Công nghệ 10 Bài 23: Chọn giống vật nuôi

Qua nội dung Bài 23: Chọn giống vật nuôi dưới đây sẽ giúp các em biết được các chỉ tiêu cơ bản để đánh giá chọn lọc vật nuôi, tìm hiểu về một số phương pháp chọn lọc giống vật nuôi đang được sử dụng phổ biến ở nước ta hiện nay. Để biết rõ hơn về các điều kiện này , mời các em theo dõi bài học ! Chúc các em học tốt.

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Các chỉ tiêu cơ bản để đánh giá chọn lọc vật nuôi.

a. Ngoại hình thể chất

- Ngoại hình: Ngoại hình là hình dáng bên ngoài của con vật mang đặc điểm đặc trưng riêng của giống, qua đó thể hiện nhận định tình trạng sức khoẻ, cấu trúc hoạt động của các bộ phận bên trong cơ thể và dự đoán khả năng sản xuất của vật nuôi.

Ví dụ: 

- Thể chất là chất lượng bên trong cơ thể vật nuôi. Được hình thành bởi tính di truyền và điều kiện phát triển cá thể vật nuôi. Thể chất có liên quan đến sức sản xuất và khả năng thích nghi với điều kiện môi trường sống của con vật nuôi.

b. Khả năng sinh trưởng, phát dục

- Khả năng sinh trưởng vật nuôi thường được đánh giá dựa vào: Tốc độ tăng khối lượng cơ thể (tính bằng g/ngày hay kg/tháng) và mức tiêu tốn thức ăn (số kg thức ăn để tăng 1kg khối lượng cơ thể)

- Khả năng phát dục của vật nuôi được đánh giá bằng thời gian tính dục và thuần thục tính dục ở mỗi loài

- Khả năng sinh trưởng, phát dục là căn cứ quan trọng đánh giá chọn lọc. Con vật được chọn làm giống phải có khả năng sinh trưởng, phát dục tốt, lớn nhanh, mức tiêu tốn thức ăn thấp, cơ thể phát triển hoàn thiện, thành thục dục tính rõ, phù hợp độ tuổi từng giống.

c. Sức sản xuất

- Sức sản xuất là mức độ sản xuất ra sản phẩm của như : khả năng làm việc, khả năng sinh con, cho thịt, cho trứng, sữa,…

- Giống vật nuôi khác nhau có sức sản xuất khác nhau, tuy nhiên còn phụ thuộc vào chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng và đặc điểm cá thể.

1.2. Một số phương pháp chọn lọc giống vật nuôi

a. Chọn lọc hàng loạt

- Là phương pháp được áp dụng khi cần chọn lọc một số lượng nhiều vật nuôi một lúc hay trong thời gian ngắn, thường sử dụng chọn giống tiểu gia súc và gia cầm cái sinh sản.

- Trước khi chọn lọc, người ta đặt ra các chỉ tiêu cụ thể và các chỉ tiêu chọn lọc đối với con vật giống. Sau đó dựa vào các số liệu theo dõi được trên đàn vật nuôi để lựa chọn. Những cá thể đạt tiêu chuẩn giữ làm giống.

- Ưu điểm: Nhanh, đơn giản, dễ thực hiện, không tốn kém, có thể thực hiện ngay trong điều kiện sản xuất nhưng hiệu quả chọn lọc không cao.

b. Chọn lọc cá thể

- Là phương pháp chọn lọc được tiến hành tại các trung tâm giống để chọn lọc vật nuôi cần đạt yêu cầu cao về chất lượng giống (đực giống), quá trình chọn lọc gồm 3 bước:

- Chọn lọc tổ tiên là dựa vào lí lịch để xem xét các đời tổ tiên con vật tốt hay xấu và dự đoán các phẩm chất sẽ có được ở đời con. Cá thể nào có tổ tiên tốt về nhiều mặt là cá thể có triển vọng tốt.

- Chọn lọc bản thân là các con vật tham gia chọn lọc trong điều kiện tiêu chuẩn về chuồng trại, chăm sóc nuôi dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định tuỳ loại và được theo dõi chặt chẽ về các chỉ tiêu chọn lọc (kiểm tra năng suất cá thể), những cá thể có kết quả kiểm tra tốt sẽ được chọn làm giống.

- Kiểm tra đời sau

+ Xác định khả năng di truyền các tính trạng tốt của bản thân con vật cho đời sau. Khi đánh giá, người ta căn cứ vào phẩm chất của đời con để quyết định có tiếp tục sử dụng bố hoặc mẹ chúng làm giống hay không.

+ Hiệu quả chọn lọc cao nhưng cần nhiều thời gian, điều kiện cơ sở vật chất tốt, trình độ khoa học – kĩ thuật cao

2. Bài tập minh họa

Bài 1: Điền vào chỗ trống: Khả năng sinh sản và phát dục của vật nuôi là tốc độ tăng khối lượng cơ thể và .................. đồng thời có sự ................................ biểu hiện rõ sự phù hợp và độ tuổi từng giống.

Hướng dẫn giải:

Khả năng sinh sản và phát dục của vật nuôi là tốc độ tăng khối lượng cơ thể và mức độ tiêu tốn thức ăn đồng thời có sự sự thành thục tính dục biểu hiện rõ sự phù hợp và độ tuổi từng giống

Bài 2: Trình bày phương pháp chọn lọc cá thể và nêu ưu, nhược điểm của phương pháp này.

Hướng dẫn giải:

Phương pháp chọn lọc cá thể: Đầu tiên ta chọn những cá thể có tổ tiên tốt về nhiều mặt, những cá thể này sau đó được nuôi trong điều kiện tiêu chuẩn những cá thể nào có kết quả kiểm tra năng suất tốt sẽ được giữ lại làm giống. Cuối cùng người ta đánh giá khả năng di truyền các tính trạng tốt của con vật cho đời sau.

+ Ưu điểm: Cho giống khỏe mạnh, tốt, sạch bệnh. Hiệu quả chọn lọc rất cao.

+ Nhược điểm: Đòi hỏi nhiều thời gian, cơ sở vật chất và yêu cầu trình độ khoa học kĩ thuật phải cao

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Trình bày phương pháp chọn lọc cá thể và nêu ưu, nhược điểm của phương pháp này.

Câu 2: Trình bày phương pháp chọn lọc hàng loạt. Ứng dụng và ưu, nhược điểm của phương pháp này.

Câu 3: So sánh phương pháp chọn lọc cá thể và chọn lọc hàng loạt.

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Đặc điểm của chọn lọc hàng loạt là:

A. Nhanh gọn.

B. Tốn kém.

C. Khó thực hiện.

D. Sử dụng để chọn gia cầm đực sinh sản.

Câu 2: Các chỉ tiêu cơ bản để đánh giá chọn lọc vật nuôi là :

A. Ngoại hình thể chất, Khả năng sinh trưởng và phát dục, Chu kỳ động dục

B. Ngoại hình thể chất, Khả năng sinh trưởng và phát dục, Sức sản xuất

C. Ngoại hình thể chất, Chu kỳ động dục, Sức sản xuất

D. Tất cả đều sai

Câu 3: Mục tiêu của chọn lọc bản thân là:

A. Đánh giá ngoại hình, thể chất con vật.

B. Đánh giá nguồn gốc của con vật.

C. Đáp án A hoặc đáp án B

D. Đáp án A và đáp án B

Câu 4: Quá trình chọn lọc cá thể gồm ... bước.

A. 2

B. 3

C. 4

D. 5

Câu 5: Chọn phát biểu không đúng về thể chất của vật nuôi:

A. Thể chất được đánh giá dựa vào tốc độ tăng khối lượng cơ thể

B. Thể chất là chất lượng bên trong cơ thể vật nuôi

C. Thể chất có liên quan đến sức sản xuất và khả năng thích nghi với điều kiện môi trường sống của vật nuôi

D. Thể chất được hình thành bở tính di truyền và điều kiện phát triển cá thể của vật nuôi

3.3. Trắc nghiệm Online

Các em hãy luyện tập bài trắc nghiệm Chọn giống vật nuôi Công nghệ 10 sau để nắm rõ thêm kiến thức bài học.

Trắc Nghiệm

4. Kết luận

- Sau khi học xong bài này các em cần nắm vững các nội dung trọng tâm sau:

  • Biết được các chỉ tiêu cơ bản để đánh giá chọn lọc vật nuôi
  • Biết được một số phương pháp chọn lọc giống vật nuôi đang sử dụng phổ biến ở nước ta
  • Giúp học sinh nhận dạng được một số giống vật nuôi phổ biến trong nước và địa phương
Ngày:18/08/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM