U xơ nang tuyến vú
Tìm hiểu về bệnh u xơ nang tuyến vú trên eLib sẽ cho bạn biết về triệu chứng, nguyên nhân, nguy cơ và cách điều trị bệnh hiệu quả.
Mục lục nội dung
1. Tìm hiểu chung
U xơ nang tuyến vú là bệnh gì?
Xơ nang tuyến vú hay còn gọi là u xơ nang tuyến vú, là một trong những dạng tổn thương lành tính thường gặp ở nữ giới, thường do sự rối loạn nội tiết tố nữ gây ra. Các mô vú hình thành nang xơ (các bao chứa dịch) có dạng bướu phẳng, cứng và di động. Những biến đổi này làm vú dày lên, đau và căng. Nang xơ có thể lan ra khắp vú, ở một khu vực, hay xuất hiện một hoặc nhiều bướu.
2. Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của u xơ nang tuyến vú?
Gần một nửa phụ nữ mắc xơ nang tuyến vú không có triệu chứng nào. Triệu chứng bệnh có thể diễn biến từ trung bình cho đến nặng. Những triệu chứng phổ biến như đau theo chu kì và sưng hai vú. Khi nắn bóp, vú có cảm giác đầy, ứ đọng dịch, đau nhiều và căng. Mô vú dày đặc và cảm giác có bướu như những viên sỏi. Hiện tượng vú dày lên đặc biệt ở phần tư phía trên bên ngoài của vú.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Bạn nên gọi cho bác sĩ nếu gặp những triệu chứng kể trên. Ngoài ra, nếu bạn thấy xuất hiện các triệu chứng khác lạ như hoặc một khối u vú mới hoặc có một khu vực bị dày lên hay cảm thấy bất thường trong khi tự kiểm tra vú, hãy đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và có kết quả chính xác nhất.
3. Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân gây ra u xơ nang tuyến vú là gì?
Hiện vẫn chưa xác định rõ được nguyên nhân gây ra bệnh xơ nang tuyến vú. Các chuyên gia cho rằng hormone sinh sản (đặc biệt là estrogen) có thể là một trong những nguyên nhân chính. Sự thay đổi nồng độ hormone của bạn trong chu kỳ kinh nguyệt có thể gây nên sự khó chịu như ngực bị đau, sưng lên, xuất hiện dày sần và đau. Ngoài ra, mãn kinh cũng là một nguyên nhân gây ra xơ năng tuyến vú.
4. Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc phải u xơ nang tuyến vú?
Khoảng 60% đến 75% phụ nữ đều có những biến đổi mô xơ ở vú. Những biến đổi nang xơ xảy ra hầu hết ở phụ nữ từ 30 đến 50 tuổi. Phụ nữ dưới 21 tuổi chỉ có 10% nguy cơ mắc bệnh.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc u xơ nang tuyến vú?
Những yếu tố có khả năng tăng nguy cơ mắc xơ nang tuyến vú bao gồm:
Độ tuổi: phụ nữ từ 20 – 45 tuổi có khả năng mắc bệnh cao hơn; Sử dụng các thuốc có chứa estrogen; Một số phụ nữ cảm thấy ăn chocolate, uống caffeine hoặc ăn thức ăn nhiều chất béo gây ra các triệu chứng. Tuy nhiên, hiện không có bằng chứng rõ ràng về điều này.
5. Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán u xơ nang tuyến vú?
Bác sĩ chẩn đoán trên dựa vào triệu chứng và khám lâm sàng. Bác sĩ sẽ tiến hành chụp X-quang vú và siêu âm. Trong trường hợp hiếm, phương pháp sinh thiết có thể cần thiết để chắc chắn không xuất hiện tình trạng bệnh nào khác.
Những phương pháp nào dùng để điều trị u xơ nang tuyến vú?
Phương pháp phổ biến đối với hầu hết phụ nữ là mặc áo ngực trị liệu ngày và đêm và dùng các loại thuốc giảm đau như acetaminophen và các thuốc chống viêm không steroid.
Những phương pháp khác bao gồm: giảm lượng caffein (trong cà phê, trà, cocacola, socola), giảm mỡ trong khẩu phần ăn, sử dụng miếng dán nhiệt hoặc chai nước nóng, bổ sung vitamin và thảo dược, có thể dùng gạc lạnh hoặc đá. Bạn nên tự kiểm tra vú mỗi tháng để có thể phát hiện ra các triệu chứng bất thường nào.
Bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc giảm đau liều mạnh hơn, thuốc lợi tiểu, hay dùng hormone (như thuốc ngừa thai) cho những trường hợp nghiêm trọng. Đôi khi, bác sĩ có thể điều trị nang xơ ngay tại phòng khám bằng phương pháp chọc hút bằng một kim châm. Kim sẽ rút dịch ra, khiến bướu tiêu biến. Nếu bướu không hoàn toàn tiêu biến, cần phải làm sinh thiết để xem thử có phải ung thư không.
6. Chế độ sing hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của u xơ nang tuyến vú?
Bạn có thể kiểm soát tình trạng bệnh của mình nếu bạn lưu ý vài điều sau:
Tự kiểm tra vú thường xuyên hàng tháng để biết được mật độ vú bình thường như thế nào; Liên hệ bác sĩ nếu bạn thấy có triệu chứng của bệnh hoặc cảm thấy có gì đó khác trong quá trình tự kiểm tra vú; Mặc áo ngực vừa vặn, đặc biệt là lúc hoạt động mạnh.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
Trên đây là một vài chia sẻ về triệu chứng,nguyên nhân và một số lưu ý về bệnh các bạn có thể tham khảo qua. Bạn có thể liên hệ trực tiếp với Bác sĩ để biết thêm chi tiết.