Tổng hợp mở bài hay tác phẩm Cố hương - Lỗ Tấn

Trong một bài văn nghị luận văn học việc lựa chọn mở bài đóng một vài trò vô cùng quan trọng. Một mở bài ấn tượng sẽ giúp cho người chấm cảm thấy thoải mái với bài viết của bạn, có những thiện cảm nhất định. Một mở bài ấn tượng cũng sẽ giúp cho bạn có thêm cảm hứng cho bài viết của mình, giúp bài viết trôi chảy và nhanh chóng được hoàn thành. Mở bài tác phẩm Cố hương là một ví dụ điển hình. Mời các em tham khảo 10 mở bài dưới đây nhé. eLib chúc các em học tập tốt.

Tổng hợp mở bài hay tác phẩm Cố hương - Lỗ Tấn

1. Mở bài 1

Đọc Cố hương, ta bắt gặp một giai điệu buồn, một nỗi buồn xuyên suốt, sâu xa từ hiện thực mang chất trữ tình thâm trầm, thấm thìa. Một câu chuyện dường như không có cốt truyện – chỉ như một bút kí sơ sài nhưng lại có sức đọng ở tầng sâu cảm nghĩ. Chủ đề của tác phẩm cứ toả rộng ra, nâng cao dần lên từ những vỉa quặng nổi, chìm, từ những mạch ngang dọc. Đề tài là cố hương, tất nhiên phải có hình ảnh về chính cố hương, nhưng ấn tượng đọng lại của truyện lại là những nỗi niềm buồn vui về mảnh đất nghìn đời của nhà văn, và sau đó là những day dứt băn khoăn: làm thế nào để thay đổi nó.

2. Mở bài 2

Nhà văn Lỗ Tấn được biết đến là một nhà văn cách mạng lừng danh của Trung Quốc. Nhắc đến ông không thể không nhắc đến truyện ngắn “Cố hương” được. Tác phẩm Cố hương là một thành công của ông nó mang đến cho người đọc một thứ tình cảm vô cùng dịu nhẹ và thấm đẫm cảm xúc tình yêu quê hương. Tác phẩm giống như một thức phim đã ghi lại cho chúng ta những hồi ức vô cùng dịu ngọt của những con người ở quê hương với những nỗi buồn, sự hi vọng.

3. Mở bài 3

Truyện ngắn “Cố hương” của Lỗ Tấn là câu chuyện kể về một chuyến trở về thăm lại quê nhà, thăm lại con người của tác giả sau bao nhiêu năm xa cách. Ông nhận ra nhiều sự đổi thay, cũng nhân ra những tư tưởng quá lạc hậu bám riết lấy con người và mảnh đất nơi đây. Truyện ngắn khép lại với câu triết lý vô cùng ý nghĩa khi ông nhắc đến con đường. Và có lẽ hình ảnh con đường là hình ảnh để lại trong tâm trí người đọc nhiều suy nghĩ và trăn trở nhất.

4. Mở bài 4

Ai đã từng đọc Cố hương của Lỗ Tấn, chắc hẳn sẽ bị cuốn hút vào dòng cảm xúc của nhân vật tôi với bao kỉ niệm sống dậy mãnh liệt trong lần thăm quê cuối cùng. Quá khứ đẹp đẽ ấy đã đối mặt với thực tại đầy biến đổi đến bàng hoàng của quê hương tạo nên những khoảnh khắc diễn biến phức tạp thấm đượm nỗi xót xa của tôi trong tác phẩm. Một câu chuyện cảm động có nhiều chi tiết từ chính cuộc đời của nhà văn nhưng điều chủ yếu nằm trong ý nghĩa tư tưởng lớn lao của tác phẩm: từ hiện tại buồn thương vẫn không tắt nguồn hi vọng vào tương lai, cùng niềm mong ước tốt đẹp về con đường cho những người dân thoát cảnh bần cùng đen tối.

5. Mở bài 5

Sau bao năm xa cách quê hương, ai mà không muốn tìm lại nó – nơi chôn rau cắt rốn – nơi đã nuôi ta lớn lên từng ngày và cho ta biết bao kỉ niệm đẹp thời thơ ấu. Thật buồn khi phải từ biệt quê hương, quên người, quên cảnh. Vậy mà nhân vật Tấn đã trải qua những nổi buồn ấy vì cuộc sống mưu sinh. Những cảm xúc ấy đã được Lỗ Tấn khắc họa qua truyện ngắn “Cố Hương”.

6. Mở bài 6

Lỗ Tấn (1881 - 1936) là nhà văn cách mạng nổi tiếng của Trung Quốc. Truyện "Cố hương" là một truyện ngắn tuyệt hay và xúc động. Nó man mác một tình quê vơi đầy. Nó ghi lại một cách chân thực, cảm động ký ức tuổi thơ. Nó phản ánh số phận những con người quê hương với bao nỗi buồn thương và hi vọng.

7. Mở bài 7

 Hình ảnh quê hương đã in dấu lại trong sáng tác của rất nhiều những nghệ sĩ trong đó có Lỗ Tấn. Nhắc đến ông là nhắc đến một nhà văn nổi tiếng, có nhiều đóng góp cho kho tàng văn chương Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung. Các tác phẩm tiêu biểu của Lỗ Tấn phải kể đến: “AQ chính truyện”, “Thuốc”, “Nhật kí của một người điên”,… và sẽ là một thiếu sót lớn nếu chúng ta không nhắc đến truyện ngắn “Cố hương”.

8. Mở bài 8

Lỗ Tấn (1881 – 1936) là nhà tư tưởng lớn, nhà văn hiện thực nổi tiếng của Trung Quốc vào thời kì đầu thế kỉ XX. Sự nghiệp sáng tác mà ông để lại cho đời rất đồ sộ và đa dạng, trong đó có 17 tập tạp văn và hai tập truyện ngắn xuất sắc là “Gào thét” (1923) và “Bàng hoàng” (1926). Một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của tập “Gào thét” là truyện ngắn “Cố hương”.

9. Mở bài 9

Lỗ Tấn là nhà văn nổi tiếng Trung Quốc. Ông sinh trưởng trong một gia đình quan lại sa sút. Lỗ Tấn dành cả đời mình để cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Ông là nhà văn của nhân dân lao động Trung Quốc dưới ách áp bức bóc lột của chế độ phong kiến Trung Quốc. Lỗ Tấn đã để lại một số lượng các tác phẩm rất đồ sộ: gồm 17 tập văn và 2 tập truyện ngắn. Một số các tác phẩm tiêu biểu như: “AQ chính truyện”, “Thuốc”, “Nhật kí người điên”... Trong các tác phẩm của ông, người đọc thấy hiện lên không khí ngột ngạt của xã hội Trung Quốc trước cách mạng và sự mê muội của nhân dân dưới ách thống trị của triều đình phong kiến. “Cố hương” là truyện ngắn nổi bật trong tập “Gào thét”. Thông qua tường thuật chuyến về quê cuối của nhân vật “tôi”, tác giả đã khắc họa bức tranh hiện thực về nông thôn Trung Quốc thời bấy giờ, đồng thời đặt ra vấn đề đường đi cho người nông dân và cho toàn xã hội. Từ đó ta thấy nhà văn không chỉ là người uyên thâm, lỗi lạc mà còn có một trái tim giàu tình yêu thương.

10. Mở bài 10

Tình yêu quê hương dường như là thứ tình cảm luôn thường trực trong mỗi con người. Lúc còn bé, tình yêu quê gắn với yêu gia đình, yêu những cảnh vật bình dị của quê hương. Khi lớn lên, yêu quê là nỗi nhớ mong cồn cào, da diết mỗi lần phải xa quê, là háo hức, mong chờ khi được trở về nơi chốn ta đã sinh ra và lớn lên. Tình yêu quê luôn được các nhà văn truyền tải hết sức chân thành, mộc mạc trong các tác phẩm của mình. Đến với “Cố hương” của Lỗ Tấn, ta sẽ cùng với nhà văn làm cuộc hành trình đi về miền quê cũ, tuy rằng miền quê ấy giờ đây đã đổi khác và chẳng còn vẹn nguyên, tươi đẹp như xưa.

Ngày:31/10/2020 Chia sẻ bởi:Denni

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM