Bệnh ung thư biểu mô mũi họng - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Ung thư biểu mô mũi họng rất khó để phát hiện sớm. Điều này có thể do mũi họng không dễ dàng để kiểm tra và các triệu chứng của ung thư biểu mô mũi họng giống như nhiều tình trạng bệnh lý phổ biến khác. Cùng eLib.VN tìm hiểu bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn nhé!

Bệnh ung thư biểu mô mũi họng - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Ung thư biểu mô mũi họng là ung thư xảy ra ở vùng hầu họng, nằm phía sau mũi và mặt sau trên của cổ họng.

Ung thư biểu mô mũi họng rất khó để phát hiện sớm. Điều này có thể do mũi họng không dễ dàng để kiểm tra và các triệu chứng của ung thư biểu mô mũi họng giống như nhiều tình trạng bệnh lý phổ biến khác.

Mức độ phổ biến của ung thư biểu mô mũi họng

Ung thư biểu mô mũi họng không phổ biến. Hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.

2. Triệu chứng

Các triệu chứng phổ biến của ung thư mũi họng gồm:

Một khối u ở cổ do hạch bạch huyết sưng lên Máu trong nước bọt Chảy máu mũi Nghẹt mũi Nghe kém Nhiễm trùng tai thường xuyên Nhức đầu.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau, vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

3. Nguyên nhân

Ung thư bắt đầu khi một hoặc nhiều đột biến gen làm cho các tế bào bình thường phát triển ngoài tầm kiểm soát, xâm nhập vào cấu trúc xung quanh và cuối cùng lan tràn (di căn) đến các bộ phận khác của cơ thể. Trong ung thư biểu mô mũi họng, quá trình này bắt đầu ở các tế bào hình vảy lót bề mặt của vòm họng.

Nguyên nhân chính xác gây ra những đột biến gen dẫn đến ung thư biểu mô mũi họng chưa được biết rõ, mặc dù các yếu tố như virus Epstein-Barr làm tăng nguy cơ ung thư này đã được xác định. Tuy nhiên, chưa giải thích được lý do tại sao một số người có tất cả các yếu tố nguy cơ mà không bao giờ mắc bệnh ung thư, trong khi những người khác không có yếu tố nguy cơ lại mắc bệnh.

4. Nguy cơ mắc phải

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ ung thư biểu mô mũi họng như:

Giới tính. Ung thư biểu mô mũi họng phổ biến ở nam giới hơn ở nữ giới. Chủng tộc. Loại ung thư này phổ biến ở người Trung Quốc, Đông Nam Á và Bắc Phi. Tại Hoa Kỳ, những người nhập cư châu Á có nguy cơ mắc ung thư này cao hơn so với những người châu Á sinh ra ở Mỹ. Tuổi tác. Ung thư mũi họng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng bệnh thường được chẩn đoán ở người trong độ tuổi từ 30 và 50. Thực phẩm ướp muối để bảo quản. Các hóa chất giải phóng vào hơi nước khi nấu thức ăn ướp muối như cá và rau, có thể thâm nhập vào khoang mũi, làm tăng nguy cơ ung thư biểu mô vòm họng. Tiếp xúc với các hóa chất này từ khi còn nhỏ có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn. Virus Epstein-Barr. Virus phổ biến này thường tạo ra những dấu hiệu và triệu chứng nhẹ như những người bị cảm lạnh. Đôi khi, bệnh có thể gây lây nhiễm. Virus Epstein-Barr cũng liên quan với một số bệnh ung thư hiếm gặp, trong đó có ung thư biểu mô vòm họng. Bệnh sử gia đình. Có một thành viên trong gia đình bị ung thư mũi họng làm tăng nguy cơ của bệnh.

5. Chẩn đoán & điều trị

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán ung thư biểu mô mũi họng?

Khám sức khỏe và tìm hiểu bệnh sử: khám tổng quát để kiểm tra các dấu hiệu sức khỏe chung bao gồm kiểm tra các dấu hiệu của các hạch bạch huyết sưng ở cổ hoặc bất cứ dấu hiệu không bình thường. Tìm hiểu bệnh sử của bệnh nhân về những thói quen sức khỏe, bệnh lý trong quá khứ và các phương pháp điều trị đã trải qua.

Khám thần kinh: một loạt các câu hỏi và các xét nghiệm để kiểm tra não, tủy sống và chức năng thần kinh. Kiểm tra đánh giá trạng thái tinh thần, khả năng phối hợp, khả năng đi lại bình thường, đồng thời kiểm tra chức năng của cơ bắp, các giác quan và các phản xạ.

Sinh thiết: lấy mẫu tế bào hoặc mô và kiểm tra mẫu dưới kính hiển vi bởi một nhà nghiên cứu bệnh học nhằm kiểm tra các dấu hiệu của bệnh ung thư. Các mẫu mô được lấy ra từ các thủ thuật sau:

Soi mũi: là thủ thuật quan sát bên trong mũi để tìm ra các khu vực bất thường. Soi mũi là luồn qua mũi một dụng cụ mỏng hình ống có gắn đèn và một ống kính để quan sát. Nó có thể có kèm theo một dụng cụ để lấy mẫu mô. Các mô này được kiểm tra dưới kính hiển vi để tìm dấu hiệu của bệnh ung thư.

Nội soi cao: một thủ thuật giúp quan sát bên trong mũi, họng, thực quản, dạ dày, tá tràng (phần đầu của ruột non, gần dạ dày). Nội soi được đưa qua miệng, vào thực quản, dạ dày và tá tràng. Nội soi là một dụng cụ mỏng, hình ống có gắn đèn và một ống kính. Nó cũng có thể gắn với một dụng cụ để lấy mẫu mô. Các mẫu mô được kiểm tra dưới kính hiển vi để tìm dấu hiệu của bệnh ung thư.

MRI (chụp cộng hưởng từ): một thủ thuật sử dụng từ trường kết hợp với sóng radio và một máy tính để tạo một loạt các hình ảnh chi tiết về khu vực bên trong cơ thể. Thủ thuật này còn được gọi là chụp cộng hưởng từ hạt nhân (NMRI).

Chụp CT: là phương pháp chụp tạo ra một loạt các hình ảnh chi tiết về khu vực bên trong cơ thể từ các góc độ khác nhau. Những hình ảnh được hiển thị trên một máy tính kết nối với máy chụp X-quang. Một loại thuốc nhuộm có thể được tiêm vào tĩnh mạch hoặc uống giúp các cơ quan hoặc mô hiện rõ hơn. Thủ thuật này còn được gọi là chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cắt lớp vi tính trục.

PET scan (Chụp cắt lớp vi tính bức xạ positron): Một thủ thuật để tìm ra các tế bào từ khối u ác tính trong cơ thể. Một lượng nhỏ phóng xạ glucose (đường) được tiêm vào tĩnh mạch. Máy quét PET xoay quanh cơ thể và tạo ra bức tranh toàn thể cách glucose được sử dụng trong cơ thể. Các tế bào ác tính hiển thị sáng hơn trong hình, vì chúng hoạt động mạnh hơn và dùng nhiều glucose hơn các tế bào bình thường. Chụp PET có thể được sử dụng để phát hiện ung thư mũi họng đã lây lan đến xương. Đôi khi, chụp PET và chụp CT được thực hiện cùng một lúc. Cách phối hợp này tăng khả năng phát hiện bệnh ung thư, nếu có.

Các xét nghiệm sinh hóa máu: là các xét nghiệm máu để định lượng một số chất nhất định lưu hành trong máu từ các cơ quan và các mô trong cơ thể. Một nồng độ bất thường (cao hơn hoặc thấp hơn so với bình thường) của một chất có thể là dấu hiệu của bệnh tật.

Xét nghiệm công thức máu (CBC): là thủ thuật rút mẫu máu để kiểm tra:

Đếm số lượng tế bào hồng cầu, tế bào bạch cầu và tiểu cầu trong máu. Hàm lượng hemoglobin (các protein vận chuyển oxy) trong các tế bào hồng cầu. Tỷ lệ hồng cầu trong máu.

Kiểm tra virus Epstein-Barr (EBV): xét nghiệm máu để tìm kháng thể chống lại virus và ADN Epstein-Barr – dấu hiệu của virus Epstein-Barr có mặt trong máu. Các kháng thể này được tìm thấy trong máu của bệnh nhân bị nhiễm EBV.

Khám thính lực: kiểm tra khả năng nghe các âm thanh khác nhau từ nhỏ đến to, thấp đến cao. Mỗi tai được kiểm tra riêng.

Những phương pháp nào dùng để điều trị ung thư biểu mô mũi họng?

Bác sĩ sẽ làm việc với bạn để đưa ra một kế hoạch điều trị dựa trên nhiều yếu tố, như giai đoạn của ung thư, mục tiêu điều trị, sức khỏe tổng thể của bạn và các tác dụng phụ mà bạn có thể chấp nhận.

Điều trị ung thư biểu mô mũi họng thường bắt đầu bằng xạ trị hoặc kết hợp bức xạ và hóa trị.

Xạ trị

Xạ trị là sử dụng chùm tia năng lượng cao như tia X-quang hoặc proton, để tiêu diệt các tế bào ung thư.

Xạ trị cho ung thư biểu mô mũi họng thường được xử lý bằng thủ thuật gọi là chiếu tia bức xạ bên ngoài. Trong thủ thuật này, bạn nằm trên bàn và một máy phân khối lớn chuyển động xung quanh bạn, tia bức xạ được chiếu chính xác vào mục tiêu ung thư.

Đối với các khối u nhỏ ở mũi họng, xạ trị có thể là điều trị duy nhất cần thiết. Trong các trường hợp khác, xạ trị có thể được kết hợp với hóa trị.

Tác dụng phụ của xạ trị bao gồm đỏ da tạm thời, giảm thính lực và khô miệng.

Một loại xạ trị khác gọi là bức xạ bên trong (trị liệu gần), đôi khi được sử dụng trong ung thư biểu mô mũi họng tái phát. Với phương pháp này, hạt hoặc dây phóng xạ được định vị trong khối u hoặc rất gần với khối u.

Xạ trị cho đầu và cổ, đặc biệt là khi kết hợp với hóa trị, thường gây lở loét nghiêm trọng ở cổ họng và miệng. Đôi khi, những vết loét làm bệnh nhân khó khăn trong việc ăn uống. Nếu điều này xảy ra, bác sĩ có thể khuyên bạn nên chèn ống thông vào cổ họng hoặc dạ dày. Thực phẩm và nước đưa vào cơ thể sẽ di chuyển qua ống thông cho đến khi miệng và cổ họng của bạn hồi phục.

Hóa trị

Hóa trị là điều trị bằng thuốc có sử dụng hóa chất để tiêu diệt các tế bào ung thư. Thuốc hóa trị liệu có thể được đưa vào dưới dạng thuốc viên, truyền tĩnh mạch hoặc cả hai. Hóa trị có thể được sử dụng để điều trị ung thư biểu mô mũi họng theo ba cách:

Hóa trị tại cùng thời điểm với xạ trị. Khi hai phương pháp điều trị được kết hợp, hóa trị liệu tăng cường tính hiệu quả của xạ trị. Điều trị đồng thời này được gọi là điều trị phối hợp hoặc xạ hóa trị. Tuy nhiên, tác dụng phụ của hóa trị liệu kèm với các tác dụng phụ của xạ trị khiến bệnh nhân vô cùng khó chịu. Hóa trị sau khi xạ trị. Bác sĩ có thể khuyên hóa trị sau khi xạ trị hoặc sau khi điều trị đồng thời. Hóa trị được sử dụng để tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư còn xót lại trong cơ thể kể cả những tế bào có thể bị vỡ ra từ khối u ban đầu và lây lan ra những nơi khác. Một số tranh cãi về việc hóa trị có thực sự cải thiện sự sống còn ở những người bị ung thư vòm họng hay không. Nhiều người trải qua hóa trị liệu sau khi điều trị đồng thời không thể chịu đựng được các tác dụng phụ và phải ngừng điều trị. Hóa trị trước khi xạ trị. Hóa trị liệu bổ trợ là điều trị hóa trị liệu trước khi xạ trị đơn thuần hoặc trước khi điều trị đồng thời. Cần nghiên cứu thêm để xác định xem hóa trị bổ trợ có thể cải thiện tỷ lệ sống sót ở những người bị ung thư vòm họng hay không. Bác sĩ sẽ quyết định loại thuốc cũng như chu kỳ vào thuốc cho bạn. Các tác dụng phụ của thuốc sẽ phụ thuộc vào loại thuốc bạn nhận được.

Phẫu thuật

Phẫu thuật không thường được sử dụng để điều trị ung thư vòm họng. Phẫu thuật có thể được sử dụng để loại bỏ ung thư hạch bạch huyết ở cổ.

Trong một số trường hợp, phẫu thuật có thể được sử dụng để loại bỏ một khối u từ vòm họng. Điều này thường đòi hỏi phẫu thuật viên phải thực hiện một vết rạch trong vòm miệng của bạn để tiếp cận vào khu vực này và loại bỏ các tế bào ung thư.

6. Chế độ sinh hoạt phù hợp

Xạ trị cho ung thư biểu mô mũi họng thường gây khô miệng.

Triệu chứng khô miệng có thể gây khó chịu. Nó cũng có thể dẫn đến nhiễm trùng thường xuyên trong miệng, ảnh hưởng đến việc ăn uống, nuốt và nói, cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của răng. Hãy hỏi bác sĩ xem bạn có cần đi khám nha sĩ nếu gặp các biến chứng khô miệng.

Bạn có thể tìm thấy một số giải pháp cho khô miệng và các biến chứng của nó nếu bạn:

Đánh răng nhiều lần mỗi ngày. Sử dụng một bàn chải lông mịn và nhẹ nhàng đánh răng nhiều lần mỗi ngày. Cho bác sĩ biết nếu miệng của bạn quá nhạy cảm và không chịu nổi dù chải nhẹ. Súc miệng bằng dung dịch nước mặn ấm sau bữa ăn. Pha dung dịch ấm với một ít muối và baking soda. Súc miệng bằng dung dịch này sau mỗi bữa ăn. Giữ miệng ẩm bằng nước hoặc kẹo không đường. Uống nước thường xuyên trong ngày để giữ cho miệng ẩm. Thử nhai kẹo cao su hoặc kẹo không đường để kích thích miệng tiết nước bọt. Chọn thực phẩm ẩm. Tránh các loại thực phẩm khô. Chan nước sốt, nước thịt, bơ hay sữa lên thực phẩm khô. Tránh các loại thực phẩm và thức uống có tính axit hoặc cay. Chọn thực phẩm và đồ uống không gây kích ứng miệng. Tránh thức uống chứa cà phê và cồn.

Cho bác sĩ biết bạn bị khô miệng. Bác sĩ có thể đưa ra các phương pháp điều trị để giúp bạn đối phó với những dấu hiệu và triệu chứng của khô miệng nặng. Bác sĩ cũng có thể giới thiệu bạn đến một chuyên gia dinh dưỡng để giúp bạn tìm các loại thực phẩm dễ ăn hơn nếu bạn đang bị khô miệng.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh ung thư biểu mô mũi họng, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:06/09/2020 Chia sẻ bởi:Thanh Nhàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM