Vôi hóa tuyến vú
Vôi hóa tuyến vú là tình trạng canxi lắng đọng trong các mô vú tạo thành các nốt canxi. Chế độ ăn giàu canxi không gây ra tình trạng này. Mời các bạn cùng tìm hiểu thêm.
Mục lục nội dung
1. Tìm hiểu chung
Vôi hóa tuyến vú là gì?
Vôi hóa tuyến vú là tình trạng canxi lắng đọng trong các mô vú tạo thành các hạt hay nốt canxi. Chúng thường có kích thích khá nhỏ để có thể cảm nhận được. Do đó, bạn chỉ phát hiện mình bị vôi hóa khi đi chụp nhũ ảnh và thấy xuất hiện các đốm trắng hoặc hạt nhỏ trắng, sáng trên hình ảnh kết quả.
Đây là một tình trạng phổ biến ở phụ nữ trên 50 tuổi, không gây đau đớn. Mặc dù vôi hóa tuyến vú thường không phải là ung thư (lành tính) nhưng một số dạng vôi hóa (như cụm vôi hóa dày đặc với hình dạng không đều) có thể là dấu hiệu của ung thư vú hoặc thay đổi tiền ung thư ở mô vú.
Trên hình ảnh kết quả chụp nhũ ảnh, vôi hóa tuyến vú có thể xuất hiện dưới dạng các hạt vôi hóa lớn (macorcalcification) hoặc vi vôi hóa (microcalcification).
Nốt vôi hóa lớn. Các nốt này có hình dạng như những chấm trắng lớn hoặc như đường đứt nét. Phần lớn chúng không phải ung thư và không cần kiểm tra hay theo dõi thêm sau đó. Khoảng 50% trường hợp vôi hóa tuyến vú gặp ở phụ nữ trên 50 tuổi, trong khi chỉ gặp 10% phụ nữ dưới 50 tuổi. Vi vôi hóa. Dạng vôi hóa này cho thấy những đốm trắng mịn, li ti trông giống như những hạt muối trên hình chụp nhũ ảnh. Chúng thường không phải là ung thư nhưng một số trường hợp có thể là dấu hiệu sớm cảnh báo ung thư.
Nếu hình ảnh vi vôi hóa tuyến vú xuất hiện đáng ngờ trên kết quả chụp nhũ ảnh ban đầu, bạn sẽ cần chụp lại để phóng đại vị trí có nốt vôi hóa để bác sĩ quan sát rõ hơn. Khi kết quả chụp lần hai vẫn khiến bác sĩ nghi ngờ có liên quan đến ung thư, họ sẽ đề nghị thực hiện sinh thiết vú để có thể xác định chắc chắn.
Trường hợp tình trạng vôi hóa không phải là ung thư, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên đến kiểm tra định kỳ hàng năm hoặc tái khám sau 6 tháng để đảm bảo các nốt vôi hóa không có thay đổi nào.
2. Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng vôi hóa tuyến vú
Đa số phụ nữ bị vôi hóa tuyến vú đều không có bất kỳ triệu chứng gì. Tình trạng này chỉ được phát hiện khi bạn thực hiện chụp nhũ ảnh định kỳ khi khám sức khỏe.
Vôi hóa tuyến vú được phát hiện qua kết quả chụp nhũ ảnh.Nguồn: mayoclinic.org
3. Nguyên nhân
Nguyên nhân vôi hóa tuyến vú là gì?
Các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm được nguyên nhân khiến các nốt vôi hóa phát triển trong mô vú. Tuy nhiên, việc ăn quá nhiều thực phẩm giàu canxi hay uống thực phẩm bổ sung canxi không gây ra tình trạng này.
Một số trường hợp vi vôi hóa là dấu hiệu của ung thư vú, thường là ung thư ông tuyến vú tại chỗ. Tuy nhiên đa phần là các tổn thương tuyến vú lành tính.
Những người đã trải qua phẫu thuật vú vì bất kỳ lý do nào hay có chấn thương ở ngực (như gặp tai nạn giao thông) hay từng điều trị ung thư vú trước đây dường như có nguy cơ bị vôi hóa tuyến vú cao hơn. Quá trình vôi hóa cũng có thể xảy ra bên trong các mạch máu của tuyến vú do yếu tố tuổi tác hoặc nhiễm trùng mô vú.
Các nguyên nhân có thể gặp là:
Ung thư vú Ung thư tại chỗ ống tuyến vú Nang vú Chất tiết hoặc mảnh vụn tế bào U sợi tuyến vú Dãn ống tuyến vú Chấn thương hoặc phẫu thuật vú trước đây (thường là do hoại tử mỡ) Xạ trị trước đây do ung thư Lắng đọng vôi ở da hoặc trong mạch máu Trên cơ thể bệnh nhân có thoa chất cản quang (chất khử mùi, kem hoặc phấn) hoặc mảnh kim loại
4. Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán vôi hóa tuyến vú?
Khi phát hiện có các nốt vôi hóa trong vú trên hình chụp nhũ ảnh khi kiểm tra đinh kỳ, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện một vài xét nghiệm như:
Chụp nhũ ảnh chẩn đoán. Đây là phương pháp cho ra hình ảnh chi tiết hơn so với kỹ thuật chụp nhũ ảnh thường quy. Khu vực bị nghi ngờ có thể được chụp ở nhiều góc độ để bác sĩ quan sát rõ hơn. Từ đó, bác sĩ tìm hiểu kỹ hơn về tình trạng vôi hóa, xem nó có phải lành tính hay có khả năng liên quan đến ung thư hay không. Siêu âm. Phương pháp này sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh của mô vú. Siêu âm thường được chỉ định khi sự vôi hóa tạo thành các khối lớn trên hình chụp nhũ ảnh. Chụp MRI. Đây là một xét nghiệm hình ảnh có cơ chế khá phức tạp để thu được hình ảnh chi tiết của mô, không gây đau. Tuy nhiên, MRI không phải là lựa chọn đầu tiên trong việc đánh giá vôi hóa tuyến vú. Chúng được thực hiện ở người bệnh mới chẩn đoán ung thư để giúp đánh giá thêm về mức độ bệnh. Chụp X-quang tuyến sữa (ductography). Người bệnh sẽ được tiêm chất cản quang để giúp hình ảnh chụp X-quang các mô trong tuyến vú rõ hơn. Xét nghiệm này chỉ tiến hành trên những người có tiết dịch ở núm vú. Sinh thiết. Một mẫu mô vú sẽ được lấy ra và đem đi thực hiện các thử nghệm trong phòng xét nghiệm. Bác sĩ có thể lấy mẫu mô bằng kim hoặc thực hiện một vết mổ nhỏ nếu cần lấy lượng mẫu lớn hơn. Bởi vì các nốt vôi hóa được phát hiện tốt nhất qua chụp nhũ ảnh nên sinh thiết sẽ được thực hiện dưới sự hướng dẫn của quang tuyến (stereotactic biopsy).
Những phương pháp điều trị vôi hóa tuyến vú
Hầu hết các trường hợp vôi hóa tuyến vú không cần phải điều trị. Các kết quả chụp nhũ ảnh đều sẽ được so sánh với hình ảnh chụp trước đó để đánh giá xem các nốt vôi hóa có biến đổi hay không.
Tuy nhiên, nếu có kết quả xét nghiệm nào khiến bác sĩ nghi ngờ tình trạng vôi hóa có liên quan đến ung thư, họ sẽ giới thiệu bạn đến gặp bác sĩ chuyên về ung thư. Loại ung thư phổ biến nhất mà phát triển cùng với vôi hóa tuyến vú là ung thư tại biểu mô ống tuyến vú (ductal carcinoma in situ – DCIS).
Tương tự như các bệnh ung thư khác, lựa chọn điều trị lúc này bao gồm theo dõi chặt chẽ mô vú để xem liệu chúng có thay đổi theo thời gian không. Đồng thời, loại bỏ mô vú bất thường bằng phẫu thuật hoặc hóa trị hay xạ trị. Mỗi trường hợp khác nhau sẽ có cách điều trị khác nhau.
5. Phòng ngừa
Những biện pháp nào giúp phòng ngừa vôi hóa tuyến vú?
Mặc dù không có cách giúp ngăn ngừa tình trạng vôi hóa tuyến vú xảy ra nhưng phát hiện sớm bất thường bằng chụp nhũ ảnh rất quan trọng. Đó cũng là cách để quá trình can thiệp và điều trị có hiệu quả hơn.
Trên đây là một vài chia sẻ về triệu chứng,nguyên nhân và một số lưu ý về bệnh các bạn có thể tham khảo qua. Bạn có thể liên hệ trực tiếp với Bác sĩ để biết thêm chi tiết.