Hội chứng nhiễm trùng vết mổ - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Theo thống kê, tỷ lệ nhiễm trùng vết thương sau phẫu thuật chiếm khoảng 17% các ca nhiễm trùng nhập viện. Vậy triệu chứng này có nguy hiểm không? Cách chẩn đoán và điều trị nào là hiệu quả? Tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn nhé!

Hội chứng nhiễm trùng vết mổ - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Định nghĩa

Tình trạng nhiễm trùng vết mổ là gì?

Thuật ngữ nhiễm trùng vết mổ đề cập đến vấn đề nhiễm khuẩn ở vết thương phẫu thuật, tính từ lúc tiến hành cho đến:

  • 1 tháng sau đó đối với phẫu thuật thông thường;
  • 1 năm sau đó đối với phẫu thuật cấy ghép nội tạng hoặc bất kỳ bộ phận nhân tạo nào khác.

Theo thống kê, tỷ lệ nhiễm trùng vết thương sau phẫu thuật chiếm khoảng 17% các ca nhiễm trùng nhập viện. Hiện nay, bác sĩ cũng phân loại tình trạng này thành ba nhóm khác nhau gồm:

  • Nhiễm trùng vết mổ nông: liên quan đến da và các bộ phận ngay bên dưới da ;
  • Nhiễm trùng vết mổ sâu: vi khuẩn từ vết mổ tấn công sâu vào lớp mô mềm (cân cơ);
  • Nhiễm trùng tại cơ quan hoặc khoang phẫu thuật.

2. Dấu hiệu và triệu chứng

Những triệu chứng và dấu hiệu nhiễm trùng vết mổ là gì?

Nhìn chung, các dấu hiệu nhiễm trùng vết mổ thường thấy gồm:

  • Chảy mủ từ vết thương;
  • Đau khi chạm vào vết thương;
  • Vết thương sưng, tấy và nóng.

Bên cạnh đó, mỗi loại nhiễm trùng vết thương phẫu thuật cũng sẽ có những triệu chứng đặc trưng riêng, chẳng hạn như:

  • Nhiễm trùng vết mổ nông: triệu chứng thường chỉ xuất hiện ở vùng da hoặc dưới da ngay tại vị trí phẫu thuật;
  • Nhiễm trùng sâu: tụ dịch ở vị trí phẫu thuật, hở miệng vết thương, có triệu chứng áp xe tại đây (đau nhức dữ dội, phù nề…), sốt trên 38°C ;
  • Nhiễm trùng tại cơ quan hoặc khoang phẫu thuật: chảy mủ từ dẫn lưu đặt trong cơ quan hoặc khoang nội tạng, áp xe hoặc dấu hiệu nhiễm trùng vết mổ sâu.

Ngoài ra, bạn cũng có thể có các triệu chứng hoặc biểu hiện khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu của vấn đề sức khỏe này, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu đang hồi sức sau phẫu thuật tại bệnh viện, bạn cần thông báo cho bác sĩ ngay khi phát hiện mình có các triệu chứng trên. Trong trường hợp đã về nhà, bạn cần đi khám ngay để bác sĩ có thể xử lý nhiễm trùng càng sớm càng tốt. Tình trạng bệnh lý khác nhau tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.

3. Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ra nhiễm trùng vết thương vết mổ là gì?

Một số chuyên gia cho rằng nguyên nhân gây nhiễm khuẩn vết thương phẫu thuật có thể bắt nguồn từ những yếu tố dưới đây, bao gồm:

  • Loại hình phẫu thuật;
  • Vị trí vết mổ;
  • Thời gian tiến hành phẫu thuật ;
  • Kỹ thuật của bác sĩ thực hiện;
  • Khả năng hoạt động của hệ miễn dịch.

Trong trường hợp bạn phẫu thuật ở vùng xương chậu, ruột, hệ sinh dục và hệ tiết niệu, nhiễm trùng vết thương sẽ xảy ra nếu bạn đang hoặc có bệnh sử nhiễm khuẩn đường ruột như coliform và khuẩn kị khí. Ngoài ra, vi khuẩn thường được tìm thấy trên da như Staphylococci và Streptococci là nguyên nhân phổ biến gây ra nhiễm trùng vết thương hậu phẫu.

4. Nguy cơ mắc bệnh

Những ai thường bị nhiễm trùng vết mổ (nhiễm trùng vết thương)?

Tình trạng vết mổ bị nhiễm trùng xảy ra từ 2 – 3% ở những bệnh nhân đã từng phẫu thuật và khó phục hồi. Ngoài ra, mẹ bầu cũng rất dễ bị nhiễm trùng vết mổ sau sinh.

Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc nhiễm trùng vết thương vết mổ?

Một số yếu tố làm tăng rủi ro nhiễm trùng vết thương phẫu thuật phổ biến có thể kể đến như:

  • Phẫu thuật ở khu vực từng chịu thương tổn hoặc đã phẫu thuật trước đó;
  • Các loại phẫu thuật cấy ghép như ghép xương chậu, thay khớp gối, đặt van tim nhân tạo hoặc chữa suy hô hấp…;
  • Người làm phẫu thuật lớn tuổi hoặc có bệnh nền (đái tháo đường, béo phì, suy dinh dưỡng…);
  • Hút thuốc lá trước khi phẫu thuật.

Không có các yếu tố nguy cơ bệnh không có nghĩa là bạn không thể mắc bệnh. Những dấu hiệu trên chỉ mang tính tham khảo. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết thêm chi tiết.

5. Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Nhiễm khuẩn vết thương phẫu thuật có nguy hiểm không?

Vết mổ bị nhiễm trùng là biến chứng hậu phẫu nguy hiểm nhất của thủ thuật điều trị này. Tùy theo loại phẫu thuật bạn thực hiện mà tỷ lệ nhiễm khuẩn có thể thay đổi từ 2 – 15%. Vấn đề này có thể dẫn đến nhiều hệ lụy phát sinh kèm theo, bao gồm:

  • Kéo dài thời gian nằm viện (có thể lên đến 30 ngày hoặc hơn);
  • Tăng chi phí điều trị;
  • Tăng rủi ro tử vong.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán nhiễm trùng vết mổ (nhiễm trùng vết thương)?

Trước tiên, bác sĩ sẽ kiểm tra các dấu hiệu bất thường ở vị trí vết thương phẫu thuật. Sau đó, để xác nhận chẩn đoán nhiễm trùng, họ sẽ tiến hành phân lập vi sinh vật qua cấy vô khuẩn mô hoặc dịch mủ tiết ra từ vết thương. Đôi khi, các chuyên gia cũng có thể chỉ định bạn thực hiện một số xét nghiệm chuyên sâu khác nếu cần thiết.

Những phương pháp nào dùng để điều trị nhiễm trùng vết mổ (nhiễm trùng vết thương)?

Việc đầu tiên cần làm khi vết mổ bị nhiễm trùng là làm sạch vết thương và thay băng gạc thường xuyên nhằm hạn chế tình trạng nhiễm khuẩn tiến triển nghiêm trọng hơn. Đồng thời, bạn cũng sẽ được kê toa thuốc kháng sinh để điều trị tận gốc vấn đề này. Tùy vào tác nhân đứng sau và mức độ nhiễm khuẩn mà mỗi người sẽ nhận được toa thuốc khác nhau. Ngoài ra, việc điều trị có thể kéo dài nếu người bệnh có những dấu hiệu cho thấy vùng nhiễm trùng tiếp tục lấn sâu vào trong và gây sốt.

Mặt khác, không ít trường hợp người bị nhiễm khuẩn vết mổ cần phẫu thuật lần hai để điều trị nhiễm trùng, dẫn lưu dịch mủ trong cơ quan hoặc khoang phẫu thuật hoặc nghiêm trọng hơn là thay thế những bộ phận nhân tạo đã được ghép vào.

6. Lối sống và thói quen sinh hoạt

Những thói quen sinh hoạt nào giúp phòng ngừa tình trạng vết mổ bị nhiễm trùng?

Những thói quen sinh hoạt dưới đây có thể giúp hạn chế rủi ro nhiễm trùng vết thương sau khi phẫu thuật:

  • Đảm bảo tuân theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc chăm sóc vết thương sau khi mổ;
  • Rửa tay sạch sẽ trước khi vệ sinh vết mổ và thay băng gạc;
  • Sử dụng đầy đủ các loại thuốc kháng sinh được chỉ định;
  • Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe;
  • Không hút thuốc lá.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh Nhiễm trùng vết mổ, eLib.VN khuyến khích các bạn nên đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị nếu có các triệu chứng và dấu hiệu như trên.

Ngày:30/09/2020 Chia sẻ bởi:Chương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM