Soạn bài Một số thể loại văn học: Thơ, truyện Ngữ văn 11 đầy đủ

Nội dung bài soạn dưới đây nhằm giúp các em hiểu khái quát đặc điểm của một số thể loại văn học: thơ, truyện. Từ đó, các em sẽ biết vận dụng những hiểu biết đó vào việc đọc văn. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Soạn bài Một số thể loại văn học: Thơ, truyện Ngữ văn 11 đầy đủ

1. Soạn câu 1 trang 136 SGK Ngữ văn 11 đầy đủ

Nhận diện những loại và thể trong văn học được xác định một cách cụ thể như sau:

- Loại: là phương thức tồn tại chung.

- Thể: là sự hiện thực hóa của loại.

- Tác phẩm văn học bao gồm: tự sự, trữ tình, kịch.

+ Các thể loại trữ tình:  ca dao, thơ cách luật, thơ tự do, thơ trào phúng…

+ Các thể loại tự sự: truyện, ngắn, tiểu thuyết, truyện vừa, bút kí, phóng sự…

+ Các thể loại kịch:  kịch dân gian, kịch cổ điển, kịch hiện đại, bi kịch, hài kịch.

2. Soạn câu 2 trang 136 SGK Ngữ văn 11 đầy đủ

Những đặc trưng của thơ, các kiểu loại thơ và yêu cầu về đọc thơ như sau:

- Thơ có nhiều loại, tùy theo tiêu chí:

+ Phân loại thơ theo nội dung biểu hiện có: thơ trữ tình, thơ tự sự, thơ trào phúng.

+ Phân loại thơ theo cách thức tổ chức bài thơ có: thơ cách luật, thơ tự do, thơ văn xuôi.

- Khi đọc thơ cần tuân thủ những yêu cầu:

+ Cần viết rõ tên tác phẩm, tên tập thơ, tên tác giả, năm xuất bản, tìm hiểu những thông tin liên quan đến hoàn cảnh sáng tác bài thơ.

+ Đọc kĩ bài thơ, cảm nhận ý thơ qua câu chữ, hình ảnh, nhịp điệu. Ý thơ ở đây là cảm xúc, suy nghĩ, tâm trạng, những sự việc, sự vật... Đồng cảm với nhà thơ dùng liên tưởng, tưởng tượng, phân tích khả năng biểu hiện của từ ngữ, chi tiết, vần điệu,.. mới cảm nhận được ý thơ, thấu hiểu hình tượng thơ, cái tôi trữ tình, nhân vật trữ tình.

+ Từ những câu thơ đẹp, lời thơ lạ, ý thơ hay, từ hình tượng thơ, cái tôi trữ tình, nhân vật trữ tình,... đánh giá bài thơ cả về nội dung và nghệ thuật.

3. Soạn câu 3 trang 136 SGK Ngữ văn 11 đầy đủ

Khi tìm hiểu thể loại truyện chúng ta cần tóm lược đặc trưng của truyện, các kiểu loại truyện và yêu cầu về đọc truyện như sau:

- Đặc trưng của truyện:

+ Truyện tiêu biểu cho loại tự sự.

+ Phản ánh đời sống trong tính khách quan của nó.

+ Truyện có cốt truyện, tình tiết, sự kiện, biến cố, nhân vật và số phận của từng nhân vật, hoàn cảnh và môi trường, không gian và thời gian.

+ Ngôn ngữ có nhiều hình thức khác nhau: ngôn ngữ người kể chuyện, ngôn ngữ nhân vật; lời đối thoại, lời độc thoại nội tâm ; Ngôn ngữ truyện gần với ngôn ngữ đời sống.

- Các kiểu loại truyện:

+ Trong văn học dân gian: thần thoại, truyền thuyết...

+ Trong văn học trung đại: truyện viết bằng chữ Hán; Truyện thơ Nôm.

+ Trong văn học hiện đại: Truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài.

- Yêu cầu về đọc:

+ Tìm hiểu bối cảnh xã hội, hoàn cảnh.

+ Đọc kĩ truyện, nắm vững cốt truyện và có thể tóm tắt nội dung truyện.

+ Phân tích nhân vật, phân tích tình huống truyện và ý nghĩa của tình huống đối với việc khắc họa chủ đề của truyện. Khái quát chủ đề tư tưởng của truyện.

4. Soạn câu 1 luyện tập trang 136 SGK Ngữ văn 11 đầy đủ

Nhận xét và phân tích về bài thơ "Câu cá mùa thu" của Nguyễn Khuyến theo đặc trưng thể loại:

- Bài thơ gợi tình yêu và sự gắn bó sâu sắc với thiên nhiên vùng đồng bằng Bắc Bộ. Cảnh thu đẹp, được miêu tả qua màu sắc: nước trong veo, sóng biếc, trời xanh ngắt; qua đường nét: sóng hơi gợn tí, lá vàng khẽ đưa vèo, tầng mây lơ lửng. Cảnh thu đẹp nhưng vẫn có một chút nét buồn phảng phất. Cảnh buồn một phần bởi thi đề mùa thu trong văn học vốn đã gắn với những nét buồn sầu man mác nhưng có lẽ cái nét buồn vương vấn trong bài thơ chủ yếu là cái nét buồn lan ra từ tâm trạng nhân vật của nhân vật trữ tình. Tuy vậy, xuyên suốt bài thơ, người đọc mới thấy nhân vật trữ tình xuất hiện nhưng là xuất hiện trong tư thế của người đi câu (Tựa gối ôm cần lâu chẳng được) mà thực không phải thế. Đó là tư thế của con người u uẩn trong nỗi lo triền miên, chìm đắm.

- Câu cá mùa thu là một minh chứng sinh động về sức biểu đạt của ngôn từ tiếng Việt. Ngôn ngữ trong sáng, giản dị, đặc biệt vần “eo” được Nguyễn Khuyến sử dụng rất tài tình. Vần “eo” hợp với tất cả các câu bắt buộc (câu 1,2,4 và câu 8). Nó góp phần diễn tả cảm giác về một không gian thu nhỏ hẹp dần và khép kín lại, tạo nên sự hài hòa với tâm trạng đầy uẩn khúc của nhân vật trữ tình.

- Ngoài ra bài thơ còn thành công trong việc sử dụng các biện pháp nghệ thuật: lấy động tả tĩnh, sử dụng các tính từ: trong veo, xanh biếc, xanh ngắt,...

5. Soạn câu 2 luyện tập trang 136 SGK Ngữ văn 11 đầy đủ

Nhận xét và phân tích về cốt truyện, nhân vật, lời kể trong truyện ngắn "Hai đứa trẻ" của Thạch Lam:

- Hai đứa trẻ một trong những truyện ngắn đặc sắc nhất của Thạch Lam: giá trị hiện thực và tinh thần nhân đạo sâu sắc.

- Truyện không có cốt truyện, chỉ là tâm trạng của Liên và An đợi tàu đi qua.

- Thạch Lam chú trọng đi sâu vào nội tâm của nhân vật với những cảm giác mơ hồ, mong manh bằng lối viết tinh tế, sâu sắc.

- Tác giả sử dụng thành công biện pháp nghệ thuật đối lập, tương phản nhấn mạnh khung cảnh nghèo nàn, hiu hắt của phố huyện nghèo.

- Lối kể chuyện thủ thỉ, tâm tình thấm đượm chất thơ, ẩn sâu sau những hình ảnh và ngôn từ là tâm hồn nhân hậu, tinh tế, nhạy cảm trước mọi chuyển động trong tâm trạng con người.

Ngày:13/10/2020 Chia sẻ bởi:Denni Trần

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM