Bệnh viêm ruột thừa cấp - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Bệnh viêm ruột thừa cấp là tình trạng viêm cấp tính của ruột thừa, một cơ quan nhỏ, hình ngón tay xuất phát từ đoạn đầu tiên của ruột già ở hố chậu phải. Nếu như không điều trị kịp thời, ruột thừa bị viêm có thể sẽ vỡ làm cho phân lan tràn vào ổ bụng gây nên tình trạng viêm phúc mạc đe dọa đến tính mạng. Dưới đây là bài viết chi tiết về viêm ruột thừa cấp, mời các bạn tham khảo!

Bệnh viêm ruột thừa cấp - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Viêm ruột thừa cấp là bệnh gì?

Bệnh viêm ruột thừa cấp là tình trạng viêm cấp tính của ruột thừa, một cơ quan nhỏ, hình ngón tay xuất phát từ đoạn đầu tiên của ruột già ở hố chậu phải. Mặc dù ruột thừa là một cơ quan không rõ chức năng là gì nhưng nó có thể trở thành một bệnh lý. Theo thống kê, bệnh viêm ruột thừa cấp là tình trạng thường gặp nhất trên thế giới và cần phải mổ.

Nếu như không được điều trị kịp thời, ruột thừa bị viêm có thể sẽ vỡ làm cho phân lan tràn vào ổ bụng gây nên tình trạng viêm phúc mạc đe dọa đến tính mạng, nhưng bệnh cũng có thể bị giới hạn lại và hình thành ổ áp xe.

2. Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng viêm ruột thừa cấp là gì?

Những triệu chứng thường gặp của bệnh viêm ruột thừa cấp bao gồm:

  • Khó chịu vùng quanh rốn (giai đoạn đầu của bệnh) sau đó cơn đau di chuyển xuống hố chậu phải;
  • Đau dữ dội ở khu trú và liên tục trong vài giờ;
  • Đau hơn khi xoay, thở mạnh, ho, hắt hơi, đi lại hoặc bị đụng vào;
  • Táo bón và khó xì hơi, nhưng đôi khi lại có thể bị tiêu chảy;
  • Sốt cao kèm lạnh run có thể liên quan đến tình trạng ổ mủ ruột thừa;
  • Nhịp tim nhanh;
  • Bụng chướng (giai đoạn trễ);
  • Đột ngột hết đau bụng sau khi xuất hiện các triệu chứng liên quan ruột thừa vỡ mủ, đây là tình trạng cần được cấp cứu;
  • Chán ăn;
  • Lưỡi dơ, hơi thở hôi;
  • Đi tiểu đau hoặc đi tiểu thường xuyên;
  • Tiểu ra máu;
  • Bụng chướng hơi nổi phồng lên (đặc biệt ở trẻ nhỏ).

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy, hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

3. Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây ra bệnh viêm ruột thừa cấp?

Những nguyên nhân gây ra bệnh viêm ruột thừa cấp bao gồm:

  • Nhiễm vi khuẩn, nhưng nguyên nhân tại sao ruột thừa bị nhiễm khuẩn vẫn chưa rõ;
  • U phân, muối canxi hay sỏi phân hoặc khối u (hiếm) làm tắc nghẽn ruột thừa, dẫn đến viêm và nhiễm trùng;
  • Sưng và viêm dẫn tới nhiễm trùng, tạo máu đông và làm vỡ ruột thừa;
  • Tăng sản mô lympho có liên quan đến tình trạng viêm và nhiễm trùng như bệnh Crohn, sởi, nhiễm amip, viêm ruột, viêm đường hô hấp và bệnh tăng bạch cầu đơn nhân.

4. Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải bệnh viêm ruột thừa cấp?

Viêm ruột thừa cấp là tình trạng rất phổ biến và ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, nhưng thường xuất hiện nhiều hơn ở nam giới. Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm ruột thừa cấp?

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm ruột thừa cấp, như là:

  • Bệnh sử gia đình về viêm ruột thừa;
  • Nam giới;
  • Từ 10-19 tuổi;
  • Tình trạng viêm ruột kéo, dài như bệnh Crohn hoặc viêm loét ruột.

Chế độ ăn “phương Tây” với hàm lượng carbohydrate cao và chất xơ thấp có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm ruột thừa cấp. Nếu chế độ ăn không đủ chất xơ, ruột sẽ vận động chậm lại làm tăng nguy cơ tắc nghẽn ruột thừa.

Ô nhiễm không khí, đặc biệt là ozone cao cũng có liên quan với bệnh viêm ruột thừa. Các nhà khoa học không chắc chắn tại sao ô nhiễm không khí lại liên quan đến tăng nguy cơ mắc bệnh, có lẽ ở mức độ ozone cao làm tăng tình trạng viêm ruột và thay đổi vi khuẩn có lợi trong đường ruột.

Các nghiên cứu cho thấy bệnh thường xảy ra vào mùa hè hơn là các mùa khác trong năm, có thể do ô nhiễm không khí, cơ thể tiêu thụ lượng lớn thức ăn nhanh, các thực phẩm giàu đạm, ít chất xơ.

5. Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh viêm ruột thừa cấp?

Bác sĩ sẽ khám lâm sàng để loại trừ các bệnh khác có triệu chứng tương tự bằng cách tìm ra cơn đau ở vùng hố chậu phải. Nếu là phụ nữ mang thai, điểm đau có thể nằm ở vị trí cao hơn. Nếu ruột thừa bị thủng, bụng trở nên cứng và chướng lên, bạn cần gặp bác sĩ ngay.

Để tìm kiếm cơn đau, bác sĩ sẽ thực hiện một vài xét nghiệm, bao gồm:

  • Tổng phân tích nước tiểu để loại trừ nhiễm trùng tiểu và sỏi thận;
  • Khám khung chậu ở phụ nữ để loại trừ bệnh lý viêm nhiễm vùng chậu;
  • Thử que để loại trừ thai ngoài tử cung;
  • Chẩn đoán hình ảnh vùng bụng nếu bác sĩ nghi ngờ ổ áp-xe hay có biến chứng khác. Bác sĩ có thể dùng X-quang, siêu âm hoặc CT scan;
  • Chụp X-quang phổi có thể loại trừ viêm phổi thùy dưới. Thỉnh thoảng bệnh có triệu chứng giống với viêm ruột thừa.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh viêm ruột thừa cấp?

Có nhiều phương pháp giúp điều trị viêm ruột thừa.

Một vài trường hợp bệnh hiếm hoi có thể không cần phải phẫu thuật, điều trị bằng kháng sinh và truyền dịch.

Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, bạn đều cần được phẫu thuật. Kiểu phẫu thuật sẽ phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

Nếu như bạn có ổ áp xe nhưng chưa vỡ, bác sĩ có thể sẽ chỉ định điều trị bằng kháng sinh. Bác sĩ sẽ dẫn lưu ổ áp-xe thông qua da và sẽ phẫu thuật sau khi điều trị nhiễm trùng.

Nếu như ổ áp xe vỡ, bạn cần được phẫu thuật cắt ruột thừa ngay lập tức.

Bác sĩ có thể mổ hở hoặc mổ nội soi. Tuy nhiên, mổ nội soi ít xâm lấn hơn và thời gian bình phục nhanh hơn. Tuy nhiên, bạn sẽ phải mổ hở khi bị áp-xe hoặc viêm phúc mạc.

6. Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh viêm ruột thừa?

Bạn có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:

  • Tránh các hoạt động nặng. Nếu mổ nội soi, bạn nên tránh hoạt động trong 3-5 ngày. Nếu bạn mổ hở, nên tránh hoạt động trong 10-14 ngày. Bạn cũng nên hỏi bác sĩ về việc tránh vận động nặng và khi nào quay trở lại hoạt động bình thường.
  • Bảo vệ bụng khi ho bằng cách đặt một cái gối trước bụng và đè mạnh vào khi ho, cười hoặc xoay trở để giảm đau.
  • Báo cho bác sĩ khi uống thuốc giảm đau nhưng cơn đau không giảm và vết thương chậm lành.
  • Bắt đầu đi từ từ và tăng dần cường độ sao cho bạn cảm thấy thoải mái. Bạn nên tập đi từng bước nhỏ.
  • Ngủ khi mệt vì cơ thể khỏe lên bạn sẽ cảm thấy buồn ngủ hơn, vì vậy bạn hãy đi ngủ và nghỉ ngơi.
  • Trao đổi với bác sĩ nếu bạn muốn quay trở lại công việc hay việc học. Bạn có thể quay trở lại công việc khi cảm thấy thoải mái. Trẻ em có thể đi học lại 1 tuần sau mổ, nhưng phải 2 đến 4 tuần sau mới được hoạt động nặng như tập gym hay chơi thể thao.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh viêm ruột thừa cấp, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị!

Ngày:01/10/2020 Chia sẻ bởi:Phuong

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM