Soạn bài Lẽ ghét thương Ngữ văn 11 đầy đủ

Nội dung bài "Lẽ ghét thương" dưới đây sẽ giúp các em cảm nhận được tình cảm yêu ghét phân minh, mãnh liệt, xuất phát từ tấm lòng thương dân sâu sắc của tác giả. Đồng thời, các em sẽ hiểu được đặc trưng cơ bản của bút pháp trữ tình Nguyễn Đình Chiểu. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Soạn bài Lẽ ghét thương Ngữ văn 11 đầy đủ

1. Soạn câu 1 SGK trang 48 Ngữ văn 11 đầy đủ

- 10 câu thơ đầu: Những điều ông Quán ghét:

+ Ghét việc tầm phào, ghét vua Trụ mê dâm, U Vương, Lệ Vương, Ngũ bá, ghét đời thúc quý phân băng.

+ Điểm chung của vua chúa được nhắc tới trong 10 câu thơ đầu là ăn chơi, hoang dâm vô độ, ham quyền lợi, tranh đoạt quyền lợi, không giúp nước giúp dân.

+ Nguyên nhân của sự ghét đó là do lòng thương dân, vì dân của tác giả, ghét những kẻ hại dân, làm dân lầm than, khốn khổ.

- 14 câu thơ tiếp theo thể hiện: Lẽ thương của ông Quán:

+ Nói tới những bậc hiền tài phải chịu lận đận, không được ước nguyện giúp đời: Khổng Tử, Nhan Uyên, Gia Cát Lượng, Đổng Trọng Thư, Hàn Dũ, thương thầy Liêm, Lạc.

+ Tác giả đã nói đến những trí thức nho sĩ có tài, có đức, ngay thẳng nhưng không gặp thời, không thỏa lòng giúp nước, giúp đời.

+ Tác giả tìm thấy bóng dáng của chính mình, nỗi khao khát trong ước mơ lập thân giúp đời, giúp dân.

2. Soạn câu 2 SGK trang 48 Ngữ văn 11 đầy đủ

- Đoạn trích thành công khi sử dụng một cách linh hoạt các biện pháp tu từ:

+ Phép điệp: Tần số sử dụng rất lớn (từ "ghét" được lặp lại đến 12 lần, từ "thương" cũng được lặp lại 12 lần.

+ Phép đối: Đối trong cả đoạn thơ "ghét ... ghét"; "thương ... thương". Chúng ta thấy rất rõ trong đoạn thơ trên có 10 câu về lẽ ghét, 14 câu về lẽ thương và tiểu đối trong một câu thơ ("hay ghét ... hay thương"; "thương ghét ... ghét thương"; "lại ghét ... lại thương").

- Giá trị nghệ thuật của các biện pháp tu từ:

+ Biểu hiện sự trong sáng, phân minh, sâu sắc trong tâm hồn tác giả: Hai hình tượng ghét - thương cùng xuất phát từ một trái tim đa cảm tưởng như đối lập mà lại hoàn toàn thống nhất. Mở đầu đoạn thơ là một câu gắn kết: "Vì chưng hay ghét cũng là hay thương", kết thúc cũng một câu như thế: "Nửa phần lại ghét, nửa phần lại thương". "Thương" là cội nguồn của cảm xúc, "ghét" cũng là từ thương mà ra. "Thương""ghét" cứ đan cài, tiếp nối, không thể tách rời, rất sâu nặng trong tâm hồn tác giả; thương ra thương, ghét ra ghét, không mập mờ, lẫn lộn, cũng không nhạt nhòa, chung chung.

+ Tăng cường độ cảm xúc: Yêu thương và căm ghét đều đạt đến độ tột cùng, yêu thương rất mực và căm ghét cũng đến đến cùng.

+ Trong hai câu thơ 7 - 8, lời lẽ bình dị, không đẽo gọt cầu kì nhưng nhờ biện pháp lặp từ (tới 4 lần trong hai câu thơ) nghe như đay nghiến, như xiết vào lòng người. Qua đó, ta có thể cảm nhận được độ sâu nặng của cảm xúc, nỗi ghét dường như đạt đến độ tận cùng của tình cảm con người "ghét vào tận tâm".

3. Soạn câu 3 SGK trang 48 Ngữ văn 11 đầy đủ

- Câu thơ ở phần đầu đoạn trích "vì chưng hay ghét cũng là hay thương" cho thấy mối quan hệ khăng khít không thể tách rời giữa hai tình cảm "ghét""thương" trong tâm hồn nhà thơ. Tác giả đã bày tỏ nỗi thương đến xót xa trước cảnh nhân dân phải chịu lầm than, khổ cực, tác giả thương cho những con người tài đức mà bị vùi dập, phải mai mọt tài năng và chí nguyện bình sinh nên Nguyễn Đình Chiểu càng căm ghét những kẻ làm hại dân, hại đời, đẩy con người vào những cảnh ngộ éo le, oan nghiệt. Giữa cuộc đời đầy rẫy những bất công , ngang trái, trái tim yêu thương của nhà thơ không thể không cất lên tiếng nói bất bình, căm hận những gì lỗi đạo trời, trái đạo người. Vì vậy, câu thơ "vì chưng hay ghét cũng là hay thương" đó là đỉnh cao tư tưởng và tình cảm của Nguyễn Đình Chiểu.

4. Soạn câu luyện tập SGK trang 48 Ngữ văn 11

- Câu thơ "vì chưng hay ghét cũng là hay thương" thâu tóm toàn bộ ý nghĩa tư tưởng và tình cảm của cả đoạn thơ, nó thể hiện tư tưởng, tình cảm của Nguyễn Đình Chiểu dành cho những con người tri thức nhưng có số phận ngang trái, không thể thỏa chí giúp dân, giúp nước, đó còn là tình cảm mà mà ông dành cho nhân dân, ông xót thương cho cảnh ngộ lầm than của nhân dân, bị vùi dập vì những kẻ hại dân bán nước. Ông Quán ở đây đã thể hiện thái độ bộc trực, ngay thẳng, phân minh, rạch ròi, ông giàu tình thương cũng nặng nề nỗi ghét "ghét cay, ghét đắng, ghét vào tận tâm". Cách biểu hiện cảm xúc mang đậm tính cách con người miền Nam đất Việt, đó là tính tình con người đơn giản, thẳng thắn. Câu thơ "vì chưng hay ghét cũng là hay thương" thâu tóm được toàn bộ nội dung, ý nghĩa, tư tưởng, tình cảm của đoạn thơ, đoạn thơ vì thế mang tính triết lí đạo đức nhưng không hề khô khan, cứng nhắc mà dạt dào cảm xúc, những cảm xúc đạo đức sâu sắc mà nồng đậm đó xuất phát từ cõi tâm trong sáng, cao cả của nhà thơ, một trái tim sâu nặng với tình đời, tình người.

Ngày:20/08/2020 Chia sẻ bởi:Thanh Nhàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM