Lịch sử 11 Bài 25: Sơ kết lịch sử Việt Nam (1858-1918)
Hôm nay, để củng cố lại một lần nữa những kiến thức cơ bản nhất và trọng tâm nhất trong phần lịch sử Việt Nam từ 1858 đến năm 1918, chúng ta cùng đến với bài "Sơ kết lịch sử Việt Nam 1858 – 1918" lịch sử 11. Hi vọng, bài học sẽ giúp các bạn nắm vững kiến thức hơn.
Mục lục nội dung
1. Tóm tắt lý thuyết
1.1. Nước Việt Nam giữa thế kỉ XIX - trước cuộc xâm lược của tư bản Pháp
- Giữa thế kỷ XIX, chế độ phong kiến Việt Nam bước vào giai đoạn khủng hoảng:
+ Mâu thuẫn xã hội nảy sinh (bạo loạn và khởi nghĩa bùng nổ khắp nơi).
+ Kinh tế tiểu nông cần được phát triển gặp trở lực lớn là chế độ chiếm hữu và bóc lột phong kiến lỗi thời.
→ Yêu cầu lịch sử: thống nhất đất nước, tạo điều kiện cho nên kinh tế hàng hóa và thị trường dân tộc phát triển, giải phóng sức sản xuất và cải thiện đời sống nhân dân.
- Trong khi đó, các nước phương Tây đang trên con đường phát triển tư bản chủ nghĩa ráo riết bành trướng thế lực sang phương Đông.
- Sau một thời gian dài điều tra, tư bản Pháp đã tìm cách thực hiện âm mưu xâm lược Việt Nam.
1.2. Thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam và cuộc kháng chiến của nhân dân ta
a) Thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam và cuộc kháng chiến của nhân dân ta
- Ngày 1/9/1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng đánh vào cửa biển Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Sau gần 30 năm (1858 - 1884) thực dân Pháp đã từng bước hoàn thành quá trình xâm lược Việt Nam.
- Do thiếu đường lối chỉ đạo đúng đắn và quyết tâm kháng chiến của triều đình nhà Nguyễn, cuối cùng Việt Nam bị rơi vào tay thực dân Pháp.
- Trái ngược với thái độ của triều đình Huế, ngay từ đầu nhân dân Việt Nam đã đứng dậy chiến đấu chống Pháp. Cuộc chiến tranh nhân dân bền bỉ, đều khắp, với tinh thần dũng cảm, quyết tâm,... Tuy đều thất bại nhưng đã làm chậm quá trình xâm lược và bình định Việt Nam của Pháp.
b) Nhận xét chung về phong trào chống Pháp ở nửa cuối thế kỷ XIX
- Quy mô: khắp miền Trung Kỳ và Bắc Kỳ, thành phần tham gia bao gồm các sĩ phu, văn thân yêu nước và đông đảo nông dân, rất quyết liệt, tiêu biểu phong trào Cần Vương.
- Hình thức và phương pháp đấu tranh: khởi nghĩa vũ trang (phù hợp với truyền thống đấu tranh của dân tộc).
- Tính chất: là cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
- Nguyên nhân thất bại: thiếu một lực lượng xã hội tiên tiến, có đủ năng lực lãnh đạo phong trào.
- Ý nghĩa: chứng tỏ ý chí đấu tranh giành lại độc lập dân tộc của nhân dân ta rất mãnh liệt, không gì tiêu diệt được và để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu.
1.3. Những biến đổi trong đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam đầu thế kỉ XX.
- Từ năm 1897, thực dân Pháp bắt tay vào công cuộc khai thác thuộc địa quy mô, có hệ thống trên toàn cõi Đông Dương.
→ Việt Nam dần dần trở thành một nước nửa thuộc địa nửa phong kiến và biến thành nơi cung cấp sức người, sức của rẻ mạt cho Pháp.
- Công cuộc khai thác thuộc địa của Pháp cũng làm nảy sinh những nhân tố mới, ngoài ý muốn của chúng, như:
+ Sự du nhập của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa vào Việt Nam.
+ Xuất hiện các giai cấp, tầng lớp mới (công nhân, tư sản, tiểu tư sản).
- Bộ phận sĩ phu đang trên con đường tư sản hóa, đã đóng một vai trò khá quan trọng trong việc tiếp thu những luồng tư tưởng mới để dấy lên một cuộc vận động yêu nước tiến bộ, mang màu dân chủ tư sản ở Việt Nam hồi đầu thế kỉ XX.
1.4. Phong trào yêu nước và cách mạng
- Trong hoàn cảnh khuynh hướng cứu nước phong kiến đã lỗi thời, trào lưu tư tưởng dân chủ tư sản từ Nhật Bản Trung Quốc dội vào Việt Nam → Các sĩ phu yêu nước đón nhận, mở cuộc vận động đổi mới trên các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa.
- Do hạn chế từ giai cấp lãnh đạo, cuộc vận động của các sĩ phu yêu nước chỉ mới tạo ra được một cuộc vận động theo khuynh hướng dân chủ tư sản chứ chưa có khả năng làm bùng nổ một cuộc cách mạng tư sản thực sự ở nước ta.
- Bùng nổ phong trào đấu tranh của nông dân, điển hình là khởi nghĩa Yên Thế và cuộc nổi dậy của đồng bào dân tộc thiểu số.
- Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, phong trào cách mạng Việt Nam rơi vào tình trạng khủng hoảng về đường lối và giai cấp lãnh đạo => Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Những hoạt động thời kì này của Người là cơ sở quan trọng để xác định con đường cứu nước đúng đắn cho cách mạng Việt Nam.
2. Luyện tập
Câu 1: Bằng những sự kiện lịch sử đã học, hãy chứng minh: phong trào yêu nước và cách mạng của nhân dân ta cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX (đến hết Chiến tranh thế giói thứ nhất) diễn ra liên tục, sôi nổi và rộng khắp.
Gợi ý trả lời:
- Cuối thế kỷ XIX, mặc dù triều đình phong kiến nhà Nguyễn ký các Hiệp ước Hácmăng (Harmand) năm 1883 và Patơnốt (Patenôtre) năm 1884, đầu hàng thực dân Pháp, song phong trào chống thực dân Pháp xâm lược vẫn diễn ra. Phong trào Cần Vương (1885-1896), một phong trào đấu tranh vũ trang do Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết phát động, đã mở cuộc tiến công trại lính Pháp ở cạnh kinh thành Huế (1885). Việc không thành, Tôn Thất Thuyết đưa Hàm Nghi chạy ra Tân Sở (Quảng Trị), hạ chiếu Cần Vương. Mặc dù sau đó Hàm Nghi bị bắt, nhưng phong trào Cần Vương vẫn phát triển, nhất là ở Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ, tiêu biểu là các cuộc khởi nghĩa: Ba Đình của Phạm Bành và Đinh Công Tráng (1881-1887), Bãi Sậy của Nguyễn Thiện Thuật (1883-1892) và Hương Khê của Phan Đình Phùng (1885-1895). Cùng thời gian này còn nổ ra cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo, kéo dài đến năm 1913.
- Thất bại của phong trào Cần Vương chứng tỏ sự bất lực của hệ tư tưởng phong kiến trong việc giải quyết nhiệm vụ giành độc lập dân tộc do lịch sử đặt ra.
- Đầu thế kỷ XX, Phan Bội Châu chủ trương dựa vào sự giúp đỡ bên ngoài, chủ yếu là Nhật Bản, để đánh Pháp giành độc lập dân tộc, thiết lập một nhà nước theo mô hình quân chủ lập hiến của Nhật. Ông lập ra Hội Duy tân (1904), tổ chức phong trào Đông Du (1906-1908).Chủ trương dựa vào đế quốc Nhật để chống đế quốc Pháp không thành, ông về Xiêm nằm chờ thời. Giữa lúc đó Cách mạng Tân Hợi bùng nổ và thắng lợi (1911). Ông về Trung Quốc lập ra Việt Nam Quang phục Hội (1912) với ý định tập hợp lực lượng rồi kéo quân về nước võ trang bạo động đánh Pháp, giải phóng dân tộc, nhưng rồi cũng không thành công.
- Phan Châu Trinh chủ trương dùng những cải cách văn hóa, mở mang dân trí, nâng cao dân khí, phát triển kinh tế theo hướng tư bản chủ nghĩa trong khuôn khổ hợp pháp, làm cho dân giàu, nước mạnh, buộc thực dân Pháp phải trao trả độc lập cho nước Việt Nam. ở Bắc Kỳ, có việc mở trường học, giảng dạy và học tập theo những nội dung và phương pháp mới, tiêu biểu là trường Đông Kinh nghĩa thục Hà Nội. ở Trung Kỳ, có cuộc vận động Duy tân, hô hào thay đổi phong tục, nếp sống, kết hợp với phong trào đấu tranh chống thuế (1908).
- Do những hạn chế về lịch sử, về giai cấp, nên Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, cũng như các sĩ phu cấp tiến lãnh đạo phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX không thể tìm được một phương hướng giải quyết chính xác cho cuộc đấu tranh giải phóng của dân tộc, nên chỉ sau một thời kỳ phát triển đã bị kẻ thù dập tắt.
→ Phong trào yêu nước và cách mạng của nhân dân ta cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX (đến hết Chiến tranh thế giới thứ nhất) diễn ra liên tục, sôi nổi và rộng khắp.
3. Trắc nghiệm Online
Các em hãy luyện tập bài trắc nghiệm Sơ kết lịch sử Việt Nam Lịch sử 11 sau để nắm rõ thêm kiến thức bài học.
4. Kết luận
Sau bài học các em cần nắm được:
- Những nét cơ bản về tình hình Việt Nam giữa thế kỉ XIX - trước cuộc xâm lược của tư bản Pháp.
- Nội dung cơ bản về những biến đổi trong đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam đầu thế kỉ XX.
- Thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam và cuộc kháng chiến của nhân dân ta.
- Nhận xét chung về phong trào chống Pháp ở nửa cuối thế kỷ XIX.
- Những nét cơ bản về phong trào yêu nước và cách mạng Việt Nam cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX.
Tham khảo thêm
- doc Lịch sử 11 Bài 22: Xã hội Việt Nam trong cuộc khai thác lần thứ nhất của thực dân Pháp
- doc Lịch sử 11 Bài 23: Phong trào yêu nước và cách mạng ở Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến chiến tranh thế giới thứ nhất (1914)
- doc Lịch sử 11 Bài 24: Việt Nam trong những năm chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918)