Tập đọc: Ca dao về lao động sản xuất Tiếng Việt 5
eLib xin gửi đến các em nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em hiểu hơn về thể loại ca dao. Đồng thời, bài học này còn giúp các em cảm nhận được nỗi vất vả của những người nông dân lao động. Mời các em cùng tham khảo nhé!
Mục lục nội dung
1. Kiến thức cần nhớ
1.1. Văn bản "Ca dao về lao động sản xuất"
CA DAO VỀ LAO ĐỘNG SẢN XUẤT
Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hột, đắng cay muôn phần!
Ơn trời mưa nắng phải thì
Nơi thì bừa cạn, nơi thì cày sâu.
Công lênh chẳng quản bao lâu
Ngày nay nước bạc, ngày sau cơm vàng
Ai ơi! chớ bỏ ruộng hoang
Bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu.
Người ta đi cấy lấy công
Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề
Trông trời, trông đất, trông mây
Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm
Trông cho chân cứng đá mềm
Trời yên biển lặng mới yên tấm lòng
1.2. Nội dung chính của văn bản
Nhìn chung cả ba bài "Ca dao về lao động sản xuất" trên đã tái hiện thành công những nỗi vất vả, gian nan của những người nông dân trong công cuộc lao động sản xuất. Những bài ca dao trên còn dạy chúng ta về cách trồng cấy. Dù trồng cấy phụ thuộc vào thiên nhiên, vất vả lao động nhưng con người vẫn luôn vui vẻ, tận hưởng thành quả.
1.3. Giải thích các cụm từ khó
- Cày đồng: hành động làm ruộng của con người.
- Công lênh: nghĩa là công lao.
2. Câu hỏi và hướng dẫn giải
2.1. Giải câu 1 trang 169 SGK Tiếng Việt lớp 5
a. Câu hỏi: Tìm những hình ảnh nói lên nỗi vất vả, lo lắng của người nông dân trong lao động sản xuất.
b. Hướng dẫn giải:
Những hình ảnh nói lên nỗi vất vả, lo lắng của người nông dân trong lao động sản xuất là:
- Nỗi vất vả: "Cày đồng buổi ban trưa, mồ hôi như mưa; mỗi một hạt gạo làm ra dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần".
- Sự lo lắng: "Trông nhiều bề; trông trời, trông đất, trông mây, trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm, trông cho chân cứng đá mềm, trông trời yên, biển lặng".
2.2. Giải câu 2 trang 169 SGK Tiếng Việt lớp 5
a. Câu hỏi: Những câu nào thể hiện tinh thần lạc quan của người nông dân?
b. Hướng dẫn giải:
Những câu thơ thể hiện tinh thần lạc quan của người nông dân là:
"Công lênh chẳng quản bao lâu,
Ngày nay nước bạc, ngày sau cơm vàng"
2.3. Giải câu 3 trang 169 SGK Tiếng Việt lớp 5
a. Câu hỏi: Tìm những câu ứng với mỗi nội dung dưới đây:
(1) Khuyên nông dân chăm chỉ cấy cày.
(2) Thể hiện quyết tâm lao động, sản xuất.
(3) Nhắc người ta nhớ ơn người làm ra hạt gạo.
b. Hướng dẫn giải:
Những câu ca dao trong bài "Ca dao về lao động sản xuất" ứng với mỗi nội dung đã cho là:
(1) Ai ơi, đừng bỏ ruộng hoang,
Bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu.
(2) Trông cho chân cứng đá mềm,
Trời yên, bể lặng mới yên tấm lòng.
(3) Ai ơi, bưng bát cơm đầy,
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần!
3. Tổng kết
Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:
- Nắm được nội dung và ý nghĩa của những bài "Ca dao về lao động sản xuất".
- Rèn luyện kĩ năng tập đọc một văn bản.
Tham khảo thêm
- doc Tập đọc: Ngu Công xã Trịnh Tường Tiếng Việt 5
- doc Chính tả Nghe - viết: Người mẹ của 51 đứa con Tiếng Việt 5
- doc Luyện từ và câu: Ôn tập về từ và cấu tạo từ Tiếng Việt 5
- doc Kể chuyện: Kể chuyện đã nghe, đã đọc (Tuần 17) Tiếng Việt 5
- doc Tập làm văn: Ôn tập về viết đơn Tiếng Việt 5
- doc Luyện từ và câu: Ôn tập về câu Tiếng Việt 2
- doc Tập làm văn: Trả bài văn tả người Tiếng Việt 5