10 Kết bài hay Bếp lửa - Bằng Việt

eLib xin giới thiệu đến các em 10 Kết bài hay tác phẩm Bếp lửa Ngữ văn 9 của Bằng Việt, nhằm giúp các em làm tốt một bài văn nghị luận văn học. Mời các em tham khảo 10 Kết bài dưới đây nhé. Chúc các em học tập tốt.

10 Kết bài hay Bếp lửa - Bằng Việt

1. Kết bài 1

Giữa đống tro tàn mất mát, đau thương bà vẫn nhóm lên ngọn lửa tin yêu và hy vọng: Rồi sớm rồi chiều bếp lửa bà nhen/ Một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn/ Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng. Thời gian sớm chiều cho thấy sự bền bỉ, kiên trì của bà. Ở đây có sự chuyển hóa từ bếp lửa thành ngọn lửa, ngọn lửa ấy chứa đựng lòng yêu thương chan chứa của bà; ngọn lửa còn là đức tin trong sáng bất diệt; hơn thế nữa, ngọn lửa đó sẽ là ngọn đuốc soi sáng tâm hồn, và tương lai cháy sau này. Bà là kí ức đẹp đẽ, bà là người đã thắp lên trong cháu niềm tin và tương lai cao cả.

2. Kết bài 2

Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ khi vừa mới ra đời cho đến tận hôm nay “Bếp lửa” vẫn luôn có chỗ đứng riêng của nó. Bằng những hình ảnh chân thực cùng tất cả tình cảm chân thành Bằng Việt đã thật sự chạm đến trái tim người đọc qua từng câu, từng chữ của mình. Bài thơ “Bếp lửa” với câu từ giản dị, cách viết nhẹ nhàng nhưng dường như khiến người đọc thấy cay cay ở khóe mắt. Một bài thơ tràn đầy tình yêu, tràn đầy hạnh phúc giữa đắng cay cuộc đời.

3. Kết bài 3

Bài thơ “Bếp lửa” khép lại nhẹ nhàng mà tràn đầy dư vị, còn đọng lại mãi hình ảnh bà và bếp lửa, làn khói mờ ảo sớm mai, vừa là hình ảnh thực vừa là hình ảnh ảo thể hiện tình yêu của tác giả với bà, cũng là với quê hương đất nước. Từ một hình ảnh bình dị quen thuộc, Bằng Việt đã khắc họa chân thực những kỷ niệm và cảm xúc đong đầy.

4. Kết bài 4

Những câu thơ tiếp theo mênh mang nỗi niềm suy ngẫm, những chiêm nghiệm bồi hồi của người cháu về bà và về bếp lửa thân quen. Nghĩ về bà, người cháu nơi xa nhớ lại những kỷ niệm bên bếp lửa gắn liền với hình ảnh người bà. Đó là ngọn lửa thắm đượm tình yêu thương, sự hy sinh cao cả bà luôn ấp ủ.

5. Kết bài 5

Thông qua hình ảnh ngọn lửa, tác giả Bằng Việt trong bài thơ Bếp lửa đã có những thổ lộ đầy xúc động về tình thương, sự trân trọng của mình đối với sự chắt chiu, hi sinh của người bà. Bài thơ còn là bản nhạc da diết, xúc động về tình bà cháu trong chiến tranh, tình thương của bà dành cho người cháu nhỏ sáng ngời, rực rỡ như ngọn lửa, tình thương ấy không chỉ xua đi khói lửa chiến tranh, ám ảnh khủng khiếp của nạn đói mà đã mang đến cho tuổi thơ của người cháu những kí ức thực ấm áp, đẹp đẽ: đó là kí ức có bà, là những kỉ niệm đáng nhớ về câu chuyện, bài học, lời dạy bảo đầy thiết tha của bà. Cũng chính tình yêu thương, bao bọc của bà đã nuôi dưỡng ở Bằng Việt ngọn lửa yêu thương, hi vọng. Đây cũng chính là sức mạnh, sức lan tỏa của ngọn lửa tình thương nơi bà được gửi gắm, nuôi dưỡng nơi người cháu.

6. Kết bài 6

Bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt không chỉ mang đến cho chúng ta những cảm nhận đẹp đẽ về tình cảm bà cháu mà còn khơi dậy những cảm xúc thân quen, những tình cảm thiết tha, mềm mại nhất dành cho người bà của mình. Tình cảm bà cháu hay tình cảm gia đình đều là những tình cảm thiêng liêng, đáng trân trọng nhất trong cuộc đời mỗi người, với nhà thơ Bằng Việt cũng vậy và đối với mỗi độc giả chúng ta cũng vậy, tình cảm gia đình không chỉ nuôi dưỡng, thắp sáng trong tâm hồn chúng ta những tình cảm tốt đẹp mà còn là cội nguồn của yêu thương, là bến đỗ bình yên, an toàn nhất cho chúng ta vững bước trên đường đời.

7. Kết bài 7

Qua những dòng hồi ức về tuổi thơ bên bà kết hợp với sự sáng tạo trong bút pháp miêu tả, biểu cảm, Bằng Việt qua bài thơ Bếp lửa đã mang đến cho chúng ta một câu chuyện thật xúc động về tình cảm bà cháu trong chiến tranh. Đặc biệt, qua bài thơ, tác giả còn gửi gắm những triết lí vô cùng sâu sắc: tình cảm gia đình, những kí ức tuổi thơ chính là ngọn lửa ấm áp nhất có sức tỏa sáng, nâng đỡ con người trên mỗi chặng đường đời. Trong bài thơ Bếp lửa, tình yêu thương, lòng biết ơn trân trọng người bà của tác giả còn là biểu hiện của tình yêu nước, tấm lòng gắn bó với quê hương.

8. Kết bài 8

Bài thơ "Bếp lửa" của Bằng Việt là một bài thơ dạt dào cảm xúc. Hình tượng bếp lửa được thể hiện độc đáo qua giọng điệu tâm tình, thiết tha; nhịp điệu thơ linh hoạt; kết hợp với lối trùng điệp được sử dụng biến hóa, khiến cho lời thơ với hình ảnh bếp lửa cứ tràn ra, dâng lên, mỗi lúc thêm nồng nàn, ấm nóng. Từ đó, khiến cho người đọc cảm thấy thật thấm thía, xúc động trước nỗi nhớ nhung da diết về những kỉ niệm ấu thơ của người cháu và cả tấm chân tình của nhà thơ đối với người bà kính yêu. Qua đó, chúng ta càng cảm thấy yêu, càng cảm thấy trần trọng hơn tình cảm đối với gia đình, với quê hương, đất nước. Từ đó, ta mới thấm thía hết được lời bài hát của nhạc sĩ Trung Quân, thật ý nghĩa biết chừng nào:

“Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chỉ một mẹ thôi

Quê hương nếu ai không nhớ

Sẽ không lớn nổi thành người...”

9. Kết bài 9

Mỗi chúng ta, ai mà chẳng lưu giữ trong tim mình những âm thanh, cảnh sắc quê nhà, những kỷ niệm cảm động, mái tóc bạc phơ, đôi mắt hiền từ của ông bà, người đã sinh ra cha mẹ ta? Bài thơ của Bằng Việt chẳng khác nào lời ru của mẹ, chuyện kể của bà... từ những năm tháng tuổi thơ vọng về. Những tình cảm đẹp ấy được diễn tả rất thơ...

10. Kết bài 10

Bài thơ Bếp lửa đã nói lên thật xúc động, trong sáng một nét đẹp trong gia đình Việt Nam, trong đạo lí dân tộc, và trong tâm hồn mỗi chúng ta. Câu thơ: "Cháu thương bà biết mấy nắng mưa" đã trở thành câu thơ trong trí nhớ nhiều người gần xa... Tình cảm bà cháu hay tình cảm gia đình đều là những tình cảm thiêng liêng, đáng trân trọng nhất trong cuộc đời mỗi người, với nhà thơ Bằng Việt cũng vậy và đối với mỗi độc giả chúng ta cũng vậy, tình cảm gia đình không chỉ nuôi dưỡng, thắp sáng trong tâm hồn chúng ta những tình cảm tốt đẹp mà còn là cội nguồn của yêu thương, là bến đỗ bình yên, an toàn nhất cho chúng ta vững bước trên đường đời.

Ngày:28/10/2020 Chia sẻ bởi:Thanh Nhàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM