Phân tích hình ảnh người bà trong bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt

eLib xin giới thiệu đến các em một số đề văn mẫu phân tích hình ảnh người bà trong bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt Ngữ văn 9, nhằm giúp các em ôn tập lại kiến thức và rèn luyện kĩ năng phân tích một tác phẩm văn học. Mời các em tham khảo ba đề văn mẫu dưới đây nhé, chúc các em học tập tốt.

Phân tích hình ảnh người bà trong bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt

1. Lập dàn ý phân tích hình ảnh người bà trong bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt

a. Mở bài

- Tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác.

- Qua việc sáng tạo hình ảnh bếp lửa, nhà thơ đã bày tỏ thái độ kính yêu và biết ơn vô hạn đối với người bà của mình. Đó là người bà tần tảo, chịu thương chịu khó và giàu đức hi sinh.

b. Thân bài

Khái quát: 

Bếp lửa là bài thơ thành công viết về tình bà cháu. Trên đất nước bạn xa xôi, nhà thơ bất chợt bắt gặp hình ảnh bếp lửa. Đó là bếp lửa thật nhưng cũng có thể là bếp lửa hiện lên trong trí tưởng tượng. Nghĩ đến bếp lửa, nhà thơ nghĩ về bà.

Phân tích:

Luận điểm 1: Bà là người chịu thương chịu khó, tần tảo hi sinh

- Tuy giờ đây được sống trong điều kiện vật chất đầy đủ với tiện nghi hiện đại, nhưng mỗi lần nhớ về bếp lửa, cháu lại nhớ về bà - người bà với cuộc đời biết bao vất vả, lam lũ.

“Cháu thương bà biết mấy nắng mưa.”

- Cụm từ "biết mấy nắng mưa" diễn tả vòng tuần hoàn khép kín của thời gian. Tình cảm mà cháu dành cho bà vượt qua thời gian, qua năm tháng. Hình ảnh "nắng mưa" là ẩn dụ đặc sắc cho cuộc đời lận đận lắm đắng cay, cơ cực của bà.

- Kí ức còn đưa nhà thơ trở về với nạn đói rùng rợn năm 1945. Cái đói chỉ là cái cớ để tác giả gợi nhớ về một tuổi thơ nhiều đắng cay cơ cực, thiếu thốn về vật chất nhưng không thiếu thốn nghĩa tình. Vượt lên trên gian khổ, thiếu thốn, vượt lên trên cái "đói mòn đói mỏi", với sự chịu thương chịu khó, tần tảo lam lũ, bà đã cùng mọi người vượt qua những năm tháng cơ cực ấy.

- Sự tần tảo và đức hy sinh chăm lo cho người của bà được tác giả thể hiện trong một chi tiết rất tiêu biểu

“Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa

Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ

Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm

Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm

Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi

Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui

Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ”.

+ Cuộc đời bà là một cuộc đời đầy gian truân, vất vả, nhiều lận đận, trải qua nhiều nắng mưa tưởng như không bao giờ dứt. Hình ảnh người bà cũng là hình ảnh của bao người phụ nữ Việt Nam giàu đức hy sinh dù gian truân vất vả vẫn sáng lên tình yêu thương.

Luận điểm 2: Bà là người phụ nữ nông thôn thuần hậu nhưng có bản lĩnh vững vàng, là chỗ dựa tinh thần cho con cháu.

- Tuy chỉ là một người phụ nữ nông thôn thuần phác, thật thà nhưng ẩn đằng sau đó là sự kiên cường, bản lĩnh vững vàng, là sức sống mãnh liệt, dẻo dai. Bà đã giúp mọi người trong gia đình vượt qua nạn đói 1945 để đến bây giờ mỗi khi nghĩ lại cháu vẫn thấy “sống mũi còn cay”. Nhớ về bà, cháu nhớ về những năm mà thực dân Pháp chiếm đóng. Hiện thực đau thương như được tái hiện lên qua từng câu chữ:

“Năm giặc đốt nhà cháy tàn cháy rụi

Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi

Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh”

- Trong gian khổ khó khăn, bà vẫn không gục ngã. Bà vẫn "vững lòng" dặn cháu:

“Mày có viết thư chớ kể này kể nọ

Cứ bảo ở nhà vẫn được bình yên”

- Qua lời bà dặn cháu ta thấy được tâm hồn thật đẹp. Bà là người lo lắng, yêu thương con cháu, nhân hậu và giàu đức hi sinh. Bà muốn con được yên tâm công tác nên đã một mình vượt qua tất cả những khó khăn nơi quê nhà.

- Như vậy ta thấy rằng, dẫu chiến tranh tàn phá, đau khổ chồng chất cũng không thể thay đổi ý chí, niềm tin của bà. Bà là hiện thân đầy đủ nhất, sinh động nhất cho hậu phương lớn. Bà chính là điểm tựa, chỗ dựa tinh thần cho con cháu: 

“Rồi sớm chiều bếp lửa bà nhen

Một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn

Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng”

- Chính bà đã nhóm lên ngọn lửa - ngọn lửa của tình yêu thương, niềm tin bất diệt. Bởi đó là ngọn lửa - trái tim, tình cảm và tâm hồn bà. Bà đã truyền cho cháu nghị lực, niềm tin một cách tự nhiên như người truyền lửa cho thế hệ sau. Một ngọn lửa thổi bùng lên mơ ước, khát vọng về ngày mới thanh bình.

Luận điểm 3: Bà là người yêu thương, chăm sóc và dạy cháu lên người. Bà đã nhóm lên trong cháu tình yêu thương, mơ ước và khát vọng về tương lai

- Trong những năm đói khổ tuổi thơ của tác giả vẫn luôn tươi sáng bởi bên nhà thơ luôn có bà. Nhà thơ luôn nhận được tình yêu thương, sự chăm sóc của bà. Đó là thời gian:

Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe

Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học”

- Bố mẹ đi công tác, cháu sống trong sự yêu thương, đùm bọc, chăm sóc của bà. Bà đã thay con nuôi cháu khôn lớn trưởng thành..

- Cấu trúc song hành góp phần khẳng định vai trò của bà với cuộc đời cháu. Đồng thời còn nói lên tình yêu thương vô bờ mà bà đã dành cho đứa cháu bé bỏng. Không chỉ chăm sóc, nuôi nấng, dạy dỗ cháu khôn lớn trưởng thành mà bà còn là người nâng đỡ, chắp cánh ước mơ cho cháu. Nếu cơm gạo của bà nuôi lớn cháu về thể xác thì tình yêu thương của bà nuôi lớn cháu về tinh thần, vể ý chí, nghị lực niềm tin. Để rồi, mỗi khi nhớ về bà, cháu lại nhớ về hình ảnh:

“Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm

Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi

Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui

Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ”

- Cũng chính bàn tay bà đã nhóm lên bếp lửa với khoai sắn ngọt bùi, với nồi xôi gạo mới làm ấm lòng cháu những ngày đông tháng giá. Và cũng chính là bà đã thổi bùng lên trong cháu ngọn lửa của tình yêu thương, khát vọng và ước mơ. Bà đã trở thành người bạn lớn, chia sẻ tâm tình. Cháu khôn lớn và trưởng thành như ngày hôm nay phần lớn là nhờ công lao chăm sóc, dạy dỗ của bà. Hình ảnh bà và bếp lửa đã trở thành kí ức thiêng liêng nâng đỡ cháu trên suốt chặng đường đời.

Đánh giá nâng cao:

- “Bếp lửa” là bài thơ cảm động viết về tình bà cháu. Qua lời thơ dung dị của Bằng Việt ta thấy hiển hiện hình ảnh một người bà thật đẹp - người bà Việt Nam.

- Phải là người yêu bà sâu sắc và mãnh liệt mới có thể tạo nên những dòng thơ chân thành, chứa chan tình cảm dành cho bà đến như vậy.

c. Kết bài:

- Giọng thơ chân thành, sâu lắng.

- Bài thơ là tiếng lòng của đứa cháu xa bà.

- Cảm ơn Bằng Việt cho ta bài thơ hay viết về tình cảm con người, giáo dục chúng ta trân trọng tình cảm gia đình, quê hương, đất nước.

2. Phân tích hình ảnh người bà trong bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt

Lép Tôn-xtôi đã từng nói rằng: “Một tác phẩm nghệ thuật là kết quả của tình yêu”. Tình yêu con người, yêu cuộc sống chính là hạt mầm khỏe khoắn nuôi dưỡng nhân cách, tài năng con người, cũng là cảm hứng sáng tác cho muôn văn nhân,nghệ sĩ. Cùng chung mạch nguồn về tình yêu gia đình, nếu nữ sĩ Xuân Quỳnh khiến người đọc nhớ về một thời bên người bà kính yêu với tiếng bà mắng yêu, với hình ảnh “Tay bà khum soi trứng” thì Bằng Việt lại khiến ta nhớ mãi người bà đôn hậu, giàu tình yêu với con cháu, dân tộc, và đặc biệt người bà ấy gắn với hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt: “Bếp lửa”.

Khơi nguồn kí ức của người cháu khi trưởng thành nhớ về bà khi anh bắt gặp hình ảnh quen thuộc:

“ Một bếp lửa chờn vờn sương sớm

Một bếp lửa ấp iu nồng đượm

Cháu thương bà biết mấy nắng mưa”

Người bà hiện lên chịu thương chịu khó, cần mẫn nhóm lửa ngày nào nay ùa về trước mắt người cháu. Hình ảnh bàn tay cần mẫn của người bà đang nâng niu, vun vén cho ngọn lửa chập chờn, bập bùng trong mỗi sớm mai. In hằn suốt đời bà là những vất vả, nhọc nhằn, hình ảnh ẩn dụ “ biết mấy nắng mưa” tượng trưng cho bao nỗi cơ hàn đè nặng lên tấm thân già nua của bà. Hình ảnh ấy khơi dậy niềm thương cảm, xót xa của người cháu khiến dòng hồi tưởng về bà rõ nét, chân thực hơn:

“ Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế

...Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe

Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học.

Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc,”

Khi cháu lên bốn, lên tám đó là những mốc thời gian nguy khó nhất của cuộc chiến tranh: cái đói hoành hành, giặc tàn phá hậu phương. Bà cưu mang đứa cháu nhỏ dại, suốt tám năm ròng “ cháu cùng bà nhóm lửa”. Phải chăng bà luôn bền bỉ nhen lên hơi ấm của sự sống bần bỉ? Bà không chỉ trở thành người cha, người mẹ của cháu lúc cha mẹ bận công tác nơi tiền tuyến mà bà còn là người thầy hết mực bảo ban cháu. Điệp từ “ bà” lặp đi lặp lại cùng một loạt động từ “ kể chuyện, dạy, chăm cháu học” giúp ta hình dung bà là người khắc sâu lòng căm thù giặc trong lòng cháu qua những câu chuyện kể và bà bảo ban cháu nên người. Khó nhọc đời bà thêm trĩu nặng khi nuôi lớn cháu trong hoàn cảnh khốn khó, đầy thiếu thốn về vật chất. Nhà thơ khắc họa hình ảnh người bà với tình yêu thương cháu vô bờ bến, có lẽ bà muốn bù đắp phần nào những bất hạnh trong tuổi thơ đứa cháu bé bỏng.

Không chỉ giàu tình yêu thương cháu mà bà còn giàu đức hi sinh và lòng vị tha:

“ Vẫn vững lòng bà dặn cháu đinh ninh:

“ Bố ở chiến khu, bố còn việc bố,

Mày viết thư chớ kể này, kể nọ,

Cứ bảo nhà vẫn được bình yên!”

Nén nỗi khổ đau một mình bà chịu đựng tất cả nên lời căn dặn cháu “ chớ kể này, kể nọ” những gian khó ở quê nhà : “ giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi”, bởi bà muốn làm yên lòng những người nơi hỏa tuyến để họ làm tốt nhiệm vụ. Lòng vị tha giúp bà và dân làng tạo thành hậu phương vững chắc cho tiền tuyến đánh giặc. 

Bà luôn nuôi dưỡng, ấp ủ một niềm tin không bao giờ dập tắt, niềm tin nhỏ bé nhưng dai dẳng, được nhen lên bằng cả tấm lòng, trái tim nhân hậu:

“ Một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn

Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng...”

Điệp ngữ “ một ngọn lửa” ấm nồng vẫn âm ỉ cháy ngày qua ngày được bà nâng niu biến hình ảnh bếp lửa trở thành một hình tượng giàu sức tượng trưng:

“ Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm

Nhóm tình yêu thương khoai sắn ngọt bùi

Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui

Nhóm dậy cả tâm tình tuổi nhỏ”

Hành động “ nhóm” bếp điệp lại tới bốn lần nhấn mạnh thói quen thường ngày thành nếp sống của suốt cuộc đời long đong “ lận đận” của bà. Nhưng việc làm giản đơn ấy có sức mạnh kì lạ. Nó thắt chặt tình nghĩa xóm làng bằng những củ khoai sắn hay nồi xôi gạo ngọt bùi từ bếp lửa bà đun nấu. Một trời mộng mơ của cháu từng bị lãng quên nay bên bà những nỗi niềm ấy lại sống dậy khi được sưởi ấm tâm hồn. Vậy bà không chỉ là người nhóm lửa, giữ lửa mà còn là người truyền lửa.

Qua dòng kí ức tuổi thơ của người cháu, bài thơ “ Bếp lửa” gửi gắm lòng biết ơn bà sâu nặng. Nhà thơ Bằng Việt khéo léo xây dựng hình ảnh bếp lửa gắn lền với hình tượng người bà vừa làm nổi bật vẻ đẹp cao cả vừa tạo tính biểu tượng cho hình ảnh thơ.

3. Cảm nhận của em về hình ảnh người bà trong bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt

Từ lâu, những phẩm chất tốt đẹp của những người phụ nữ đã khơi nguồn cảm xúc dồi dào, bất tận cho biết bao những người nghệ sĩ để sáng tác lên những bài văn hay, những bài thơ tuyệt mĩ về người bà, người mẹ. Và Bằng Việt, với bài thơ "Bếp lửa" cũng đã góp một tiếng thơ tuyệt mĩ ấy về hình ảnh người bà – một người phụ nữ nhân hậu, bao dung, giàu tình yêu thương con, thương cháu tha thiết.

 “Bếp lửa” như một đóa hoa đầu mà Bằng Việt thân gửi đến độc giả khi ông đang là sinh viên năm thứ hai du học tại Liên Xô. Xa gia đình, bè bạn, quê hương, tại nơi đất khách quê người, ông bồi hồi nhớ lại kỉ niệm ấu thơ bên bếp lửa cùng người bà đáng kính. Đó là hình ảnh của ngọn lửa cháy leo lét bên vách bế trong làn sương buối sớm được đôi tay bà “ấp iu”, chở che. Hình ảnh “Một bếp lửa ấp iu nồng đượm” gợi ta nghĩ đến hình ảnh ngọn lửa có đôi tay gầy guộc, già nua của bà nhen nhóm, chở che cho ngọn lử cháy lên, sáng lên và khiến ta hình dung đến sự ôm ấp, che chở, tình cảm yêu thương, đùm bọc mà bà dành cho cháu trong những tháng ngày tuổi thơ.

Và rồi trong kí ức của cháu hiện về kỉ niệm năm bốn tuổi, năm tám tuổi. Kỉ niệm tuổi ấu thơ cứ lần lượt hiện về trong nỗi nhớ của cháu tựa như một thước phim quay chậm, đó là kỉ niệm “Tám năm ròng cháu cùng bà nhóm lửa”. Lời thơ thủ thỉ, tâm tình như câu chuyện trong cuộc sốn đời thương, cùng điệp ngữ  “tu hú kêu” và câu hỏi tu từ “Khi tu hú kêu bà còn nhớ không bà?” gợi về nhiều những câu chuyện mà bà đã kể cho cháu nghe. Trong những năm tháng cha mẹ đi công tác xa, bà và cháu quấn quýt bên nhau. Cháu ở bên bà, được bà nuôi dưỡng, săn sóc “bà bảo cháu nghe”, “bà dạy cháu học”, “bà chăm cháu làm”. Thời ấu thơ, bà chính là chỗ dựa tinh thần quan trọng cho cháu,...Bên bà, có lẽ cháu sẽ thấy thật ấm áp, bình yên, hạnh phúc biết bao.

Trong tâm trí của cháu luôn khắc sâu kỉ niệm năm giặc phá làng, đốt làng, túp lều tranh của hai bà cháu cũng bị đốt. Trong những tháng năm khắc nghiệt ấy, cháu nhớ như in lời dạy của bà:

"Bố ở chiến khu bố còn việc bố

Mày có viết thư chớ kể này kể nọ

Cứ bảo nhà vẫn được bình yên"

Cuộc sống của hai bà cháu vô cùng khó khăn, cơ cực ở vào cảnh màn trời chiếu đất, đó là tháng ngày tăm tối nhất. So với thực tế cuộc sống của hai bà cháu, phương châm về chất đã không được tuân thủ. Bà dặn cháu như vậy là để bố mẹ cháu yên tâm công tác. Từ lời dặn ấy, ta thấy ở bà có những phẩm chất thật cao đẹp: giàu lòng thương con, hi sinh hạnh phúc tuổi già để đổi lấy độc lập dân tộc và đặc biệt là lòng dũng cảm, kiên định của bà trước mọi khó khăn khốc liệt. Tuy bà không trực tiếp tham gia chiến đấu nhưng lại là chỗ dựa vững chắc cho tiền tuyến. Cảm nhận đức hi sinh cao cả của bà, trong lòng ta lại nhớ về bao bà mẹ Việt Nam anh hùng, những người đã rơi bao giọt nước mắt khi phải tiễn chông con ra tiền tuyến, nhớ đến người mẹ Tà-ôi địu con trên lưng mà vẫn giã gạo nuội bộ đội trong “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” của Nguyễn Khoa Điềm,... Những bà mẹ kính yêu ấy xứng đáng được bác Hồ ngợi ca là người “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”,...Bà chính là người tiêu biểu cho phẩm chất truyền thống của phụ nữ Việt Nam tự bao đời nay...

Người cháu bộc lộ những nghĩ suy về bếp lửa bà nhóm, và cũng là về bà:

"Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen

Một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn

Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng"

“Bếp lửa bà nhen” là hình ảnh mang nghĩa thực- bếp lửa cháy bằng rơm, bằng củi do bàn tay gầy guộc của bà nhen nhóm. Từ hình ảnh bếp lửa mà nhà thơ có sự liên tưởng sâu sắc đến ngọn lửa ấm áp của tình yêu thương mà bà luôn ấp ủ dành cho cháu, bù đắp cho cháu khi cháu phải xa mẹ cha. “Ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng” là ngọn lửa của niềm tin trong cuộc sống, có sức sống mãnh liệt, bền bỉ mà bà truyền cho cháu. Bà không chỉ là người nhóm bếp lửa mà còn là người giữ lửa, truyền lửa, ngọn lửa của bà thật thiêng liêng, cao cả và vĩ đại.

 Cuộc đời bà dẫu đầy truân chuyên, vất vả, nhiều nắng mưa nhưng bà vẫn “giữ thói quen dậy sớm”- một người đảm đang, tần tảo, chịu thương, chịu khó. Với cháu, việc nhóm bếp lửa của bà có ý nghĩa vô cùng quan trọng:

"Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm

Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi

Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui

Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ"

Mỗi khi bà nhóm lên bếp lửa là nhóm lên tất cả: nhóm lên tình yêu thương mà bà đã dành cho cháu, nhóm lên niềm vui trong lòng cháu mỗi khi mùa về, nhóm lên tình đoàn kết với hàng xóm, láng giềng và đặc biệt, bà nhóm dậy tất cả những kỉ niệm ấu thơ của cháu. Vậy là từ bếp lửa mà bà nhen, cháu đã khôn lớn cả về thể chất và tâm hồn, để cháu được bay cao bay xa,...Từ bếp lửa thiêng liêng ấy, cháu đã hiểu hơn về sự đảm đang vất vả của bà. Bà chính là người nuôi dưỡng tâm hồn chắp cánh ước mơ cho cháu.

Để rồi khi xa bà, với cuộc sống hiện đại, đầy đủ, cháu vãn không nguôi nhớ về bà, có một điều không bao giờ đổi thay, luôn khắc ghi trong tâm trí cháu:

“Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở

Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?”

Lời thơ của Bằng Việt thủ thỉ, nhẹ nhang, tâm tình cứ như một câu chuyện vậy. Người bà hiện lên trong tâm trí của nhà thơ và ông dành cho bà tình yêu, sự trân trọng. Bài thơ cũng là lời nhắc với mỗi chúng ta: hãy luôn trân trọng những người thân quanh ta, vì họ là cuộc sống của ta.

Ngày:29/10/2020 Chia sẻ bởi:Minh Ngoan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM