5 chiêu thức cổ vũ văn hoá học tập trong doanh nghiệp

Bạn đã đặt được những viên gạch nền móng cho văn hoá học tập (learning culture) của công ty. Nhưng làm thế nào để biến nó trở thành một ngôi nhà bền vững mới là bài toán khó. Cùng eLib tham khảo 5 chiêu thức cổ vũ văn hoá học tập trong doanh nghiệp được chia sẻ dưới đây để xây dựng nền móng vững chắc cho doanh nghiệp của bạn nhé!

5 chiêu thức cổ vũ văn hoá học tập trong doanh nghiệp

Môi trường kinh doanh hiện đại không ngừng phát triển và đặt ra các yêu cầu mới cho doanh nghiệp. Để có thể tồn tại và đáp ứng tốt nhất các yêu cầu đó, các doanh nghiệp đang ngày càng ưu tiên đào tạo - học tập và coi đó như một yếu tố văn hoá cốt lõi.

Cụ thể hơn, vô số mối đe doạ và cạnh tranh khốc liệt hướng mũi nhọn về phía doanh nghiệp. Trong khi đó, thời thế lại không ngừng thay đổi, từ các công nghệ mới cho từng phòng ban tới mô hình kinh doanh mới lạ, sự biến đổi trong hành vi người tiêu dùng,... Nếu doanh nghiệp vẫn ngoan cố đứng im, đồng nghĩa với việc đang thụt lùi so với sự tiến bộ.

Lời giải của bài toán này không gì khác ngoài việc trang bị sẵn tốc độ nhanh nhẹn, khả năng linh hoạt để sẵn sàng đáp ứng với các xu hướng mới, thậm chí là trở thành nhà tiên phong. Văn hoá học tập (learning culture) xuất hiện và được coi trọng trong doanh nghiệp là vì vậy.

Cổ vũ văn hoá học tập trong một tổ chức không phải là việc có thể làm trong 1 ngày, 1 tuần, 1 tháng mà là một quá trình bền vững theo chiến lược. Thật may mắn là bạn có thể hiện thực hoá điều đó nhờ các bí kíp dưới đây.

Trước hết, cần hiểu định nghĩa văn hoá học tập (learning culture) và lý do bạn cần thiết phải cổ vũ nó trong doanh nghiệp ngay từ bây giờ.

1. Văn hoá học tập (learning culture) là gì? Điều gì tạo nên văn hóa học tập trong doanh nghiệp?

Văn hóa đề cập đến thói quen, suy nghĩ, tín ngưỡng và phong tục của một nhóm hoặc xã hội. Khi áp dụng vào học tập trong doanh nghiệp, văn hoá đề cập đến các giá trị, quy trình và hành vi tổ chức nhằm khuyến khích nhân viên không ngừng nâng cao kiến thức và cải thiện hiệu suất của họ.

Văn hóa học tập (learning culture) được đặc trưng bởi sự học hỏi, cởi mở và sáng tạo, là môi trường luôn có sẵn cơ hội khơi dậy ý tưởng mới và khám phá sự thay thế hiệu quả.

Đối với một cá nhân, học tập thường là một hoạt động độc lập. Còn với một doanh nghiệp, học tập là một khái niệm mang tính chất tương hỗ - phụ thuộc lẫn nhau, được tăng cường bởi môi trường giao tiếp cởi mở, thói quen cộng tác, hiệu ứng đến từ các đội nhóm khác nhau và sự so sánh với các lựa chọn thay thế.

Điều quan trọng là phải nhận ra rằng hầu hết các nền văn hoá được tạo thành từ một loạt các “subculture” - tiểu văn hóa - từng nhóm người có sự phân biệt tự thân với nền văn hóa “mẹ”. Điều này đúng đối với văn hoá doanh nghiệp, bởi đội ngũ bán hàng luôn có các hành vi và mong đợi khác với nhân viên hành chính.

Xét riêng văn hoá học tập (learning culture) trong doanh nghiệp, sự phân mảnh bởi các tiểu văn hoá lại càng mạnh mẽ hơn. Nếu bạn biết tận dụng điều này, bạn sẽ có một môi trường học tập đa dạng để hỗ trợ đắc lực cho việc thích ứng của doanh nghiệp. Ngược lại, nếu bạn một mực muốn “đồng hoá” tất cả chúng thành một, bạn sẽ thất bại hoàn toàn.

Đó là lý do tại sao doanh nghiệp cần xác định các yếu tố phổ quát của văn hóa học tập và xem việc cổ vũ nó là một quá trình kinh doanh cần được quản lý tích cực.

2. Lợi ích của việc cổ vũ văn hoá học tập (learning culture) trong doanh nghiệp

Theo báo cáo của ATD (Hiệp hội phát triển tài năng), các doanh nghiệp hàng đầu có tỷ lệ sở hữu văn hóa học tập ở cao gấp 5 lần so với các doanh nghiệp còn lại.

Các công ty có nền văn hóa học tập tuyệt vời tăng trưởng lợi nhuận cao gấp 3 lần so với đối thủ trong thời gian 4 năm, theo nghiên cứu của Deloitte.

Những con số trên cho thấy văn hóa học tập là một yếu tố quan trọng làm nên thành công trong kinh doanh.

Có cùng quan điểm là Jack Welch, cựu chủ tịch và CEO của General Electric; ông cho rằng lợi thế cạnh tranh cuối cùng của một doanh nghiệp là khả năng học hỏi và nhanh chóng biến việc học tập thành thực tiễn.

Có thể liệt kê một số lợi ích dễ thấy nhất ở một doanh nghiệp đề cao văn hoá học tập:

  • Nhân viên được trang bị kiến thức và kỹ năng có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất làm việc và lợi nhuận của công ty.
  • Khai phá được tài năng tiềm ẩn của nhân viên, từ đó có chính sách dụng tài phù hợp
  • Tăng tính đoàn kết, chia sẻ nội bộ và độ hài lòng của nhân viên.
  • Tăng độ linh hoạt và khả năng thích ứng của công ty trước sự thay đổi của xu hướng, thị trường và các tác động khác.
  • Công ty có tiềm năng đổi mới sản phẩm, cải thiện việc cung cấp dịch vụ hoặc thâm nhập vào một thị trường mới.
  • Là một yếu tố quan trọng của EVP doanh nghiệp giúp thu hút ứng viên tuyển dụng.

Điều này có nghĩa văn hóa học tập là một công cụ chiến lược để phát triển doanh nghiệp một cách bền vững.

Tuy nhiên, văn hoá học tập không tự nó xuất hiện khi thành lập doanh nghiệp. Đó là lý do tại sao bạn cần áp dụng các chiến lược có chủ ý để cổ vũ một môi trường học tập liên tục ở nơi làm việc.

3. 5 chiêu thức cổ vũ văn hoá học tập (learning culture) trong doanh nghiệp

Trong doanh nghiệp bạn, ắt hẳn có nhiều người ham thích học hỏi và sẽ không ngần ngại tham gia học tập khi có cơ hội. Nhưng không phải tất cả nhân viên đều nhiệt tình tham gia ngay từ đầu.

Dưới đây là 5 chiêu thức hiệu quả để cổ vũ văn hoá học tập tại nơi làm việc:

3.1 Vạch ra lợi ích cụ thể cho cá nhân nhân viên

Nhân viên của bạn hào hứng hơn với văn hoá học tập nếu như họ nhận được các lợi ích rõ ràng của cá nhân họ, bên cạnh các lợi ích quá rõ ràng về phía doanh nghiệp.

Những lời hứa hẹn chung chung như “trở thành nhân viên tài năng” hay “rèn luyện được kỹ năng xuất sắc” chắc chắn sẽ không tạo ra nhiều động lực bằng một cam kết cho sự thăng tiến trong lộ trình công danh.

Bên cạnh đó, các động thái đào tạo - học tập trong doanh nghiệp cần hướng tới các bài học thực tiễn nhất, tránh các kiến thức chung chung mà nhân viên của bạn thấy ở khắp mọi nơi trên internet.

3.2 Lấy đội ngũ quản lý làm gương

Hãy thể hiện sự chủ động và quan tâm đến việc học tập của chính bạn và đội ngũ quản lý trong doanh nghiệp.

Khi nhìn thấy cấp trên nhiệt tình đóng góp và tham gia vào văn hoá học tập, nhân viên của bạn sẽ có tâm thế nghiêm túc hơn, từ đó nhận thức được tầm quan trọng của nó. Bên cạnh đó, nhân viên thường có xu hướng đồng tình và làm điều tương tự như sếp - những người cốt cán định hình lên mọi thứ của doanh nghiệp.

3.3 Huấn luyện và kèm cặp chặt chẽ

Nhân viên cần cảm nhận được sự hỗ trợ từ phía công ty trong quá trình tham gia vào văn hoá học tập. Một vài ai đó mà họ luôn có thể tìm đến khi có thắc mắc hoặc đề xuất xoay quanh việc học cũng rất quan trọng.

Nhiều công ty mong đợi sự chuyên nghiệp bằng việc thuê những giảng viên, diễn giả nổi tiếng tới khoá đào tạo của công ty hoặc trở thành người tư vấn từ xa. Nhưng trên thực tế, việc huấn luyện và kèm cặp trong văn hoá học tập của doanh nghiệp nên xuất phát ngay từ nội bộ.

Một biện pháp huấn luyện hiệu quả là cung cấp phản hồi thẳng thắn theo thời gian thực (real-time) cho các học viên - theo đúng nguyên tắc vẽ lên chân dung nhà lãnh đạo lý tưởng. Huấn luyện viên đó có thể là bạn, một người quản lý cấp trung tài năng hoặc một nhân viên giàu kinh nghiệm.

Mấu chốt ở đây là sự quan tâm tới tiến trình học tập của nhân viên và tâm thế sẵn sàng lắng nghe, giải đáp.

​3.4 Ghi nhận thành quả học tập

Đừng quên ghi nhận và khen thưởng thành tích học tập của nhân viên theo một cách nào đó để họ biết bạn vẫn luôn đánh giá cao nỗ lực của họ.

Những lời tuyên dương và tràng pháo tay khen ngợi của tập thể là cách thức ghi nhận đơn giản nhất bạn có thể làm. Ở cấp độ cao hơn, bạn có thể chọn một trong hai hoặc kết hợp cả 2 loại phần thưởng: vô hình và hữu hình.

Những thứ vô hình để đánh dấu thành quả văn hoá học tập có thể là bổ nhiệm vị trí công việc mới hay lời mời trở thành giảng viên trong buổi đào tạo nội bộ. Còn phần thưởng hữu hình, đơn giản và thường gây hiệu ứng tức thời tích cực hơn, có thể là một tờ giấy chứng nhận, chiếc cúp có khắc tên, một chiếc đồng hồ đeo tay mới, một dàn máy tính mới hay thậm chí là tiền mặt.

3.5 Khuyến khích tinh thần cộng tác

Mỗi nhân viên của bạn là một mảnh ghép của doanh nghiệp. Không gì tốt hơn bằng việc để các mảnh ghép tự tìm đến nhau, hỗ trợ cho nhau để hoàn thành bức tranh chung văn hoá học tập.

Có một sự thật là mọi người có xu hướng lưu giữ thông tin tốt hơn sau khi dạy nó cho người khác.

Nếu có thể, hãy thiết lập một khoảng thời gian để nhân viên của bạn có thể cùng nhau trao đổi và giúp đỡ các khó khăn trong học tập. Ý thức và kiến thức cá nhân đều sẽ được cải thiện sau cuộc trao đổi có chủ ý này. Một bữa trưa cùng nhau hoặc một buổi chiều ngưng làm việc để thoải mái chia sẻ nội bộ ắt không phải là điều quá khó khăn đối với công ty của bạn.

Trong trường hợp công ty bạn đã áp dụng công nghệ thành công, bạn có thể tận dụng các công cụ hỗ trợ giúp nhân viên dễ dàng hơn trong việc cộng tác online, gửi tin nhắn, chia sẻ file tài liệu, bình luận và góp ý cho nhau,... Sự gắn kết này rõ ràng là cơ hội tuyệt vời để lan truyền văn hoá học tập trong tập thể.

Văn hoá học tập (learning culture) là một trong 5 văn hóa đặc trưng của kỷ nguyên số. Phát triển văn hoá này chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và cá nhân nhân viên, nhưng chiến lược cổ vũ nó đa phần là do bạn quyết định. Mong rằng bài viết này sẽ giúp bạn định hướng được chặng đường tiếp theo cho doanh nghiệp mình!

Ngày:31/07/2020 Chia sẻ bởi:Ngoan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM