Phân tích truyện ngắn Cố hương - Lỗ Tấn

“Cố hương” là truyện ngắn hay nhiều ý nghĩa, khi đọc xong tác phẩm người đọc vẫn còn cảm thấy bùi ngùi xúc động, cảm thấy lòng nặng trĩu một nỗi buồn và trăn trở hy vọng về hình ảnh con đường mà tác giả đã nhắc đến. Để hiểu rõ hơn về truyện ngắn này eLib xin mời các em tham khảo một số bài văn mẫu dưới đây. Nội dung những bài văn mẫu này giúp các em hiểu rõ hơn về giá trị nội dung và nghệ thuật của truyện ngắn. Mời các em tham khảo ba bài văn mẫu dưới đây. Chúc các em học tập tốt.

Phân tích truyện ngắn Cố hương - Lỗ Tấn

1. Dàn ý phân tích truyện ngắn “Cố hương” của Lỗ Tấn

a. Mở bài:

+ Giới thiệu tác giả:

– Nhà văn Lỗ Tấn sinh năm 1881 và mất năm 1936. Ông nổi tiếng là một nhà văn cách mạng Trung Quốc.

– Lỗ Tấn đã để lại cho nền văn học Trung Hoa nhiều tác phẩm đình đám, tạo nên dấu ấn và tên tuổi của ông

+ Giới thiệu tác phẩm:

– Truyện ngắn “Cố hương” là một tác phẩm đã để lại nhiều xúc động trong lòng người đọc, bởi nó được viết lại với giọng văn rất chân thật, giản dị, thể hiện tấm lòng yêu quê hương của tác giả.

b. Thân bài:

– Hoàn cảnh tình huống chuyện:

– Trong truyện ngắn “Cố hương” chúng ta nhìn thấy hình ảnh quê hương trong mắt tác giả sau 20 năm xa cách vẫn những xóm làng hoang vắng, u buồn, không có gì thay đổi so với ngày tác giả ra đi khiến cho lòng người bỗng se lại, trùng xuống.

– Phân tích hình ảnh quê hương trong câu chuyện và trong lòng tác giả

– Trong miền ký ức của tác giả quê hương gắn liền với những kỷ niệm về những con người thân thương, về những nghi lễ như giỗ tổ.

– Quê hương trong lòng tác giả bao giờ cũng thân thương, có vui có buồn nhưng luôn là những kỷ niệm ngọt ngào mà tác giả không bao giờ quên được.

+ Phân tích hình ảnh người mẹ ở quê nhà?

– Quê hương với tác giả không chỉ là cảnh vật, kỷ niệm mà còn chính là hình ảnh người mẹ nơi quê nhà.

– Người mẹ dù đã già nua, những nếp nhăn hằn trên khóe mắt nhưng vẫn ngày đêm ngóng trông đứa con phương xa. Khi con vừa về tới nhà, bà mẹ đã chạy ra đón.

– Sự mừng rỡ của người mẹ thể hiện qua những nếp nhăn, ẩn qua những nỗi buồn sâu kín.

– Tình yêu dành cho quê hương luôn gắn liền với những kỷ niệm thiết tha, với những thứ như máu thịt, như người thân, như mẹ hiền thân thương.

+ Hình ảnh quê hương qua những kỷ niệm thơ ấu

– Phân tích tình bạn giữa tác giả và Nhuận Thổ?

– Cậu bé Nhuận Thổ là người rất thông minh, nhanh nhẹn, khuôn mặt bầu bĩnh dễ thương, toát lên vẻ tinh nghịch, với nhiều trò ranh ma, tinh quái, khiến cho tác giả nhiều lần phải nể phục hắn.

– Khi người mẹ già nhắc tới nhân vật Nhuận Thổ trong ký ức tác giả sáng bừng lên “vành trăng non trên bầu trời xanh miền thơ ấu”.

– Phân tích hình ảnh của người bạn Nhuận Thổ trong ký ức của tác giả và Nhuận Thổ hiện tại?

– Tác giả vô cùng đau buồn, khi bắt gặp người bạn Nhuận Thổ hiện tại. Khi người mẹ già nhắc tới nhân vật Nhuận Thổ trong ký ức tác giả sáng bừng lên “vành trăng non trên bầu trời xanh miền thơ ấu”. Điều này thể hiện tình cảm của tác giả với người bạn thân thương thủa nhỏ, người bạn nhỏ Nhuận Thổ cũng là một phần không thể thiếu của quê hương trong lòng tác giả.

+ Hình ảnh con đường ở cuối truyện ngắn gợi cho ta điều gì?

– Đọc truyện ngắn “Cố hương” chúng ta không thể quên được hình ảnh con đường mà tác giả viết ở cuối truyện.

– Hình ảnh con đường hiện lên như niềm tin, sự hy vọng tác giả dành cho những con người ở quê hương.

– Hy vọng về một con đường văn minh, con đường hạnh phúc sẽ làm đổi thay quê hương của tác giả. Hình ảnh con đường hiện lên như niềm tin, sự hy vọng tác giả dành cho những con người ở quê hương. Hy vọng một con đường văn minh, con đường hạnh phúc sẽ làm đổi thay quê hương của tác giả.

c. Kết bài

– Nêu cảm nhận của bản thân sau khi đọc xong truyện ngắn

– “Cố hương” là truyện ngắn hay nhiều ý nghĩa, khi đọc xong tác phẩm người đọc vẫn còn cảm thấy bùi ngùi xúc động, cảm thấy lòng nặng trĩu một nỗi buồn và trăn trở hy vọng về hình ảnh con đường mà tác giả đã nhắc đến.

2. Cảm nhận của em về truyện ngắn “Cố hương” của Lỗ Tấn

Lỗ Tấn (1881-1936) là nhà văn cách mạng   nổi tiếng của Trung Quốc. Truyện “Cố hương” là một truyện ngắn hay và xúc động. Nó mang mác một tình yêu quê hương vơi đầy. Nó ghi lại một cách chân thực và cảm động hồi ức tuổi thơ. Phản ánh số phận những con người quê hương với bao nỗi buồn thương và hi vọng.

Những nhân vật như tôi, mẹ tôi, cháu Hoàng, Nhuận Thổ, Thủy Sinh, chị Hải Dương là những con người của quê hương, gợi ra nỗi buồn vui về nơi chôn rau cắt rốn sâu nặng nghĩa tình.

Sau hai mươi năm xa cách “tôi” về thăm quê. Phải vượt qua 2000 dặm giữa một mùa đông lạnh giá. Lòng “tôi” bồi hồi khôn xiếc. Gió lạnh vi vu thổi vào khoang thuyền. Gần về đến làng trời u ám, xóm thôn xa dần, thấp thoáng xa dần, thấp thoáng tiêu điều, hoang vắng…..lòng “tôi” se lại đáng lẽ về quê là phải vui sao lại buồn? “Tôi” tự hỏi có phải đây là làng cũ thân yêu trong ký ức hay không?

Chuyến về quê lần này rất đặc biệt về để bán, giao lại nhà cho chủ mới. Về để từ giã ngôi nhà cũ nơi cả đại gia đình chúng tôi đời đời ở chung với nhau. Sao không buồn được vì sau hai mươi năm đi xa lần này tôi trở về để vĩnh biệt ngôi nhà yêu dấu và từ giã làng cũ thân yêu đem gia đình đến nơi đất khách nơi mà tôi đang làm ăn sinh sống.

Nói đến quê hương là thường nói đến tổ tiên ông bà, nơi để thể hiện sự tôn kính phụ dưỡng đối với ông bà cha mẹ. Nhưng trong “Cố hương” không thấy nói đến. Ở đây tác giả chỉ xúc động nói đến ký ức tuổi thơ khoảng ba mươi năm về trước. Một tình bạn đẹp với Nhuận Thổ con của một gia đình làm thuê cho nhà “tôi”. Nhờ Nhuận Thổ mà “tôi” biết được nhiều chuyện kỳ lạ. Nhờ Nhuận Thổ mà “tôi” cảm nhận được vẻ đẹp quê hương, với bao cảnh tượng thần ti

Quê hương cũ với bao kỉ niệm thời thơ bé. Cái ngày mà thầy “tôi” vẫn còn cảnh nhà sung túc sang trọng. Vòa ngày giỗ tổ các đồ ăn thức uống được bày sang trọng.

Quê hương trong kí ức mỗi người bao giờ cũng đẹp, cũng cảm động. Lỗ Tấn đã nói đến quê hương hiện tại và quê hương trong quá khứ lúc trên đường trở về, lúc gặp bạn cũ người xưa. Có cả niềm vui lẫn nỗi buồn hơn 30 năm đã trôi qua không thể nào quên được quê hương và tuổi thơ.

Mẹ đã già. “Tôi” đã trưởng thành., đi làm ăn xa lưu lạc 20 năm trời nay mới về thăm quê thăm mẹ. Gặp lại “tôi” mẹ mừng nhưng nét mặt lại ẩn chứa vẻ buồn. Chắc  là mẹ buồn vì những người đã khuất, buồn vì cảnh nhà sa sút phải bán nhà theo con trai đến miền đất mới xa quê hương yêu dấu.

Nhắc đến Nhuận Thổ mẹ thở than cho cảnh nhà anh ta. Mẹ bàn với “tôi” dọn nhà cái gì mang được đi thì mang đi còn không thì cho Nhuận Thổ hết,

Nếu mà ai không yêu mẹ và không yêu quê hương thì làm sao biết được mẹ là quê hương, quê hương chính là mẹ! Tình yêu yêu hương luôn gắn liền với người mẹ hiền mà ta yêu quý.

Nhuận Thổ là tình bạn tuổi thơ. Hình ảnh thủa lên 10 khuôn mặt tòn trĩnh, nước da bánh mật, đầu đội mũ lông chiên bé tý tẻo, cổ đeo vòng bạc sáng loáng. Và hắn đã dạy cho tôi nhiều trò lạ và tình yêu quê hương trong lòng tôi.

Không có tuổi thơ thì không có quê hương. Tình bạn tuổi thơ đã làm cho tình yêu quê hương mãi mãi tươi thắm.Hình ảnh Nhuận Thổ ấu thơ là hình ảnh quê hương là “vành trăng non trên bầu trời xanh miền thơ ấu”. Nhuận Thổ là một phần nhỏ của cố hương là tình yêu quê hương.

Hình ảnh Nhuận Thổ trong hiện tại là nỗi đau, nỗi buồn về quê hương. Sau 30 năm xa cách nay gặp lại Nhuận Thổ đã thay đổi quá nhiều. Da vàng xạm, những nếp nhăn trên mặt sâu hóm. Mắt thì đỏ mọng lên. Đầu thì đội cái mũ lông chiên rách tơi, mặc chiếc áo bông mỏng dính giữa trời rét dữ. Gặp lại bạn cũ Nhuận Thổ vừa hấn hở vừa thê lương, mấp máy đôi môi không ra tiếng sau mới  cung kính nói được hai tiếng. Bẩm ông! Lễ giáo và tôn ti trật tự phong kiến đã tạo nên giữa đôi bạn một bước tường ngăn cách quá lớn.

Hình ảnh Nhuận Thổ hiện tại là hình ảnh một xứ sở , một miền que xơ xác tiêu điều , người nông dân bị bần cùng hóa bị áp bức đến tận xương tủy. Thông qua hình ảnh Nhuận Thổ tác giả đã lên án nhưng tội ác của chế độ phong kiến đối với nhân dân từ đó dặt ra quyền sống và hạnh phúc của nhân dân trên đường đi tới.

Nói đến quê hương trong cố hương không thể không nhắc đến hình ảnh chị Hai Dương, chị Tây Thi đậu phụ ngày xưa son phấn nổi danh tài sắc bây giờ đã trở thành một vỏ bỉ trơ tráo.

Đọc “Cố hương” của Lỗ Tấn hình ảnh quê hương tươi đẹp trong tuổi thơ của tôi bỗng ùa về. Đó là một quê hương ngày càng phát triển và văn mình để sánh vai với các cường quốc nam châu. Đọc đi đọc lại “Cố hương” tôi vẫn chỉ ấn tượng với câu nói: ” Cũng giống như những con đường trên mặt đất; kỳ thực trên mặt đất  vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi”. Dù đi xa hay gần, dù có đến miền đất khác đi chăng nữa nhưng quê hương của chúng ta vẫn đẹp nhất, quê hương là người chung tình vẫn mãi đứng đó đợi chờ chúng ta.

3. Phân tích truyện ngắn “Cố hương” của Lỗ Tấn

Hình ảnh quê hương đã in dấu lại trong sáng tác của rất nhiều những nghệ sĩ trong đó có Lỗ Tấn. Nhắc đến ông là nhắc đến một nhà văn nổi tiếng, có nhiều đóng góp cho kho tàng văn chương Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung. Các tác phẩm tiêu biểu của Lỗ Tấn phải kể đến: “AQ chính truyện”, “Thuốc”, “Nhật kí của một người điên”,… và sẽ là một thiếu sót lớn nếu chúng ta không nhắc đến truyện ngắn “Cố hương”.

Truyện ngắn này được Lỗ Tấn sáng tác vào năm 1923, nằm trong tập “Gào thét”. Nhan đề “Cố hương” có nghĩa là quê cũ, nơi mình đã sinh ra và lớn lên nhưng hiện tại mình không ở đó nữa. Truyện kể về việc nhân vật “tôi” trở về quê hương sau hơn hai mươi năm xa quê. Cảnh vật làng quê trở nên tiêu điều, hoang vắng chứ không còn là một làng quê tươi đẹp đến nỗi không có hình ảnh ngôn ngữ nào có thể diễn tả được như trong trí nhớ của nhân vật. “Tôi” về quê lần này với mục đích nhằm đưa gia đình đến nơi đất khách để làm ăn, sinh sống. Mang trong mình nỗi buồn thương, xót xa, nhân vật “tôi” ra đi với mong ước cuộc sống của làng quê mình sẽ tốt đẹp hơn.

Mở đầu tác phẩm là hình ảnh cố hương hiện ra với sự u ám, thôn xóm, cảnh vật hoang tàn và thê lương “nằm im lìm dưới bầu trời màu vàng úa”. Chứng kiến khung cảnh đó, nhân vật “tôi” không nén được cảm xúc, “lòng se lại”. Trong trí nhớ của nhân vật, làng cũ vốn đẹp hơn và cũng không xơ xác, ảm đạm như thực tại. Quê hương trong kí ức của nhân vật “tôi” là những ngày “thầy tôi hãy còn, cảnh nhà còn sung túc, tôi đàng hoàng là một cậu ấm” và cả những kỉ niệm của tuổi thơ thật đáng nhớ.

Hình ảnh con người ở làng quê dần được hiện lên qua sự khắc họa tài tình của tác giả. Người mẹ thấy con về đã “chạy ra đón” bằng vẻ mặt rất mừng rỡ nhưng “vẫn ẩn một nỗi buồn thầm kín”. Người mẹ ấy đã gắn bó với quê hương bao nhiêu năm, nay phải rời xa nó nên trong lòng cũng lưu luyến, thương nhớ. Những ngày ở quê, nhân vật tôi còn gặp một số người khác như Nhuận Thổ, chị Hai Dương, cháu Hoàng, …

Nghe tin nhân vật “tôi” về quê, Nhuận Thổ đã đến chơi. Trong kí ức của “tôi”, Nhuận Thổ là một đứa bé chạc mười tuổi, “khuôn mặt tròn trĩnh, nước da bánh mật, đầu đội mũ lông chiên bé tí tẹo, cổ đeo vòng bạc sáng loáng”. Hắn ta là một cậu bé khỏe mạnh, lanh lợi, biết nhiều chuyện lạ lùng không thể kể xiết. Nhân vật “tôi” và NhuậnThổ có mối quan hệ chủ tớ do trước đây bố con Nhuận Thổ đi ở tháng cho nhà “tôi”. Hai người thân nhau và trở thành bạn bè. Đây là mối quan hệ bình đẳng, gắn bó với nhau.

Nhưng trong quá khứ Nhuận Thổ khôi ngô, lanh lợi bao nhiêu thì con người anh ta ở hiện tại lại hoàn toàn trái ngược bấy nhiêu. Nhuận Thổ “cao gấp hai trước, nước da màu vàng sạm, lại có thêm những nếp răn sâu hoắm”, “mi mắt viền đỏ húp mọng lên”. Anh ta đội “cái mũ lông rách tươm, mặc một chiếc áo bông mỏng dính, người co ro cúm rúm, tay cầm một bọc giấy và một tẩu thuốc lá dài”. Bàn tay “hồng hào, lanh lẹn, mập mạp, cứng rắn” trước dây không còn nữa mà thay vào đó là đôi bàn tay  “vừa thô kệch vừa nặng nề, nứt nẻ như vỏ cây thông”. Cuộc sống khốn khó, vất vả đã khiến Nhuận Thổ trở nên như vậy. Khi trông thấy người bạn tuổi thơ năm xưa của mình, Nhuận Thổ “vừa hớn hở, vừa thê lương, môi mấp máy nhưng cũng nói không ra tiếng” rồi anh lấy một dáng điệu “cung kính” chào. Điệu bộ, cử chỉ ấy phần nào bộc lộ mặc cảm về thân phận hèn kém của mình. Hoàn cảnh “con đông, mùa mất, thuế nặng, lính tráng, trộm cướp, quan lại, thân hào đày đọa thân anh khiến anh trở thành đần độn, mụ mẫm đi”. Sự thay đổi ở con người Nhuận Thổ khiến nhân vật “tôi” rất buồn và xót xa. Nhuận Thổ biến đổi như vậy cũng là vì sự sa sút kinh tế, những hà khắc của xã hội phong kiến Trung Quốc và do lối sống lạc hậu của những người nông dân không biết đứng lên đấu tranh cho chính mình.

Làng quê ấy không chỉ có Nhuận Thổ mà còn có chị Hai Dương được mệnh danh là “nàng Tây Thi đậu phụ”. Ngày xưa chị đẹp người, đẹp nết, trẻ trung còn bây giờ chị đã là một người đàn bà trên dưới 50 tuổi, “lưỡng quyền nhô ra, môi mỏng dính, hai tay chống nạnh, không buộc thắt lưng, chân đứng chạng ra, giống hệt cái com-pa trong bộ đồ vẽ, có hai chân bé tí”. Những lời nói ngoa ngoắt của chị đã bộc lộ một tính cách chua ngoa, đanh đá. Bằng biện pháp so sánh tương phản, Lỗ Tấn đã khắc họa rõ nét sự thay đổi về ngoại hình lẫn tính cách của hai nhân vật này. Qua đó, ông cũng tái hiện lại sự sa sút về các mặt của đời sống xã hội, sự suy thoái, những thay đổi tiêu cực trong lối sống của con người lao động.

Quê hương đẹp đẽ của nhân vật “tôi” chỉ còn đọng lại trong kí ức nên khi rời đi, nhân vật này “không chút lưu luyến”. Nhân vật “tôi” chỉ cảm thấy xung quanh là “bốn bức tường vô hình, nhưng rất cao, làm cho tôi vô cùng lẻ loi, ngột ngạt”. Ngột ngạt bởi cảnh vật làng quê hiu hắt, tiêu điều và sự thay đổi tiêu cực của con người. Họ trở nên tàn tạ, nghèo khổ, đần độn, ngoa ngoắt và vụ lợi. Có người đến để đưa chân, nhưng cũng có người đến để lấy đồ đạc. Họ lấy tất cả những đồ đạc trong ngôi nhà cũ, “hư hỏng, to nhỏ, xấu tốt đều mang đi sạch trơn như tuyết”. Nằm nghe nước vỗ vào mạn thuyền, nhân vật “tôi” mong ước cho Thủy Sinh và Hoàng không bị cách bức nhau như mình và Nhuận Thổ. Đồng thời “tôi cũng không muốn chúng nó vì thân thiết nhau mà phải vất vả, chạy vạy như tôi, cũng không muốn chúng nó phải khốn khổ mà đần độn như Nhuận Thổ, cũng không muốn chúng nó phải khốn khổ mà tàn nhẫn như bao nhiêu người khác”. Bọn trẻ phải sống một cuộc đời mới tốt đẹp hơn.

Tác giả đã khép lại “Cố hương” bằng hình ảnh con đường giàu ý nghĩa biểu tượng. Đây không chỉ là con đường đi thường ngày mà còn là con đường hướng con người đến cuộc sống tươi sáng, hạnh phúc hơn ở tương lai. Nhân vật “tôi” đã khẳng định: “kì thực trên mặt đất vốn làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi”. Con đường không có sẵn trong tự nhiên mà do chính con người tạo nên. “Tôi” luôn có niềm tin vào con đường mới sẽ giúp con người có một cuộc sống tự do, no ấm, đầy đủ hơn. Tình yêu quê hương mãnh liệt của nhân vật “tôi” được thể hiện qua niềm tin vào sự đổi thay của làng quê và con người theo hướng tích cực. Đó cũng là tư tưởng nhân đạo mà Lỗ Tấn kí thác trong tác phẩm của mình.

Truyện đã sử dụng linh hoạt những thủ pháp nghệ thuật như hiện tại, hồi ức, đối chiếu và xen kẽ nhau tạo nên một mạch truyện liên kết chặt chẽ. Bằng nghệ thuật miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật tinh tế, nhà văn đã khắc họa được những nhân vật một cách rõ nét, sinh động và chân thực. Việc sử dụng hình ảnh biểu tượng và các phương thức biểu đạt tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận đã góp phần không nhỏ trong việc tạo nên sự thành công của tác phẩm.

Qua truyện ngắn này, bạn đọc có thể thấy được tiếng nói tố cáo, phê phán  xã hội phong kiến cũ đồng thời ông cũng đặt ra vấn đề con đường đi của người nông dân lao động và toàn thể xã hội. Ông đã dùng thứ vũ khí lợi hại là ngôn từ để “biến đổi tinh thần” nhân dân đang trong tình trạng “ngu muội” và hèn nhát”.

Ngày:31/10/2020 Chia sẻ bởi:Xuân Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM