhu cầu dinh dưỡng của vật nuôi
- doc Công nghệ 10 Bài 29: Sản xuất thức ăn cho vật nuôi
- doc Công nghệ 10 Bài 30: Thực hành: Phối hợp khẩu phần ăn cho vật nuôi
- doc Công nghệ 10 Bài 31: Sản xuất thức ăn nuôi thủy sản
- doc Công nghệ 10 Bài 32: Thực hành: Sản xuất thức ăn hỗn hợp nuôi cá
- doc Công nghệ 10 Bài 33: Ứng dụng công nghệ vi sinh để sản xuất thức ăn chăn nuôi
- doc Công nghệ 10 Bài 34: Tạo môi trường sống cho vật nuôi và thủy sản
- doc Công nghệ 10 Bài 35: Điều kiện phát sinh, phát triển bệnh ở vật nuôi
- doc Công nghệ 10 Bài 36: TH: Quan sát triệu chứng, bệnh tích của gà bị bệnh Niu cát xơn và cá trắm cỏ bị bệnh xuất huyết do virut
- doc Công nghệ 10 Bài 37: Một số vắc xin và thuốc thường dùng để phòng và chữa bệnh cho vật nuôi
- doc Công nghệ 10 Bài 38: Ứng dụng CNSH trong sản xuất vắc xin và thuốc kháng sinh
- doc Công nghệ 10 Bài 39: Ôn tập chương II