Soạn bài đọc thêm Chạy giặc Ngữ văn 11 đầy đủ

Nội dung bài đọc thêm "Chạy giặc" dưới đây sẽ cung cấp cho các em một cách đầy đủ về kiến thức trọng tâm của bài học. Từ đó, các em sẽ có thể tìm hiểu bài một cách dễ dàng hơn. Mời các em cùng tham khảo!

Soạn bài đọc thêm Chạy giặc Ngữ văn 11 đầy đủ

1. Soạn câu 1 SGK trang 49 Ngữ văn 11 đầy đủ

- Cảnh đất nước và nhân dân khi thực dân Pháp đến xâm lược được tác giả miêu tả như sau:

+ Mở đầu nhà thơ dùng cảnh chợ tan để thông báo một hiện thực tan nát. Lúc tan chợ là khung cảnh tập trung người đông đúc, thanh bình, người người đi mua bán, sự xâm lược của thực dân Pháp đã phá vỡ cuộc sống bình yên đó.

+ Cảnh loạn lạc diễn ra rất nhanh “phút sa tay”, mọi sự chuẩn bị không thể nào ngăn cản bước tiến của kẻ thù. Tiếng súng là sự mở đầu cho cuộc xâm lược của thực dân Pháp.

+ "Một bàn cờ thế phút sa tay": Nói lên tình cảnh của đất nước ta hiện giờ rất khó khăn, nguy hiểm, chỉ cần đi sai một bước hậu quả khôn lường.

+ Nhân dân ta hoảng loạn, tan tác, nơi ở xác xơ tan hoang: "Lũ trẻ lơ xơ chạy", "bầy chim dáo dác bay".

+ Đối tượng của cuộc chạy giặc được đặc tả là “lũ trẻ”, lối chạy là ngơ ngác, thất thần, không người dẫn dắt “lơ xơ chạy”. Cách miêu tả này cho thấy sự hoảng loạn cùng tận của con người, lũ trẻ bị lạc mất bố mẹ, bố mẹ không tìm thấy con hoặc đã bị giết vì kẻ thù.

+ Hình ảnh “bầy chim dáo dác bay” vừa diễn tả đàn chim, những sinh vật hiền lành sống trong tự nhiên cũng bị tác động bởi bom đạn chiến tranh, bởi sự tàn phá mái ấm do thực dân Pháp gây ra, vừa là hình ảnh ẩn dụ cho “lũ trẻ”. như đàn chim kia, bọn trẻ không còn nơi nương náu.

+ Không gian chạy giặc tiếp tục được mở rộng. Ban đầu cái nhìn của tác giả tập trung cận cảnh (trên mặt đất với hình ảnh những đứa bé bơ vơ đang chạy giặc), mở rộng lên trời (đàn chim bay dáo dác), rồi tiếp tục mở rộng ra thêm nữa (với Bến Nghé, Đồng Nai).

+ Cách đảo trạng từ (lơ xơ, dáo dác) lên trước động từ càng khắc họa thêm động thái hoang mang, bơ vơ của những sinh linh bé bỏng.

+ Cuộc tàn phá diễn ra trên diện rộng, đâu đâu cũng thấy tội ác của kẻ thù: của tiền tan bọt nước, tranh ngói nhuốm màu mây.

=> Sự bị động của nhân dân, của triều đình phong kiến trước sự xâm lược của kẻ thù đã dẫn đến hậu quả là mất nước. Đồng nghĩa với việc mất mát về người, về của là những vết thương không dễ gì lành lại được.

- Nét đặc sắc trong ngòi bút tả thực của tác giả:

+ Với ngôn ngữ hiện thực, trong trẻo, hai câu tả thực (câu 3, 4) của bài thơ là một bức tranh cụ thể sinh động thể hiện lại tình cảnh tan tác bi thương của nhân dân khi ấy. Sự xuất hiện của giặc thù quá đột ngột, sự chống chọi của quân ta lại thất bại quá nhanh chóng khiến cảnh dắt dìu gồng gánh nhau chạy loạn càng thật đau lòng. Đang sống hạnh phúc êm ấm bên những người thân, bất chợt giặc thù từ đâu ập đến bắt giết, mọi gia đình đều chưa chuẩn bị gì, chỉ biết hốt hoảng dắt nhau trốn chạy. Nhà thơ đặc tả cảnh tượng ấy bằng hai chữ hình ảnh lũ trẻ lơ xơ chạy và bầy chim dáo dác bay. Lối đảo ngữ lơ xơ, dáo dác lên trước trong trường hợp này làm nổi bật lên trước mắt người đọc dáng vẻ xơ xác, tan tác của lũ trẻ và bầy chim nhưng cũng khắc họa được tâm trạng hoang mang và ngơ ngác của chúng.

+ Ban đầu cái nhìn của tác giả tập trung cận cảnh (trên mặt đất với hình ảnh những đứa bé bơ vơ đang chạy giặc), mở rộng lên trời (đàn chim bay dáo dác), rồi tiếp tục mở rộng ra thêm nữa (với Bến Nghé, Đồng Nai). Hai câu tiếp theo, không gian chạy giặc đã được mở rộng, ông tiếp tục vẽ lên một bức tranh toàn cảnh quê hương bị giặc thù đang tâm tàn phá trong một không gian thật là xa rộng:

"Bến Nghé của tiền tan bọt nước

Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây".

 2. Soạn câu 2 SGK trang 49 Ngữ văn 11 đầy đủ

- Từ cảnh thực, bài thơ được khép lại bằng sự xót xa:

"Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng

Nỡ để dân đen mắc nạn này? ".

+ Tâm trạng bao trùm bài thơ là nỗi đau. Nỗi đau ấy thấm sâu vào tận câu chữ nhưng đọng lại đậm nét nhất là hai câu kết. Đó là câu hỏi nhưng là câu hỏi tu từ. Câu hỏi nhưng cũng là mỉa mai, trách cứ. “Trang dẹp loạn” là cách nói trang trọng, thường để chỉ những đấng anh hùng, nhưng “trang dẹp loạn” đi liền sau câu hỏi “rày đâu vắng?” càng tăng thêm tính mỉa mai. Hai câu cuối còn là một tiếng kêu cứu. Vì vậy, bài thơ là nỗi đau, đau nước, đau dân, đau lòng. Trong nỗi đau ấy còn có cả nỗi đau của một tấm lòng trung quân đã cảm thấy sự đổ vỡ niềm tin vào triều đình phong kiến.

+ Từng câu, từng chữ trong mỗi câu thơ là một tiếng kêu đau đớn, xót xa xuất phát từ trái tim nồng nàn yêu quê hương, đất nước, đỏ rực ngọn lửa căm thù trước tội ác trời không dung đất không tha của giặc. Nhà thơ không những đau xót vì cảnh quốc phá gia vong, nhân dân tan tác, đau thương, lơ xơ, dáo dác mà ông còn thất vọng và bất bình biết mấy trước tình cảnh quê hương ngập tràn bóng giặc mà quân của triều đình thì bặt tăm khuất dạng bỏ mặc nhân dân phải chịu thống khổ điêu linh.

 3. Soạn câu 3 SGK trang 49 Ngữ văn 11 đầy đủ

- Hai câu thơ cuối bài đã bộc lộ nỗi niềm trăn trở của tác giả. Câu hỏi tu từ vang lên đầy tha thiết, không chỉ là kêu gọi mà còn là hàm ý bao thắc mắc trước sự vắng mặt của kẻ có trách nhiệm với quê hương, đất nước. Câu thơ còn bộc lộ sự thất vọng sâu sắc về triều đình cũng như biểu hiện được lòng thương dân sâu sắc của Đồ Chiểu.

- Nguyễn Đình Chiểu đặt ra câu hỏi, không phải hỏi chung chung mà là hỏi rất cụ thể: "Trang" chỉ người đáng kính trọng. "Trang dẹp loạn" là người có chức trách trước tình cảnh của nước, của dân. Nhà thơ đề cao họ trong mấy từ này. Song câu kết "nỡ để dân đen mắc nạn này" lại hạ thấp họ. Sự thờ ơ, vô trách nhiệm của triều đình nhà Nguyễn, của vua, quan chức sắc, của tư tưởng bạc nhược, của hành động hèn nhát có thấy gì không? Câu hỏi như một cái tát không kìm nén của một người yêu nước vào mặt những con người ấy. Tiếng kêu quặn thắt của một tấm lòng trung quân đã cảm thấy đổ vỡ niềm tin đối với triều đình phong kiến nhà Nguyễn. Đồng thời nhà thơ cũng không giấu nỗi xót xa. Tất cả những điều đó đều nói lên lòng yêu nước, thương dân của Nguyễn Đình Chiểu. 

Ngày:20/08/2020 Chia sẻ bởi:Nhi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM