Vông nem - Chữa trị mất ngủ, mụn nhọt, loét, trĩ, lậu
Các bộ phận của cây vông nem như lá, hoa và vỏ thân có tính bình, vị đắng có tác dụng an thần, làm lành vết loét,… thường dùng chủ trị các bệnh như trĩ, phong thấp, chứng mất ngủ,…Mời bạn đọc cùng tham khảo bài viết dưới đây của eLib.VN để biết thêm về vị thuốc vông nem.
Mục lục nội dung
Lá đã phơi khô của cây Vông nem (Erythrina variegata L. = Erythrina indica Lamk.), họ Đậu (Fabaceae).
1. Mô tả
Lá có cuống dài gồm ba lá chét. Mỗi lá chét hình gần như ba cạnh, đầu lá thuôn nhọn, đáy vát tròn, mép lá nguyên, mặt lá nhẵn. Mỗi lá chét dài 6 - 13 cm, rộng 6 - 15 cm. Lá chét giữa thường có chiều rộng lớn hơn chiều dài, lá khô có màu lục xám, nhăn nheo, nhàu nát. Thường được cắt bỏ cuống hoặc để cuống dài dưới 1 cm.
2. Vi phẫu
Phần gân giữa: Biểu bì trên và biểu bì dưới gồm một lớp tế bào xếp đều đặn, riêng biểu bì dưới có mang lỗ khí và lông tiết hình trứng, đầu đa bào, chân đơn bào rất ngắn. Sát lớp biểu bì trên và dưới có mô dày. Trong mô mềm rải rác có calci oxalat hình thoi và hình đa giác. Libe-gỗ xếp thành một vòng ở chính giữa gân lá. Vòng mô cứng bao bọc bên ngoài các bó libe - gỗ. Mô mềm gồm những tế bào hình tròn to, thành mỏng.
Phần phiến lá: Dưới biểu bì trên là mô mềm giậu gồm 2 lớp tế bào dài, dưới là mô mềm khuyết. Từng quãng có những bó libe-gỗ của gân nhỏ nối liền biểu bì trên và biểu bì dưới, cắt ngang mô mềm giậu và mô mềm khuyết. Rải rác có calci oxalat hình thoi và hình đa giác.
3. Bột
Mảnh biểu bì trên gồm tế bào nhiều cạnh, ngoằn ngoèo, thành mỏng. Mảnh biểu bì dưới có lỗ khí kiểu cà phê và lông tiết hình trứng đầu đa bào (gồm 4 - 6 tế bào xếp chồng lên nhau), chân đơn bào rất ngắn, mảnh gân lá tế bào hình chữ nhật thành mỏng, có chứa calci oxalat hình thoi và hình đa giác. Mảnh mô mềm giậu, bó sợi thành hơi dày. Mảnh mạch mạng, mạch xoắn.
4. Định tính
Lấy 2 g bột dược liệu cho vào bình nón dung tích 50 ml, thấm ẩm bằng amoniac đậm đặc (TT), rồi cho vào bình 15 - 20 ml cloroform (TT), lắc nhẹ, đặt trên cách thuỷ sôi trong 2 - 3 phút, lọc vào bình gạn qua giấy lọc đã được thấm ẩm bằng cloroform. Lắc 2 lần, mỗi lần với 5 ml dung dịch acid hydrocloric 0,1 N (TT). Để yên cho dung dịch tách thành 2 lớp, gạn lấy lớp acid. Gộp dịch chiết acid rồi chia vào 3 ống nghiệm để làm các phản ứng sau:
Ống 1: Thêm 2 giọt thuốc thử Bouchardat (TT), xuất hiện tủa nâu.
Ống 2: Thêm 2 giọt thuốc thử Mayer (TT), xuất hiện tủa vàng nhạt.
Ống 3: Thêm 2 giọt thuốc thử Dragendorff (TT), xuất hiện tủa vàng cam.
5. Độ ẩm
Không quá 13%.
Tro toàn phần: Không quá 8%.
Tro không tan trong acid hydrocloric: Không quá 2,5%.
6. Tạp chất
Không quá 1%.
Kim loại nặng
Không quá 10 ppm Pb; 0,5 ppm Cd; 1 ppm Hg; 5 ppm As (Phụ lục 9.4.8, phương pháp 3, dùng 1 g mẫu thử).
7. Định lượng
Cân chính xác khoảng 10 g bột dược liệu cho vào bình nón 250 ml, thêm 100 ml ethanol 96% (TT), đun hồi lưu cách thuỷ trong 30 phút. Lọc qua bông. Làm lại như trên vài lần cho đến hết alcaloid. Gộp toàn bộ dịch chiết, bốc hơi dung môi đến cắn. Hoà tan cắn với dung dịch acid sulfuric 2% (TT) (3 lần, mỗi lần 10 ml). Lọc dung dịch acid này qua bông vào bình lắng gạn, rửa bông với một ít dung dịch acid sulfuric 2% (TT). Kiềm hoá dịch acid này bằng amoniac đậm đặc (TT) đến pH 10. Sau đó chiết lại bằng cloroform (TT) 5 lần, mỗi lần 10 ml. Gộp toàn bộ dịch chiết cloroform, làm khan nước bằng natri sulfat khan (TT), lọc vào chén cân đã sấy khô và cân bì trước, rửa natri sulfat bằng 5 ml cloroform (TT) rồi lọc vào chén cân, đem bốc hơi cloroform trên cách thuỷ đến cắn. Sấy ở 100oC đến khối lượng không đổi và đem cân. Hàm lượng alcaloid toàn phần ít nhất là 0,15%.
8. Chế biến
Thu hoạch vào mùa xuân, khi trời khô ráo, cắt lấy lá bánh tẻ không bị sâu hại, phơi âm can hoặc sấy nhẹ (40 – 50 oC) đến khô .
9. Bảo quản
Nơi khô mát.
Tính vị, quy kinh
Khổ, bình. Quy vào kinh tâm, tỳ.
10. Công năng, chủ trị
An thần, sát trùng. Chủ trị: Mất ngủ (uống), mụn nhọt, loét, trĩ, lậu (đắp ngoài).
11. Cách dùng, liều lượng
Ngày 4 - 6 g, phối hợp trong các bài thuốc.
Trên đây là bài viết của eLib.VN về vị thuốc vông nem. Vông nem có tác dụng điều trị bệnh nhưng nếu sử dụng vượt liều quy định chúng có thể phản tác dụng, gây ngộ độc. Do đó, người bệnh nên thận trong khi dùng vị thuốc tự nhiên này.