Bệnh viêm phổi quá mẫn - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Viêm phổi quá mẫn là phản ứng dị ứng gây ra các triệu chứng như ho và khó thở. Bệnh có thể ở dạng cấp tính hoặc chuyển thành mạn tính nếu không được điều trị kịp thời. Bài viết sau đây sẽ nói rõ hơn về triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị của bệnh lý này, mời các bạn tham khảo!

Bệnh viêm phổi quá mẫn - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Viêm phổi quá mẫn là gì?

Viêm phổi quá mẫn hay viêm phế nang dị ứng ngoại sinh là một hội chứng viêm phổi “bệnh nghề nghiệp”. Bệnh thường gặp ở người có tiếp xúc thường xuyên với các kháng nguyên hữu cơ qua đường thở, gây bệnh phổi cấp và mạn tính. Hội chứng khác nhau về cường độ, biểu hiện lâm sàng và lịch sử tự nhiên tùy thuộc vào tác nhân kích thích cũng như mức độ tiếp xúc.

Trong hầu hết các trường hợp, bệnh có thể chữa khỏi nếu chẩn đoán kịp thời, xác định và loại bỏ các rủi ro phơi nhiễm. Tuy nhiên, nếu không được điều trị hoặc không được kiểm soát tốt theo thời gian dẫn đến viêm mạn tính, bệnh có thể gây xơ phổi, làm suy giảm nghiêm trọng chức năng phổi.

2. Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm phổi quá mẫn

Viêm phổi quá mẫn gây ra những đợt viêm phổi cấp, do đó người bệnh thường có các triệu chứng lâm sàng như:

  • Ớn lạnh;
  • Sốt;
  • Ho khan;
  • Khó thở, tức ngực;
  • Nôn;
  • Mệt mỏi.

Các triệu chứng này thường xuất hiện khoảng 4-6 giờ sau khi hít phải các tác nhân gây bệnh, có thể kéo dài ít nhất là 12 giờ hoặc vài ngày ở một số người. Nếu thường xuyên tái đi tái lại sẽ tiến triển thành viêm phổi mạn tính. Khi đó, người bệnh luôn cảm thấy khó thở (đặc biệt là trong vận động), ho khan và chán ăn, sụt cân không chủ đích.

3. Nguyên nhân

Nguyên nhân của viêm phổi quá mẫn là gì?

Viêm phổi quá mẫn xảy ra khi người bệnh tiếp xúc nhiều lần (hít phải) các tác nhân trong môi trường gồm:

  • Vi khuẩn;
  • Nấm hoặc nấm mốc;
  • Protein (trong động vật);
  • Hóa chất.

Những đối tượng nào có nguy cơ mắc viêm phổi quá mẫn?

Đã có hơn 300 tác nhân gây viêm phổi quá mẫn được báo cáo tổng hợp từ một loạt các phơi nhiễm liên quan đến kháng nguyên trong không khí. Một số hội chứng thường thấy được đặt tên cụ thể liên quan đến nguồn gốc của kháng nguyên gây bệnh, cụ thể là:

  • “Viêm phổi nhà nông”. Người chăm sóc gia súc thường là đối tượng mắc dạng viêm phổi quá mẫn phổ biến nhất này. Kháng nguyên gây bệnh là các loài xạ khuẩn (Actinomycetes) ưa nhiệt có trong cỏ khô, rơm và ngũ cốc. Cần phân biệt dạng viêm phổi này với hội chứng nhiễm độc bụi hữu cơ, vốn phổ biến hơn 30-50 lần so với viêm phổi quá mẫn.
  • “Viêm phổi bồn tắm”. Công nhân thông gió và những người thường xuyên tiếp xúc với môi trường ẩm ướt dễ ô nhiễm như máy tạo độ ẩm, bồn nước nóng và suối nước khoáng có thể nhiễm những vi sinh vật Thermoactinomyces, Cladosporium hoặc Mycobacterium avium (MAC), gây viêm phổi quá mẫn.
  • “Viêm phổi gia cầm”. Bác sĩ thú y, người nuôi gia cầm và các loài chim thường xuyên tiếp xúc với phân, lông và protein huyết thanh của các con vật này, dễ bị viêm phổi quá mẫn từ các vi sinh vật.
  • “Viêm phổi hóa chất”. Người làm ngành sản xuất nhựa, bọt polyurethane, cao su, sơn hay công nghiệp điện tử có thể phơi nhiễm với các hợp chất hóa học trimellitic anhydride, diisocyanate, methylene diisocyanate gây viêm phổi quá mẫn.

Ngoài ra, những đối tượng nguy cơ của bệnh còn có thể là người xử lý kim loại lỏng (nhiễm vi khuẩn Mycobacterium immunogenum), công nhân làm việc trong nhà máy gỗ xẻ (tiếp xúc gỗ bị nấm mốc).

4. Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán viêm phổi quá mẫn?

Bác sĩ có thể yêu cầu bất kỳ xét nghiệm nào sau đây để hỗ trợ quá trình chẩn đoán.

  • X-quang phổi và chụp CT (chụp cắt lớp vi tính) có thể cho thấy giai đoạn đầu của bệnh cũng như sự hình thành sẹo ở phổi (xơ phổi).
  • Xét nghiệm chức năng phổi Xét nghiệm máu có thể xác định xem cơ thể có phát triển kháng thể chống lại chất gây dị ứng trong trường hợp người bệnh đã tiếp xúc với một loại bụi nhất định.
  • Nội soi phế quản để thu thập mẫu vật từ phổi của người bệnh cho các xét nghiệm tiếp theo.
  • Phẫu thuật lồng ngực có hỗ trợ bằng video (VATS) hoặc sinh thiết phổi mở do bác sĩ phẫu thuật tim thực hiện khi gây mê toàn thân. Đây là một cách khác để lấy mô phổi chuẩn bị cho các xét nghiệm cần thiết sau đó.

Những phương pháp nào giúp điều trị viêm phổi quá mẫn?

Muốn điều trị có kết quả, cần phải xác định được kháng nguyên gây bệnh. Chẩn đoán sớm là bước bắt buộc và quan trọng trong kiểm soát và điều trị viêm phổi quá mẫn. Bệnh không có liệu pháp điều trị cụ thể nhưng có thể thuyên giảm nếu tránh các kháng nguyên.

Nếu đã ngừng tiếp xúc với kháng nguyên mà vẫn không khỏi, bệnh kéo dài hay cấp tính nặng, người bệnh có thể được cho dùng thuốc kháng viêm corticosteroid (prednisone). Cần lưu ý, thuốc chỉ cải thiện được triệu chứng chứ không chữa tận gốc bệnh. Bên cạnh corticosteroid đường uống, một số liệu pháp thay thế khác có thể được áp dụng trong các trường hợp chọn lọc như dùng corticosteroid dạng hít, thuốc giãn phế quản, natri cromolyn và thuốc kháng histamin.

Trong bệnh phổi giai đoạn cuối khi đã tiến triển thành sẹo (xơ hóa), phương pháp ghép phổi có thể là lựa chọn cần cân nhắc thực hiện.

5. Phòng ngừa

Những biện pháp nào giúp phòng ngừa viêm phổi quá mẫn?

Bạn có thể giảm khả năng mắc bệnh viêm phổi quá mẫn bằng cách giảm thiểu tiếp xúc với các kháng nguyên kích thích, giảm ô nhiễm vi sinh vật trong môi trường hoặc sử dụng thiết bị bảo vệ, chẳng hạn như:

  • Thay đổi việc xử lý và lưu trữ các kháng nguyên vi sinh vật, chẳng hạn như làm ướt phân ủ để giảm quá trình khí dung và sử dụng thuốc diệt nấm để giảm sự phát triển của nấm.
  • Giữ độ ẩm môi trường sống/làm việc dưới 60% và loại bỏ nước tù đọng để ngăn chặn sự phát triển quá mức của vi sinh vật.
  • Thực hiện bảo dưỡng thường xuyên tất cả các thiết bị sưởi ấm, thông gió và điều hòa không khí. Thay mới hoặc sửa chữa các đồ đạc, nội thất, vách ngăn hay trần nhà bị hư hỏng do nước.
  • Vận hành đúng cách các hệ thống sưởi, thông gió và điều hòa không khí.

Trong trường hợp không thể hoàn toàn tránh các kháng nguyên gây bệnh được, hãy sử dụng các thiết bị bảo vệ như mặt nạ phòng độc hoặc máy lọc không khí. Khẩu trang chống bụi có thể không bảo vệ một cách triệt để, còn mặt nạ cấp khí tuy hiệu quả nhưng sẽ cồng kềnh khi trang bị. Biện pháp cuối cùng có thể là phải chuyển nghề khác, chuyển nhà… nếu tình trạng viêm phổi tái diễn nhiều lần ảnh hưởng đến sức khỏe.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh viêm phổi quá mẫn, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị!

Ngày:01/10/2020 Chia sẻ bởi:An

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM