Hội chứng loạn dưỡng móng - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Loạn dưỡng móng mô tả những biến dạng bất thường xảy ra trong quá trình hình thành móng, thường do nhiễm nấm, chấn thương hay bệnh da liễu. Nếu muốn tìm hiểu rõ hơn về bệnh lý này để biết cách điều trị triệu chứng hiệu quả và phòng ngừa tái phát, mời bạn theo dõi tiếp bài viết sau đây.

Hội chứng loạn dưỡng móng - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Loạn dưỡng móng là gì?

Loạn dưỡng móng (nail dystrophy) mô tả những biến dạng bất thường xảy ra trong quá trình hình thành móng tay hoặc móng chân, thường là kết quả từ nhiễm nấm, chấn thương hay do bệnh da liễu như vẩy nến, viêm da cơ địa, lichen phẳng. Các bất thường này có thể ở đĩa móng (nail plate), giường móng (nail bed) hay mạng lưới mạch máu dưới móng (nail matrix).

Ví dụ, trường hợp bị chấn thương, móng tay bị đổi màu do máu chảy ở dưới móng. Theo thời gian, móng tay sẽ tách ra khỏi giường móng cho đến khi bong ra hoàn toàn. Một móng mới sẽ mọc lại theo đúng vị trí nhưng nếu giường móng bị hỏng trong quá trình này, móng tay có thể không mọc lại như cũ.

Móng cũng được xem là phần phụ của hệ da cùng với tuyến mồ hôi, bã nhờn và cơ làm dựng đứng lông/nổi da gà (arrector pili). Do đó, loạn dưỡng móng thường do các bác sĩ da liễu điều trị.

2. Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng loạn dưỡng móng

Loạn dưỡng móng biểu hiện từ những dấu hiệu bất thường trong hình dạng và kết cấu của móng, bao gồm:

Móng trở nên thô ráp, dày lên hay dễ gãy Một số móng bị biến dạng, có hình dáng bất thường Trên móng có những rãnh dọc, sần sùi và móng bị tách ra Móng không còn bóng và có thể chuyển sang màu trắng đục, xám

3. Nguyên nhân

Nguyên nhân loạn dưỡng móng là gì?

Hai bệnh do nhiễm trùng thường gây ra tình trạng loạn dưỡng móng là nấm móng và vẩy nến. Móng bị nhiễm nấm thường đổi màu và thay móng mới, tương tự như tình trạng móng liên quan đến chấn thương. Trong bệnh vẩy nến, bạn sẽ có một số triệu chứng khác nhau và các thương tổn màu vàng hoặc nâu tích tụ dưới móng sẽ khiến cho móng dễ gãy hay tách đôi.

Nhiễm nấm thường xảy ra ở bàn chân vì độ ẩm, nhiệt độ tăng lên khi bạn mang vớ, giày. Nấm dễ xâm nhập vào các vết cắt nhỏ trên da, thường ở gần lớp biểu bì của móng chân. Việc điều trị nhiễm nấm thường không dễ dàng vì thuốc chống nấm chỉ có xu hướng hoạt động tốt trong thời gian ngắn, nhiễm trùng cũng dễ tái phát. Trường hợp nghiêm trọng, bạn có thể phải phẫu thuật để loại bỏ móng, làm sạch giường móng.

Móng giòn, dễ gãy (onychorrhexis) là một loại loạn dưỡng móng khá phổ biến ở phụ nữ. Tình trạng này thường có liên quan đến tuổi tác hoặc phải tiếp xúc quá nhiều với xà phòng, chất tẩy rửa. Tuy nhiên, móng giòn cũng có thể do một bệnh lý nghiêm trọng gây ra, như suy dinh dưỡng, cường giáp hay một số rối loạn nội tiết.

Cụm từ “loạn dưỡng” cũng mang ý nghĩa dị tật hoặc có vấn đề trong quá trình hình thành. Do đó, loạn dưỡng móng có nghĩa là móng tay hoặc móng chân gặp “trục trặc” trong khi hình thành, do nhiều lý do như:

  • Chấn thương ở móng: Bong/bật móng, giập ngón tay/chân hay bất kỳ chấn thương nào ở móng đều có thể gây ra tổn thương, đau đớn. Khi đó, bạn phải điều trị các tổn thương ở móng trước khi tìm cách để móng phục hồi lại như ban đầu.
  • Nhiễm nấm: loạn dưỡng móng thường xuyên xảy ra do nhiễm nấm ở bất kỳ phần nào của móng, kể cả giường móng hay đĩa móng. Thông thường, móng bị nhiễm nấm sẽ đổi màu, trở nên giòn, dễ gãy hơn.
  • Bệnh vẩy nến: một bệnh ngoài da nhưng có khả năng gây ra những thay đổi ở móng do tổn thương hình thành ở bên dưới giường móng. Tình trạng này rất khó điều trị, một số người phải loại bỏ móng tay để giải quyết trực tiếp các vấn đề ở giường móng.

4. Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán loạn dưỡng móng?

Bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán dựa vào các dấu hiệu và triệu chứng trên các móng của bạn. Họ cũng có thể xem xét tiền sử bệnh và đặt những câu hỏi liên quan để hiểu rõ hơn về tình trạng của bạn.

Nếu nghi ngờ có nguyên nhân tiềm ẩn gây ra tình trạng này, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện một vài xét nghiệm bổ sung.

Những phương pháp điều trị loạn dưỡng móng

Rõ ràng, loạn dưỡng móng gây ra những vấn đề về thẩm mỹ và sức khỏe của móng. Tình trạng có thể khó điều trị nhưng tốt nhất bạn nên có những biện pháp can thiệp sớm. Điều trị loạn dưỡng móng càng sớm thì khả năng phục hồi và phát triển lại của móng càng tốt.

Móng giòn có thể cải thiện được nhờ vào việc bổ sung vitamin. Biotin, kẽm và sắt là các dưỡng chất giúp tăng cường sức khỏe của móng. Bạn cũng có thể thử sử dụng các loại kem dưỡng ẩm, sơn móng tay làm chắc móng và bảo vệ móng bằng cách tránh tiếp xúc trực tiếp với xà phòng, chất tẩy rửa mạnh.

Móng bị bong, tách thường là dấu hiệu cho thấy có vấn đề về sức khỏe thể chất hay do hóa chất. Thiếu hụt chất dinh dưỡng, tiếp xúc quá nhiều với nước hay thời tiết khô, lạnh cũng gây bong tróc móng. Do đó, tình trạng này có thể ngăn ngừa hoặc điều trị bằng cách chú ý đến các yếu tố gây ảnh hưởng đến móng. Sử dụng glycerin, dầu khoáng dưỡng ẩm có thể mang lại hiệu quả tốt.

Tuy nhiên, khi loạn dưỡng móng xảy ra do những vấn đề khác như chấn thương, bệnh lý, bạn cần phải điều trị nguyên nhân căn bản trước khi chăm sóc móng. Sau đó, đừng quên dưỡng ẩm cho móng mỗi ngày.

Nếu tình trạng loạn dưỡng móng nghiêm trọng, bạn sẽ cần điều trị theo đúng chỉ định từ bác sĩ da liễu.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh loạn dưỡng móng, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:07/10/2020 Chia sẻ bởi:Ngoan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM