Công nghệ 11 Bài 11: Bản vẽ xây dựng
Bản vẽ kĩ thuật có hai loại là bản vẽ xây dựng và bản vẽ cơ khí , đây là 2 loại bản vẽ quan trọng nhất. Chẳng hạn, để xây dựng được các công trình như nhà cao tầng, đường, ... thì không thể thiếu đi bản vẽ xây dựng , nó được coi là “Ngôn Ngữ” của giới kĩ thuật. Đó cũng chính là nội dung của bài học hôm nay, mời các em cùng tìm hiểu bài nhé Bài 11: Bản vẽ xây dựng
Mục lục nội dung
1. Tóm tắt lý thuyết
1.1. Khái niệm
- Bản vẽ xây dựng bao gồm các bản vẽ về các công trình xây dựng như: nhà cửa, cầu đường, bến cảng,… Trong bài trình bày bản vẽ công trình xây dựng hay gặp nhất, đó là bản vẽ nhà.
- Bản vẽ nhà thể hiện hình dạng, kích thước, cấu tạo của ngôi nhà. Người thi công căn cứ vào bản vẽ để xây dựng ngôi nhà.
- Trong hồ sơ ở giai đoạn thiết kế sơ bộ một ngôi nhà thường có bản vẽ các hình chiếu vuông góc và hình cắt của ngôi nhà. Có thể vẽ thêm hình chiếu phối cảnh hoặc hình chiếu trục đo bên ngoài và bên trong ngôi nhà.
1.2. Bản vẽ mặt bằng tổng thể
Bản vẽ mặt bằng tổng thể là bản vẽ hình chiếu bằng của công trình trên khu đất xây dựng. Trên bản vẽ mặt bằng tổng thể thể hiện vị trí các công trình với hệ thồng đường xá, cây xanh… hiện có hoặc dự định xây dựng và quy hoạch của khu đất.
- Để định hướng các công trình, trên mặt bằng tổng thể thường vẽ mũi tên chỉ hướng Bắc.
1.3. Các hình biểu diễn ngôi nhà
+ Các hình biểu diễn chính của một ngôi nhà gồm có: các mặt bằng, mặt đứng và mặt cắt
a. Mặt bằng
Là hình cắt bằng của ngôi nhà được cắt bởi một mặt phẳng nằm ngang đi qua cửa sổ. Mặt bằng thể hiện vị trí, kích thước của tường vách ngăn, cửa đi, cửa sổ, cầu thang, cách bố trí các phòng, các thiết bị, đồ đạc... Đây là hình biểu diễn quan trọng nhất của ngôi nhà. Nếu ngôi nhà có nhiều tầng thì phải có bản vẽ mặt bằng riêng cho từng tầng.
Hình 11.2c, d là mặt bằng tầng 1, 2 của ngôi nhà. Việc bố trí đồ đạc được thể hiện rõ trên mặt bằng. Hai mặt bằng được bố trí gần giống nhau. Chú ý sự phân biệt của hai tầng.
b. Mặt đứng
Là hình chiếu vuông góc của ngôi nhà lên một mặt phẳng thẳng đứng để thể hiện hình dáng, sự cân đối, vẻ đẹp bên ngoài của ngôi nhà. Mặt đứng có thể là mặt chính (hình chiếu đứng của ngôi nhà), có thể là mặt bên (hình chiếu cạnh ngôi nhà).
Hình 11.2a là mặt chính của ngôi nhà. Khi quan sát mặt đứng cần đối chiếu với các mặt bằng để hiểu rõ các bộ phận của ngôi nhà. Ở đây cần nhận ra vị trí ban công của tầng 2 trên mặt đứng.
c. Mặt cắt
Hình cắt tạo bởi mặt phẳng cắt song song với một mặt đứng của ngôi nhà. Hình cắt thể hiện kết cấu của các bộ phận ngôi nhà, kích thước các tầng nhà theo chiều cao, kích thước cửa đi, cửa sổ, kích thước cầu thang, tường,…
Mặt cắt A – A trên hình 11.2b nhận được bởi mặt phẳng thẳng đứng cắt qua cánh thang đầu tiên của cầu thang. Vị trí mặt phẳng cắt được đánh dấu bằng nét cắt có mũi tên chỉ hướng nhìn.
2. Bài tập minh họa
Bài 1: Bản vẽ nào là bản vẽ hình chiếu bằng của các công trình trên khu đất xây dựng?
A. Bản vẽ mặt đứng.
B. Bản vẽ mặt cắt.
C. Bản vẽ mặt bằng.
D. Bản vẽ mặt bằng tổng thể.
Hướng dẫn giải:
- Chọn đáp án D
- Bản vẽ mặt bằng tổng thể.
Bài 2: Bản vẽ nhà nào được thể hiện bằng hình cắt ?
A. Bản vẽ mặt bằng tổng thể.
B. Bản vẽ mặt cắt.
C. Bản vẽ mặt bằng.
D. Bản vẽ mặt đứng.
Hướng dẫn giải:
- Chọn đáp án B
- Bản vẽ mặt cắt.
Bài 3: Hình biểu diễn quan trọng nhất của ngôi nhà là hình nào ?
A. Mặt đứng.
B. Mặt bằng.
C. Mặt cắt.
D. Mặt bằng tổng thể.
Hướng dẫn giải:
- Chọn đáp án B
- Mặt bằng.
3. Luyện tập
3.1. Bài tập tự luận
Câu 1: Hãy nêu các loại hình biểu diễn cần thiết khi thiết kế sơ bộ một ngôi nhà
Câu 2: Bản vẽ mặt bằng tổng thể là gì?
Câu 3: Các đặc điểm cơ bản của từng loại hình biểu diễn dùng trong bản vẽ nhà là gì?
3.2. Bài tập trắc nghiệm
Câu 1: Bản vẽ nhà là bản vẽ thể hiện:
A. Hình dạng ngôi nhà
B. Kích thước ngôi nhà
C. Cấu tạo ngôi nhà
D. Cả 3 đáp án trên
Câu 2: Hồ sơ giai đoạn thiết kế sơ bộ ngôi nhà có:
A. Bản vẽ hình chiếu vuông góc ngôi nhà
B. Bản vẽ mặt cắt ngôi nhà
C. Hình chiếu phối cảnh hoặc hình chiếu trục đo ngôi nhà
D. Cả 3 đáp án trên
Câu 3: Hình biểu diễn chính của ngôi nhà là:
A. Mặt bằng
B. Mặt đứng
C. Hình cắt
D. Cả 3 đáp án trên
Câu 4: Chọn phát biểu sai:
A. Bản vẽ xây dựng gồm bản vẽ công trình xây dựng như nhà cửa, cầu đường, bến cảng,...
B. Bản vẽ xây dựng chỉ có bản vẽ nhà
C. Bản vẽ nhà thể hiện hình dạng, kích thước, cấu tạo ngôi nhà
D. Bản vẽ nhà là bản vẽ xây dựng hay gặp nhất
Câu 5: Điền vào chỗ trống: Bản vẽ mặt bằng tổng thể là bản vẽ ..... của các công trình trên khu đất xây dựng
A. Hình chiếu bằng
B. Hình chiếu đứng
C. Hình chiếu cạnh
D. Hình chiếu trục đo
3.3. Trắc nghiệm Online
Các em hãy luyện tập bài trắc nghiệm Bản vẽ xây dựng Công nghệ 11 sau để nắm rõ thêm kiến thức bài học.
4. Kết luận
- Sau khi học xong bài này các em cần nắm vững các nội dung trọng tâm sau:
- Biết khái quát về các bản vẽ xây dựng.
- Biết các loại hình biểu diễn đơn giản trong bản vẽ nhà.
Tham khảo thêm
- doc Công nghệ 11 Bài 8: Thiết kế và bản vẽ kĩ thuật
- doc Công nghệ 11 Bài 9: Bản vẽ cơ khí
- doc Công nghệ 11 Bài 10: Thực hành: Lập bản vẽ chi tiết của sản phẩm cơ khí đơn giản
- doc Công nghệ 11 Bài 12: Thực hành: Bản vẽ xây dựng
- doc Công nghệ 11 Bài 13: Lập bản vẽ kĩ thuật bằng máy tính
- doc Công nghệ 11 Bài 14: Ôn tập phần vẽ kĩ thuật